Thương hiệu TOME và hành trình đầy quả cảm của một cô giáo tiếng Anh
Nhắc đến Phạm Thanh Phương, người sáng lập đồng thời là Giám đốc Công ty cổ phần đào tạo TOME – Trung tâm Anh ngữ TOME là nhắc đến hình ảnh của một cô giáo nhiệt huyết lao như vũ bão vào các thử thách trong nghề. Khởi nghiệp ở tuổi 23, thành công đến không bao giờ là dễ dàng và với Phạm Thanh Phương, mà đó là cả một quá trình đánh đổi của rất nhiều thời gian, mồ hôi và cả nước mắt.
23 tuổi rời bỏ công việc hai mươi triệu để khởi nghiệp
Ở tuổi 23, mức lương 20 triệu là mức lương đáng mơ ước của nhiều người, nhưng với Phạm Thanh Phương đó chưa phải là cái mà cô khao khát. Sự ổn định đến mức nhàm chán như một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại mỗi ngày trong một Trung tâm ngoại ngữ khiến Phương muốn bứt mình ra.
Mức lương 20 triệu là một mức lương đáng ao ước với những người ở tuổi 23 thời điểm đó. Nhưng với Phạm Thanh Phương, đó là kết quả của rất nhiều những giờ dạy đã vắt hầu hết sức lực và trí tuệ của chị mỗi ngày. Cũng trong hoàn cảnh làm thuê cho người khác, chị đã nghĩ rất nhiều về những giá trị mà mỗi học viên nhận được. Từng là một người mất căn bản về tiếng Anh, tự học dưới sự hướng dẫn của một người bạn và sự tìm tòi của bản thân. Phạm Thanh Phương hiểu rằng chị có thể giúp đỡ được nhiều hơn những người đang thực sự muốn thay đổi trình độ ngoại ngữ của mình, kể cả khi họ “mất căn bản” và nản chí. Chị muốn học viên của mình nhận được nhiều hơn những gì họ xứng đáng. Muốn làm được như vậy, Phương phải là người quyết định phương pháp đào tạo được đúc kết từ chính trải nghiệm của mình. Cầm 20 triệu trong tháng lương cuối cùng của mình, Phạm Thanh Phương quyết định nghỉ việc và bắt đầu một hành trình, mà sau này chị mường tượng như việc “lái con tàu Titanic băng Đại Tây Dương một lần nữa vậy.”
Phạm Thanh Phương chờ đợi điều gì ở quyết định khởi nghiệp với 20 triệu và tuổi 23 của mình. Chỉ là một thứ niềm tin rằng bản thân có thể làm được. Và chị mong mỏi những gì mình gây dựng về sau sẽ là nền tảng để cung cấp cho các em học viên những giá trị tốt nhất trong học ngoại ngữ. Chỉ như vậy, không có gì hơn ngoài tuổi trẻ và hoài bão cao quý với nghề giáo mà chị hằng trân trọng.
Những ngày đầu gian khó của Anh ngữ TOME
20 tiếng mỗi ngày, Phạm Thanh Phương đảm nhận công việc của hầu hết tất cả những công đoạn mà chị từng chứng kiến trước đây tại môi trường làm việc cũ. Chị là Giám đốc, đề ra những chiến lược để phát triển và quản lý chung mọi việc. Chị làm công tác đào tạo, khi là người vạch ra kế hoạch học tập, chương trình học tập, trực tiếp giảng dạy và đánh giá chất lượng học viên sau cùng. Chị cũng là một tay quản lý nhân sự ở mức học việc, vì Thanh Phương kể lại thời điểm đó mình hoàn toàn mù mờ về thứ gọi là quản lý nhân sự.
Bên cạnh đó, chị cũng đảm nhận luôn cả việc phát triển kinh doanh, quảng cáo, thu hút học viên và marketing hình ảnh. Đặc biệt còn là công việc của những người phục vụ. Mười hai giờ đêm, người ta vẫn thấy Phương đang cặm cụi lau dọn mọi thứ sau một ngày giảng dạy và học tập. Đó là những năm tháng mà chị không bao giờ có thể quên được trong hành trình khởi nghiệp. Để đến lúc mà mẹ thấy chị trong hình ảnh của một cô gái “mắt thâm quầng, tóc rối như tơ vò” thì chị vẫn xuề xòa cười một cách tự tin, rằng : “Con làm được.”
Hành trình khởi nghiệp ban đầu, khi Anh ngữ TOME chưa chính thức ra đời là một hành trình gian nan. Với số vốn mượn thêm từ anh ba, lời động viên săn sóc từ mẹ, sự hỗ trợ hết mình của người thương và bạn bè, mọi thứ dần trở nên ổn định. Ngày Công ty và Trung tâm Anh ngữ TOME chính thức được thành lập, Thanh Phương đã rất tin vào chọn lựa của mình. Mặc dù chị biết rằng từ thời điểm đó, khó khăn sẽ tăng thêm gấp mười, công việc sẽ tăng lên gấp mười. Óc phán đoán của một nhà kinh doanh cho chị sự cẩn thận và chu toàn trong công việc. Và lương tâm của một nhà giáo cho phép Thanh Phương truyền tải sự nhiệt huyết và tình yêu với nghề, với đời một cách trọn vẹn.
Vượt qua dông bão
Những thách thức trong việc vận hành Anh ngữ TOME khiến cho Thanh Phương nhiều đêm thức trắng. Chị hiểu rất rõ đó là điều sẽ phải xảy ra, và thực tế trong chiến lược kinh doanh của các nhà khởi nghiệp thành công, hiếm khi có chỗ cho sự tồn tại của khái niệm “một mình”. Đây không còn là thời điểm người sáng lập Anh ngữ TOME có thể một mình gồng gánh vận hành cả trung tâm được nữa. Chị phải thu hẹp phạm vi kiểm soát để phân bổ vào các vị trí nhân sự mà chị đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để chọn lựa. Yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định đến sự thành công của hầu hết quá trình khởi nghiệp. Và chị gặp khó với chính vấn đề con người khi việc kiểm soát và xử lý các vấn đề nhân sự trong Anh ngữ TOME vào một số thời điểm gần như quá sức với chị.
Trong thời kỳ này, chị được hỗ trợ rất lớn từ người chồng hiện tại khi anh quyết định bỏ việc để về hỗ trợ cho chị bằng hết khả năng. Với một người phụ nữ khởi nghiệp, đó chính là nguồn động viên và sức lực to lớn giúp chị vượt qua dông bão. Đến tận thời điểm này, khi Anh ngữ TOME đã có những bước vận hành ổn định, Phạm Thanh Phương vẫn luôn đề cao phương châm hoạt động như ngày bắt đầu. Cái chị muốn các học viên nhận được phải là kết quả nhìn thấy được – sản phẩm ngôn ngữ thật sự phát ra từ chính khả năng của họ.
Mọi thứ đôi khi mới chỉ bắt đầu, nhưng tôi luôn tin vào kết quả mà mình rồi sẽ đạt được, chẳng phải như ông chủ của thương hiệu cà phê Starbucks là Howard Schultz từng viết trong cuốn sách “Dốc hết trái tim” kể về giá trị của hành trình khởi nghiệp thế này: “Nếu bạn dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, hoặc vào bất cứ một doanh nghiệp nào thích đáng, bạn có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Đó là điều viết nên câu chuyện cuộc sống với một kết thúc có hậu”. Thanh Phương tự tin cho biết
Mai A