Từ tai nạn xe bồn ở Bình Phước: Chuyên gia tư vấn xây lối thoát hiểm khoa học nhất

PhunuOnline.net – Vụ tai nạn xe bồn làm 6 người thiệt mạng và 19 căn nhà bị cháy rụi đã khiến dư luận vô cùng lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó nhiều ý kiến đồng tình rằng không có lối thoát hiểm trong những ngôi nhà ống bít bùng là nguyên nhân khiến hậu quả vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng như vây.

Vì sao hậu quả hỏa hoạn trong nhà ống nặng nề hơn?

Thiết kế nhà phố hiện nay chủ yếu là nhà ống được xây san sát dọc hai bên đường, chỉ có một cửa chính và hoàn toàn không có cửa phụ phía sau nhà. Nếu không may hỏa hoạn xảy ra ở khu vực phía trước nhà thì đám cháy sẽ ngăn cản lối ra duy nhất của nạn nhân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo “an toàn” và tránh trộm cắp, nhà phố thường có nhiều song sắt, lớp cửa, tường cao che chắn khiến người trong nhà không có lối thoát khi gặp hiểm họa.

Các ngôi nhà đồng thời là ki ốt buôn bán trong vụ hỏa hoạn vừa qua tại Bình Phước đa số không có cửa thoát hiểm phía sau.

Đơn cử là trường hợp gia đình anh Võ Chí Công (nạn nhân có căn nhà bị cháy trong vụ lật xe bồn), thời điểm xảy ra hỏa hoạn, phần cửa trước của ngôi nhà đã bị ngọn lửa phong tỏa, anh Công chỉ còn cách đưa vợ con chạy vào nhà vệ sinh “cố thủ” bằng khăn ướt và… cầu trời do phía sau nhà hoàn toàn không có lối thoát.

Chính vì những lý do trên mà khi xảy ra hỏa hoạn, nhà ống thường bị ảnh hưởng nặng nề về tài sản, thậm chí là tính mạng con người.

Chuyên gia tư vấn cách thiết kế lối thoát hiểm nhà phố khoa học nhất

Từ vụ tai nạn thương tâm trên, các gia đình nên lưu ý một số lời khuyên từ kiến trúc sư như đây:
Nhà nên có ban công, lô gia (phần ăn sâu vào mặt bằng nhà, có một bề mặt tiếp xúc với thiên nhiên): Không chỉ là thiết kế làm đẹp cho căn nhà mà đây còn là lối thoát hiểm hiệu quả cho gia đình bạn. Trong trường hợp cháy hay ngạt khói, các thành viên của gia đình có thể lánh nạn ở khu vực này và ra hiệu cho lực lượng cứu hộ.

Lô gia là một vị trí thoát hiểm hiệu quả khi xảy ra cháy lớn trong nhà.

Nhà nên có sân thượng và giếng trời: Tương tự ban công và lô gia, sân thượng cũng là lối thoát hiểm quan trọng cho nhà mặt phố. Dựa vào địa hình cụ thể mà nạn nhân có thể di chuyển sang nhà hàng xóm hoặc chờ lực lượng cứu hộ tới hỗ trợ. Giếng trời trong nhà còn giúp thoáng khí và thoát khói thẳng lên trên khi sự cố hoả hoạn xảy ra, hạn chế tích tụ khói trong nhà gây ngạt.

Bố trí cầu thang thoát hiểm lên tầng mái: Thông thường với nhà phố, sàn mái được làm phẳng để đặt bể nước và thường có lối lên mái. Đây chính là một phương án thoát hiểm được khuyến cáo trong tình huống nguy cấp.
Thiết kế mỗi tầng nên có ít nhất hai lối thoát hiểm: Một lối thoát hiểm ra cầu thang (lên hoặc xuống) và một lối thoát hiểm khác (cửa sổ, ban công, lô gia). Trong trường hợp không thể thoát hiểm bằng lối đi cầu thang, nạn nhân có thể tìm đến cửa sổ hay ban công để trèo xuống (nếu có thể) hoặc kêu gọi sự ứng cứu từ bên ngoài.

Các gia đình nên hạn chế lắp đặt cửa sắt kéo, cửa nhôm cuốn vì các loại cửa này sẽ gây bất lợi cho việc thoát hiểm. Kiến trúc sư khuyến cáo với cửa trong nhà (cửa phòng, cửa ban công, lô gia, sân thượng…) nên sử dụng hệ chốt khoá đơn giản, dễ vận hành, tốt nhất nên sử dụng khoá bằng các loại chốt hãm, không dùng chìa.

Ngoài ra nếu nhà có nhiều hơn một mặt tiền, nên bố trí thêm cửa thoát hiểm ở phía sau hoặc bên hông nhà. Bên cạnh đó, các hệ thống chốt khoá cần được lưu ý hoạt động tốt, đơn giản, dễ vận hành.

Phương Nguyễn

 

Nên đọc