Mách bạn bí kíp sống đậm mùa Tết giữa muôn lời than ‘Tết nhạt

Những lời chúc năm mới gửi qua màn hình lấp loá sáng, những lời í ới của nhóm bạn rủ nhau đi “trốn Tết nhạt”, hay những dòng status đại loại như “gần Tết rồi, mà sao thấy chẳng có không khí”… tự bao giờ đã trở nên quá quen thuộc trên mạng xã hội khi mùa Tết về.

Tết từ chỗ là thời điểm vui nhất, “đã” nhất của mọi gia đình phải chăng giờ chỉ còn là một kỳ nghỉ dài ngày nhạt nhẽo trong mắt của nhiều người? Tuy nhiên, thêm một câu than thở cũng không làm nên “Tết đậm”. Thay vì “đổ lỗi” cho “Tết nhạt”, hãy thử làm theo 3 “tips” này, bạn sẽ có một cái tết đậm đà đúng nghĩa.

Những người bạn: hãy đặt smartphone xuống, ngẩng mặt lên nhìn nhau

Phải thừa nhận rằng, smartphone có một sức tác động ghê gớm lên tình bạn, đặc biệt là trong dịp Tết. Nguyên năm bận rộn, Tết mới có tí thời gian để gặp nhau, cùng ôn chuyện cũ, mừng năm mới. Thế mà, thử để ý những cuộc trò chuyện, gặp gỡ của bất kỳ nhóm bạn bè nào trong các quán café, quán ăn,…, vào dịp này, bạn sẽ thấy cảnh những người bạn ngồi cùng nhau nhưng lại cúi mặt vào điện thoại, tay thoăn thoắt lướt lên lướt xuống, thi thoảng mới lại ngước nhìn nhau chỉ để chụp một tấm hình chung, rồi ai về “tường” nhà nấy, up status, ngồi đếm like và … than “Tết nhạt”.

Hình ảnh có liên quan

Màn hình điện thoại vô tri đã chiến thắng những tương tác, kết nối đời thường. Cứ thế, những buổi hẹn hò vẫn nối tiếp hẹn hò, nhưng sống ảo vẫn hoài sống ảo. Tại sao ta không tự hỏi, Tết nhạt vì thiếu không khí hay vì bạn và tôi không còn đủ quan tâm nhau để sẻ chia sau một năm dài tất bật?

Hãy một lần tự đưa ra cho mình lựa chọn: Tương tác ảo qua chiếc smartphone hay trải nghiệm những khoảnh khắc thực đầy vui vẻ cùng bạn bè? Bạn chọn tương tác ảo, bạn nhận lại “Tết nhạt”. Bạn chọn kết nối thật, bạn có “Tết đậm đà”. Đặt smartphone xuống, ngẩng mặt lên nhìn nhau, đâu khó để có Tết thật “đã”, phải không nào?

Những người yêu nhau: thôi hẹn hò online, hãy hẹn hò đúng nghĩa

Không chỉ những cuộc gặp bạn bè, những hẹn hò mùa Tết cũng không tránh khỏi sự chi phối những mối quan hệ “ảo”. Đã bao lâu rồi, những cái hẹn gặp nhau bằng những lần gọi video hời hợt, những tin nhắn lặp lại ngày qua ngày? Cả năm hối hả không có thời gian dành cho nhau đã đành, đến những ngày Tết thảnh thơi, có thời gian rồi, các cặp đôi cũng chỉ suốt ngày online, đăng hình sống ảo. Rồi họ than với nhau “Tết nhạt”, mà không thấy rằng, thực ra, Tết không hề nhạt, chỉ có tình yêu của họ đã bị “công nghệ hóa” hay chính họ đang “nhạt” dần đi theo năm tháng.

Và những gia đình, thay vì sum họp chỉ để chụp hình up facebook, hãy sum họp để sẻ chia

Tết là thời khắc hiếm hoi trong năm mọi người trong gia đình đều đông đủ, quây quần. Người ta mặc định, dù đi đâu thì Tết cũng phải trở về bên gia đình. Thế nhưng, có nhiều người lại đi “trốn” Tết, hay thậm chí, có trở về quây quần cùng gia đình thì cũng tự đóng khung trong thế giới ảo của riêng mình.

Suốt kì nghỉ Tết, nhiều bạn trẻ chọn ở trong nhà, ôm máy tính, điện thoại để cập nhật tình hình đón Tết khắp mọi nơi. Cần gì đi đâu xa, ở nhà là có thể gửi lời chúc tới tất cả bạn bè trên mạng. Cần gì ai chuyện trò, với cái điện thoại có thể “bắt sóng” cả thế giới. Những bữa cơm gia đình, dịp gần Tết ngày càng ít đi do bố mẹ, con cái đều bận liên hoan tổng kết cuối năm, bận những kế hoạch gặp gỡ riêng với đối tác, bạn bè. Tết xưa ấm áp lắm cảnh gia đình quây quần bên mâm cơm giao thừa, cùng xem Táo quân, cùng gói bánh chưng, xếp lì xì,… Tết nay, vẫn đoàn viên sum họp đấy, nhưng mâm cơm gia đình đã không còn đầy đủ các thành viên, mỗi người đều đang mải mê với những cuộc tụ tập bên ngoài. Có ngồi cùng nhau thì cũng chỉ đơn giản là đổi chỗ online mà thôi.

Dường như mọi người đang quên mất rằng: Tết là khoảng thời gian tuyệt vời nhất dành cho gia đình. Cuộc sống ngoài đời thật quan trọng hơn cuộc sống trên mạng ảo. Tết nhạt vì chúng ta sống nhạt, vì chúng ta đánh mất kết nối với người thân, bạn bè. Muốn Tết “đậm”, chính mình hãy chọn sống “đậm”. Bỏ điện thoại xuống, trò chuyện với những người xung quanh, mở rộng kết nối thật, bạn sẽ có một cái Tết thật “đậm” và “đã”.

Nên đọc