Giảm chi phí giá thành cho ngành chăn nuôi
Trong cơ cấu giá thành chăn nuôi, chi phí thức ăn thường chiếm 65-70%. Như vậy, có thể nói chi phí thức ăn giữ vai trò quyết định đến giá thành sản phẩm trong chăn nuôi.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh toàn cầu, giải pháp đặt ra nên đến từ việc tối ưu hóa giá thành, mà trọng tâm là tìm cách giảm chi phí thức ăn chăn nuôi để đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho nông dân.
Chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức
Sự kiện hàng loạt những nông dân nuôi heo trong dịp cuối năm vừa qua trở nên lao đao vì lượng tiêu thụ bị “ách tắc” từ thị trường Trung Quốc đã trở thành bài học cảnh tỉnh chung cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Rõ ràng, sau một thời gian dài tăng trưởng nóng khiến nhiều trang trại, doanh nghiệp tập trung mở rộng ồ ạt mà không có sự hoạch định rõ đã khiến cung vượt cầu, khiến áp lực “giảm giá” tăng dần, trở thành mối lo ngại chung của thị trường.
Từ phương diện thị trường cho thấy, việc tối ưu hóa giá trị sản xuất sẽ là cứu cánh cho những chủ trang trại, doanh nghiệp nhỏ hiện nay để vừa đảm bảo tính cạnh tranh vừa ổn định được mức doanh thu từ việc tối ưu giá thành.
Trong cơ cấu giá thành chăn nuôi, chi phí thức ăn thường chiếm 65-70%. Như vậy, có thể nói chi phí thức ăn giữ vai trò quyết định đến giá thành sản phẩm trong chăn nuôi. Do đó, việc người chăn nuôi phải tính toán, tìm cách hạ giá thành trong khâu này là việc làm cần thiết để bảo đảm sự ổn định cho sản xuất.
Giảm chi phí thức ăn chăn nuôi từ giống ngô LCH9:
Giống ngô LCH9 là giống lai đơn giữa dòng CH1 (rút từ quần thể SW5 của Thái Lan) và dòng HL1 (từ CIMMYT) của nhóm tác giả TS. Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và các cộng sự. Giống LCH9 đã được công nhận tạm thời theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/7/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Từ năm 2004-2008, giống LCH9 được đưa sản xuất thử tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và ĐBSH với diện tích trên 2 nghìn ha, năng suất đạt 50-70 tạ/ha.
Trong kết quả phân tích về những đánh giá khả quan do giống ngô LCH 9 mang lại, hàm lượng Protein thô của LCH 9 đạt đến 11,3%/VCK, trong khi ở cùng thời điểm thu hoạch và điều kiện canh tác, các giống ngô lai thông thường chỉ đạt 7,95%/VCK.
Ngoài ra, hàm lượng các axit amin thiết yếu đối với động vật như Lysine và Tryptophan lần lượt đạt 4 và 0,80%/ tổng số protein, thuộc nhóm đầu trong các giống ngô lai F1 hiện nay.
Sự cải thiện về chất lượng này đặc biệt có ý nghĩa giúp gia súc tăng trọng nhanh và năng cao năng suất sản xuất sữa mà không cần bổ sung protein trong quá trình chăn nuôi. Về năng suất, kết quả thí nghiệm của trang trại TH Milk Lâm Đồng cho thấy, giống LCH 9 đứng đầu trong bộ giống ngô sinh khối khảo sát, về lý thuyết đạt đến 12,5kg sinh khối cây ngô chín sáp/m2 (tương đương 125 tấn/ha), tăng 12,5% so với đối chứng đang được gieo trồng phổ biến tại đây ở thời điểm thí nghiệm. Giống ngô này cũng đang được gieo trồng phổ biến làm thức ăn ủ ướp cho bò tại các vùng nuôi bò tập trung ở Lâm Đồng, Sơn La, Hà Nam, Vĩnh Phúc…
Ngoài các chỉ số vượt trội về mặt dinh dưỡng, LCH9 còn là giống ngô thuộc nhóm “nồi đồng cối đá”, có khả năng chịu hạn rất tốt. Hiện giống đã được nhiều Cty chăn nuôi bò sữa, bò thịt lựa chọn sử dụng để sản xuất thức ăn cho bò như: Công ty CP Sữa Đà Lạt, Lâm Đồng khoảng 100ha; Tập đoàn Hòa Phát đang trồng tại Trực Ninh (Nam Định), Thái Bình, Quảng Bình và Đồng Nai với diện tích khoảng 100ha…
Theo TS. Lê Quý Kha: “Giống ngô LCH9 chỉ là một đại diện cho thấy hướng đi mới trong sự phát triển của ngành chăn nuôi nói chung phải đến từ những giải pháp đồng bộ, có tính liên kết chặt chẽ từ khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm cuối cùng. Đã đến lúc ngành chăn nuôi Việt Nam cần có sự thay đổi chiến lược trong cách phát triển mô hình kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng chung cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.”