Người đàn ông mặc áo dài đỏ nhảy múa trên vỉa hè Sài Gòn: “Kiếm đồng tiền cho con cái được đi học thì không có gì phải xấu hổ”

PhunuOnline.net – Khoảng 2 tuần gần đây, đi qua đường Hoàng Diệu (quận 4) người ta sẽ thấy hình ảnh một người đàn ông trạc 50 tuổi, mặc áo dài đỏ nhảy múa hồn nhiên trên vỉa hè để mời gọi mọi người mua bánh ống, bắp nổ. Nhiều người tỏ vẻ dè bỉu, lướt xe qua nhanh và cho rằng chú “không bình thường” nhưng có lẽ họ sẽ cư xử khác khi biết được câu chuyện đằng sau những màn “trình diễn” ấy.

Chú Chánh (47 tuổi) quê ở Bình Định vào Sài Gòn bươn chải 13 năm nay để gửi tiền về nuôi 3 người con ở quê (1 cháu học Đại học, 2 cháu học phổ thông).
Mấy tháng trước, thấy tình hình buôn bán ế ẩm, chú nghĩ ra cách mặc áo dài đỏ nhảy múa trên đường phố để tạo sự chú ý cho khách hàng. Chú chia sẻ: “Chú nhảy múa phần vì để thu hút sự chú ý của khách, phần cũng muốn tạo một không khí mùa xuân tươi vui cho mọi người, nhờ vậy mà bán buôn tốt hơn trước”. Bất cứ ai ghé mua ủng hộ chú đều cúi đầu cảm ơn và gửi những lời chúc tốt đẹp cho năm mới.

Chú Chánh kể lúc đầu chú mặc áo này, nhảy múa ngoài đường nhiều người nói chú là thằng khùng thằng điên. Nhưng chú cũng nói tiếp: “Người ta nói gì thì nói, chú vẫn cứ làm. Mình kiếm đồng tiền cho con cái được đi học thì không có gì phải xấu hổ”.
Những điệu nhảy có phần “ngô nghê” được “biểu diễn” trên nền những bản nhạc xuân sôi động nhưng không vì thế làm chú quên đi được cái nắng nóng oi bức của thời tiết Sài Gòn. Thấy mồ hôi nhễ nhại, tôi hỏi chú nhảy cả ngày vậy có mệt không, chú cười lớn bảo có gì đâu mà mệt, như vận động thể dục đó mà.
Trong cuộc trò chuyện chú kể thêm: chú bán hết bánh mới về vì chỗ trọ là phòng tập thể không có chỗ chứa đồ. Mỗi đêm chú trả 25 ngàn cho 1 chỗ ngủ, 1 hoặc 2 giờ khuya chú về chợp mắt một chút rồi dậy đi lấy hàng về bán luôn.
Ba người con lần lượt mang tên Hiếu, Tài, Năng phần nào thể hiện được ước mong bình dị của vợ chồng chú. Biết hoàn cảnh khó khăn và cha mẹ phải hết sức để chắt chiu mới có tiền gửi về nên cháu nào cũng rất chăm chỉ và học tốt. Người chị lớn hiện đang là sinh viên năm 3 đại học, người con thứ hai đang học lớp 10 trường chuyên Lê Hồng Phong (Bình Định) và con út đang học lớp 5. Chặng đường lo cho các con còn dài, chứng tỏ cô chú còn phải bươn chải rất nhiều năm nữa để con cái học tới nơi tới chốn. Tuổi 50 đã đến gần, con đường nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già đối với chú Chánh sao còn xa quá.

“Sống cảnh vợ một nơi chồng một ngã suốt 13 năm trời, buồn lắm chứ, nhưng nhìn thấy những tấm giấy khen của các con đem về là cô chú mừng không gì bằng. Đó là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời của cô chú rồi” – vợ chú Chánh tâm sự. Nhờ ý tưởng bán hàng thú vị này, chú Chánh được nhiều người biết đến hơn và Tết năm nay chú có thêm ít tiền về quê cùng vợ con.


Hỏi khi hết Tết, trở lại Sài Gòn, chú sẽ làm cách nào để tiếp tục bán được nhiều bánh như mấy ngày hôm nay, chú chỉ cười hiền, đưa mắt nhìn xa xăm…

Tết đến, mỗi người có một nỗi lo riêng, tất bật lo giải quyết hết tồn đọng công việc, kẻ lại cày cuốc kiếm thêm chút tiền gửi về quê cho người thân ăn Tết. Những bộn bề cuối năm khiến người ta quên đi sự náo nức, mong chờ ngày Tết như khi xưa. Nhưng trên hết, đáng quý nhất là ngay cả khi trong vòng quay cơm cháo gạo tiền khắc nghiệt, con người ta vẫn biết tự tạo niềm vui qua đó lan toả thái độ sống tích cực tới mọi người.

Thanh An

Nên đọc