Nhà văn Chu Lai: Nếu vụ ‘Giáo sư âm nhạc cho Ngọc Sơn’ phổ biến có thể dẫn đến ‘chợ trời danh hiệu’
Nhà văn Chu Lai đã nhận xét như vậy khi nói về câu chuyện ‘Giáo sư âm nhạc Ngọc Sơn’ khiến các báo chí mảng giải trí ‘nóng’ mấy ngày qua.
Nhà văn cho rằng, đó là “một việc phong tặng hết sức tuỳ tiện, nói nhẹ là hồn nhiên”, và “ngay cả người phong cái đó, ghi cái đó vào bằng khen, họ cũng chưa hiểu khái niệm gốc thế nào là Giáo sư”.
Nhà văn Chu Lai bày mối lo ngại về thực trạng “lạm phát” thuật ngữ danh hiệu, thậm chí nếu câu chuyện “Giáo sư âm nhạc Ngọc Sơn” này trở nên phổ biến, có khả năng dẫn đến chuyện “chờ trời danh hiệu”.Vì vậy, nhà văn đề nghị “các hội dân gian, hội nghề nghiệp, hội nọ, hội kia… trước khi hạ bút phong tặng cho ai cái gì nên tế nhị và cẩn trọng. Việc tuỳ tiện này khiến cho việc phong tặng rơi vào một vùng nhạy cảm ghê gớm lắm.
Tôi cho rằng, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú… là những giọt dung dịch nếu tinh khiết sẽ khích lệ tư duy và ý chí sáng tạo. Còn nếu là những giọt đục sẽ làm cho những tư duy đó bị nhiễm độc.
Cuối cùng chỉ nhân dân là bị thiệt, các nghệ sĩ vĩ đại, các nhà văn vĩ đại, các nhà bolero vĩ đại… tự nhiên trở thành hài hước trong “cõi mông lung thuật ngữ” này.”
Phát biểu trên báo Dân Trí, nhà văn đã bày tỏ thái độ phản đối việc ca sĩ Ngọc Sơn được phong danh hiệu Giáo sư âm nhac, nói: “Cá nhân tôi cực lực phản đối chuyện này. Cũng như, có ai gọi tôi là “Đại văn hào Chu Lai” tôi sẽ tát cho người đó một cái. Những cái gì mình không có không bao giờ được nhận, những cái gì mình không được phép phong thì không bao giờ được hạ bút phong. Đồng tiền vĩ đại đến cỡ nào mà có thể réo gào, làm thay đổi nền tảng tư duy, giá trị đạo đức… đến nỗi ấy?.”
Đó là tiếng nói của một người làm nghệ thuật, nói về việc trao tặng danh hiệu tuỳ tiện cho một người cũng đang làm nghệ thuật và được không ít công chúng mến mộ. Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện ‘Giáo sư âm nhạc Ngọc Sơn’?
Theo MenTV