Cần Giờ sẽ là khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng không thua gì Pattaya của Thái Lan
Đó là khẳng định của ông Đào Hồng Tuyển – Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu tại buổi Tọa đàm chủ đề “Đi tìm mô hình đột phá phát triển cho huyện Cần Giờ – TP.HCM” do Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM tổ chức chiều tối ngày 17/4. Theo ông, Cần Giờ đang có điều kiện cần và đủ để đạt được mục tiêu trên theo hướng phát triển khu vực này thành khu đô thị hiện đại gắn với du lịch và nghỉ dưỡng.
Đi tìm một mô hình thích hợp cho Cần Giờ
Theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Hòa – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, chính quyền địa phương hàng chục năm qua đã thực hiện một số lần điều chỉnh quy hoạch huyện đảo Cần Giờ theo hướng biến nơi đây thành một trung tâm kinh tế, du lịch mới. “Ý tưởng là thành phố không phải làm khu đô thị lấn biển quy mô lớn hay đầu tư tuyến đường cao tốc có 10 làn xe chạy từ trung tâm xuống là xong, không phải cho người giàu xuống nghỉ mát rồi về mà phải làm sao phải vực dậy cả vùng này. Những nông dân sẽ là người làm dịch vụ, đồng muối sẽ là điểm tham quan”, ông Hòa phát biểu.
Theo đó, mô hình phát triển này phải đẩy được Cần Giờ đi lên chứ không phải lấy mô hình thành phố áp xuống cho Cần Giờ muốn làm gì thì làm. Trong đó, mục tiêu chính của TP.HCM là phát triển không đánh đổi môi trường sinh thái lấy dự án du lịch. Phát triển phải đảm bảo tính bền vững, gắn với tính chất, chuẩn mực môi trường sinh thái ở khu vực này.
“Cần Giờ rất khó phát triển nên cần phải có một mô hình tạo đột phá. Chúng ta chưa nói Cần Giờ sẽ là một khu nghỉ mát nổi tiếng hay làm gì mà chúng ta đang bàn mô hình phát triển để người nông dân có thể sống tốt hơn, nâng cuộc sống của người dân, làm sao Cần Giờ hoà nhập được với sự phát triển của TP.HCM”, ông Hoà nói thêm.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng đây là một vị trí “vàng” chưa được khai thác một cách tốt nhất. Trước đây, thành phố rất muốn phát triển một nền kinh tế hướng biển nhưng điều kiện có hạn, hiện nay vực dậy Cần Giờ là rất đúng lúc và kịp thời. Thành phố hoạch định chiến lược đưa người dân Cần Giờ phải được nâng cao đời sống, quy hoạch làm sao đảm bảo sinh kế cho cư dân bản địa, người dân không phải tha hương khỏi vùng quê mình.
Tuy nhiên, theo ông Châu qua các cuộc điều tra dân số học, hơn 30% người dân TP.HCM không biết rằng nơi mình sinh sống lại có biển, Song song đó, tâm lý du khách đến Cần Giờ phải đối diện với ô nhiễm, màu nước đen không tắm được nên nơi đây còn hẻo lánh.
“Nước sông Sài Gòn tanh, ra đến Cần Giờ còn tanh hơn khi mấy con sông đổ nước ra đây. Nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Rừng Sát bị chất độc màu da cam bị phá huỷ khoảng 80% diện tích nhưng nay đã phục hồi trở thành lá phổi cho cả thành phố. Nhiều con kênh quanh trung tâm thành phố ngày trước đen xì, hôi thối không ai thở được nhưng nay cũng đã có được dòng nước xanh mát. Do vậy việc ở Cần Giờ cũng sẽ khắc phục được trong điều kiện công nghệ hiện nay”, ông Châu phát biểu.
“Tôi đã đi khảo sát nhiều lần, nếu là diêm dân, ngư dân cũng không sống được với điều kiện kinh tế hiện nay tại đây. Do đó, TP.HCM sẽ lấy một mũi chính của Cần Giờ để phát triển đô thị. Nếu không có nhà đầu tư vào thì Cần Giờ vẫn mãi là Cần Giờ, một ốc đảo không bao giờ phát triển nổi”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đôc Sở Du lịch TP.HCM lập luận.
Những chỗ TP.HCM bảo tránh, các nhà đầu tư sẽ tránh xa
Tuy nhiên, để phát triển được khu vực này, một vấn đề lớn nhất mà theo các chuyên gia khoa học, vấn đề môi trường, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ rất dễ bị tác động nặng nề. Ngoài ra, một khi các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, nơi nay lập tức sẽ xuất hiện tình trạng đầu cơ, thồi phồng giá đất và có nguy cơ tạo ra một cuộc “bong bóng” mới trên thị trường địa ốc.
Đứng về gốc độ các nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện bảo tồn hệ sinh quyển, hệ môi sinh tại huyện Cần Giờ đã được nói đến khá nhiều và đã có những quy định khá chặt chẽ từ nhiều năm qua. Ở đây, các nhà đầu tư chỉ phát triển dự án tại vùng đã được quy hoạch dành cho đô thị, các khu vực rừng nước mặn, vùng lõi thuộc khu dự trữ sinh quyển từ phà Bình Khánh đến gần trung tâm thị trấn huyện phải được tránh xa.
Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, nói: “Cần Giờ muốn đột phá phải nghỉ khác làm khác, nghỉ mới làm mới thì mới làm được. Để phát triển thì chính quyền TP.HCM cần có đề xuất những chính sách, cơ chế phù hợp để Cần Giờ cất cánh trở thành khu kinh tế du lịch – nghỉ dưỡng. Nếu vẫn giữ nguyên thuỷ thì người dân Cần Giờ sẽ vẫn mãi nghèo như hiện nay”.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ không tập trung phát triển toàn Cần Giờ mà chỉ tập trung ở phía biển là khu vực xã Cần Thạnh vì nơi đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành khu đô thị vệ tinh của TP.HCM trong tương lai. Từ Phan Thiết đến Cà Mau chưa có một khu du lịch nào tốt nhất cả. Do đó, nếu có một khu như các nhà đầu tư hoạch định ở Cần Giờ sẽ là điểm nhấn và là điểm đến của du khách quốc tế không thua gì các khu du lịch lớn trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, phát triển phải dựa trên cơ sở tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn di sản…
Có thể sẽ đầu tư cả đường hầm vượt biển nối Vũng Tàu với Cần Giờ
Còn ông Trương Tiến Triển – Phó chủ tịch huyện Cần Giờ, cho biết khu vực biển của TP.HCM hiện nay không đủ hải sản bán cho khách du lịch và dân địa phương chứ không như nhiều thông tin đồn đại rằng du khách đến dây không dám ăn hải sản tươi sống do lo sợ ô nhiễm. Nhiều lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm cho Cần Giờ, nhưng không đủ lực do không có nhà đầu tư nào quan tâm và chính sách không theo kịp.
Trong khi huyện Cần Giờ rộng hơn 70.000 km2, trong đó 33.000 km2 là rừng sinh quyển luôn phải giữ nghiêm ngặt. “Do đó, thời gian tới khi chúng ta muốn phát triển cỡ nào đi chăng nữa cũng không thể mất được diện tích rừng này”, ông Triển nói.
Cũng theo lãnh đạo huyện, dự án phà Cần Giờ – Vũng Tàu hiện đã chọn được nhà đầu tư, dự kiến năm 2018 sẽ đưa vào khai thác. Phà Cần Giờ – Cần Giuộc (Long An) cũng sẽ đưa vào dịp 2/9 năm nay để khai thác. Ngoài ra, có dự án đường cao tốc Bên Lức – Long Thành chạy qua Cần Giờ đang được đầu tư, TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư cầu Bình Khánh, cầu Cần Giờ và nâng cấp đường Rừng Sác. Ngoài ra, ở những bản thiết kế nhiều năm trước đây, các chuyên gia khoa học còn đề xuất xây dựng một tuyến đường ngầm vượt biển nối Cần Giờ với Vũng Tàu dài khoảng 25km.
Như vậy, phía Tây Cần Giờ giáp Long An và Tiền Giang, phía Đông giáp Nhơn Trạch (Dồng Nai), ông Triển cho rằng với một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ như thế, du khách không thể chỉ đến đây ngắm cây xanh và đàn khỉ rồi về mà không có những nơi để nghỉ dưỡng thì quá lãng phí!
“Cần Giờ phải trở thành một khu kinh tế du lịch sinh thái đúng nghĩa, tức là du khách cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn khu dự trữ và người dân sở tại cũng sẽ là những người tham gia vào làm du lịch tại chỗ. Về mặt giao thông, chúng ta có thể lấy đường thủy và đường không làm hướng tiếp cận chính cho các đồ án quy hoạch sắp tới”, ông Triển cho biết thêm.
Theo Trí thức trẻ