Vào mùa kinh doanh, lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

Sau đợt tăng từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 9-2018, tuần qua, lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại lại tăng.

Cụ thể, từ ngày 10-10, Vietcombank tiếp tục tăng thêm 0,1%/năm cho kỳ hạn 1 – 2 tháng và tăng thêm 0,2%/năm cho các kỳ hạn 3 – 6 tháng, lên tương ứng 4,8-5,5%/năm kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng.

Tương tự, VietinBank cũng đã tăng thêm 0,2% đối với các kỳ hạn huy động vốn từ 1 – 6 tháng. Theo đó, lãi suất 1 – 2 tháng là 4,5%/năm, 3 tháng là 4,8%/năm và 6 tháng lên 5,5%/năm. Agribank cũng vừa tăng lãi suất tiền gửi lên 0,2% – 0,3% đối với các kỳ hạn ngắn, như 1 – 2 tháng tăng lên 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,8%/năm và kỳ hạn 5 tháng là 5,5%/năm.

Ngoài các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng thương mại khác như SCB, OCB… từ đầu tháng 10 cũng đã tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn ngắn 3 tháng lên 5,5%/năm…

Các ngân hàng lý giải, việc lãi suất huy động vào “cuộc đua” là do yếu tố vụ mùa. Quý 4 hàng năm là thời điểm nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tăng cao nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh mùa cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nên buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút đồng vốn.

Thu hút vốn không chỉ ở thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế) mà nhu cầu vốn tăng cũng được thể hiện trên thị trường liên ngân hàng (thị trường các ngân hàng vay của nhau) khi thanh khoản của các ngân hàng không còn dồi dào như 6 tháng đầu năm.

Thống kê cho thấy, ngay từ cuối quý 3-2018, mặt bằng lãi suất ở thị trường này cũng tăng mạnh với mức hơn 2%/năm đối với kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và 0,3% – 1,1%/năm với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất qua đêm dao động trong biên độ khá rộng, từ 1% – 5%/năm với kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần.

Bình quân lãi suất kỳ hạn 1 tuần trong quý 3-2018 ở mức 3,35%/năm, cao hơn 1,7%/năm so với 6 tháng đầu năm và cao hơn mức 2,2%/năm so với cùng kỳ năm 2016 và 2017…

Báo cáo từ một số ngân hàng thương mại cho thấy, từ đầu tháng 10-2018, lãi suất liên ngân hàng VND duy trì đà tăng của tuần trước đó ở tất cả kỳ hạn các phiên đầu tuần, chỉ giảm trở lại vào phiên cuối tuần.

Cụ thể, phiên chốt tuần ngày 5-10, lãi suất giao dịch quanh mức qua đêm là 2,98%/năm, tăng 0,13%; 1 tuần là 3,23%/năm, tăng 0,18%; 2 tuần là 3,40%/năm, tăng 0,12% và 1 tháng là 3,83%/năm, tăng 0,13%.

Tuy vậy, các ngân hàng cho biết, dù lãi suất huy động được điều chỉnh tăng lên gần đây nhưng thanh khoản ngân hàng vẫn tốt, không có dấu hiệu căng thẳng.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2018 của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 9,52%, trong khi huy động vốn chỉ ở mức 9,15%.

Như vậy, so chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 của hệ thống ngân hàng là 14%, một số ngân hàng vẫn còn dư địa cho vay, nên việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất để thu hút thêm tiền gửi vào nhằm đáp ứng nhu cầu vốn từ thị trường, dân cư dịp cuối năm cũng là bình thường.

Lý giải việc lãi suất huy động tăng liên tục thời gian qua, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc thị trường nguồn vốn và tiền tệ Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40% từ đầu năm 2019 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất nhằm cơ cấu, cân đối lại nguồn vốn.

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất đồng USD trong thời gian qua và dự kiến còn tăng thêm vài lần trong năm 2019 đã tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND và cả lãi suất VND.

Để giữ khoảng cách giữa chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hấp dẫn, việc các ngân hàng tăng lãi suất VND là điều cần thiết. Mặc dù vậy, các chuyên gia đến từ HSBC Việt Nam nhìn nhận, hiện lãi suất vẫn đang còn thấp để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

Nhưng thời gian tới, lãi suất sẽ khó giữ ở mức này, nhất là Việt Nam hiện đang đối mặt với áp lực tỷ giá USD/VND, đồng USD mạnh lên và thị trường tiền tệ được dự báo biến động mạnh hơn.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Nên đọc