Khi mẹ chồng “ghen” với con dâu
Nào ngờ khi đã về làm dâu, chị chợt nhận bà không hề yêu thương chị dù chị đã cố hết sức làm tròn bổn phận. Thậm chí bà còn hắt hủi, bắt nạt và “ghen” với chị mỗi lần thấy anh tỏ ra gần gũi, chăm sóc cho chị.
Ngày còn yêu nhau, đã không ít lần anh kể cho chị nghe về mẹ. Lúc ấy, chị đã ngưỡng mộ và khâm phục bà biết bao nhiêu vì khó có ai trong hoàn cảnh mất đi người đàn ông bên cạnh, lại có thể mạnh mẽ vượt qua nỗi khổ cực để nuôi anh trưởng thành như hôm nay. Chị thương bà và chỉ nghĩ đơn giản khi về làm dâu, chị sẽ cố gắng trở thành con dâu thảo quan tâm, chăm sóc cho bà nhiều hơn. Nào ngờ khi đã về làm dâu, chị chợt nhận bà không hề yêu thương chị dù chị đã cố hết sức làm tròn bổn phận. Thậm chí bà còn hắt hủi, bắt nạt và “ghen” với chị mỗi lần thấy anh tỏ ra gần gũi, chăm sóc cho chị.
Chị nghĩ mà không hiểu nổi khi trên đời vốn đã có kiểu ghen vợ chồng giờ còn có cả kiểu ghen này mà lần đầu chị được trải nghiệm. Đó là mẹ chồng ghen với con dâu.
Những ngày đầu về nhà chồng cũng như bao nàng dâu khác, chị lúc nào cũng tỏ ra bẽn lẽn, rụt rè và nhẹ nhàng trong mọi việc. Kể cả bữa cơm với mọi người, chị cũng đâu dám thoải mái khi gắp thức ăn. Biết vợ ngại ngùng, anh ngồi kế bên gắp vào bát chị rồi tấm tắc khen bà xã nấu ăn là số một. Mẹ chồng thấy con trai cứ chăm chăm chăm sóc cho nàng dâu thì đã vội lên tiếng: “Anh chưa gì mà đã đội vợ lên đầu rồi. Ngày trước anh cũng kêu tôi là nấu ăn số một giờ sao lắm số vậy?”.
Ảnh minh họa
Chị hiểu ý mẹ chồng nên cố tình đá chân anh nhắc nhở. Sau đó, lại đưa đũa gắp thức ăn lên chén cho bà. Ai dè, bà liền gắp bỏ xuống đĩa rồi mỉa mai: “Gớm, tôi chẳng cần ai lo. Tôi có tay tự tôi làm được”. Câu nói của mẹ chồng làm không khí bàn ăn trở nên nặng nề. Chị cố gắng đưa bát cơm lên, cúi mặt cố nén nỗi tủi hờn và nuốt cho xong bữa.
Từ bữa giờ chị vẫn đi cái xe cà tàng đến chỗ làm rồi dăm ba bữa lại phải đem ra thợ sửa vì máy móc đã cũ kỹ. Thương vợ, anh bảo với chị đem khoản tiền tiết kiệm của chị bao lâu nay cộng thêm tiền lương tháng này của anh ra mua để cho chị một chiếc xe tay ga đi cho đàng hoàng. Chị cảm động rồi vui mừng rối rít với chồng. Biết vậy, mẹ anh liền khó chịu ra mặt: “Cả đời tôi lọc cọc đi xe đạp mà nó cũng không không thèm đoái hoài, thế mà…”.
Nghe mẹ cằn nhằn, chị im lặng bảo chồng rút lui việc mua xe mới. Nhưng anh đã vội gạt đi để giải thích với bà: “Bữa trước con bảo mua cho mẹ chiếc xe đạp điện mà mẹ kêu sợ không dám đi nên chỉ muốn đi xe đạp cho an toàn sao giờ lại trách tụi con như thế”. Bà chột dạ khi nghe con trai chỉ đúng điểm trừ nên lại há hốc miệng rồi lại vênh mặt im lặng vào trong. Khi chiếc xe tay ga được đón về nhà, vì trọng lượng của xe có phần nặng nề nên mỗi khi rửa, chị không thể nào nhắc được chân chống phía sau. Thấy vợ mỗi lần cứ vất vả loay hoay với xe cộ, anh cười rồi bảo chị lần sau cứ đến lúc rửa xe thì gọi anh nhắc cho chứ không may lại ngã xe vào người thì khổ.
Nhìn cảnh hai vợ chồng tíu tít với nhau, mẹ chồng lại có cớ mắng chị: “Đã không làm nổi việc cỏn con đó thì xác định đừng mua xe làm gì. Chị mà cứ ỉ lại vào chồng như vậy lại đâm ra lười nhác cho mà xem”. Biết mẹ chồng đang ghen vì mình được con trai bà lo lắng nên chị lại cố nhịn. Chị không ngờ chỉ một chuyện đơn giản như vậy mà mẹ chồng lại làm quá và ra lời trách chị. Vì không muốn mẹ chồng khó chịu nên mấy ngày sau, chị bảo chồng chỉ mình cách làm trụ đứng sau xe thế nào để nhắc xe được mà không cần chồng làm thay.
Có hôm thấy vợ đang gấp áo quần trong phòng, anh nhanh tay chạy đến rồi cùng phụ giúp chị cho mau. Hai vợ chồng đang lúi cúi làm thì mẹ chồng đã đứng ngoài cửa nói vọng vào: “Cái thằng ngu này, đó là việc của đàn bà nghe chưa? Còn chị nữa, sao chuyện gì chị cũng để chồng giúp thế hả? Tôi có bao giờ bắt nó làm mấy việc đó đâu cơ chứ!”.
Chị tái mét mặt mũi khi nghe bà nói, còn anh lại nhăn nhó không hiểu sao từ ngày anh có vợ thì mẹ lại trở nên khó chịu đến thế. Chị nhanh chóng lấy hết áo quần từ chỗ chồng rồi bảo anh đi tắm để chuẩn bị ăn cơm. Ngồi một mình với đống áo quần ngổn ngang trên giường, mắt chị tự nhiên lại cay cay. Chị không nghĩ cuộc đời làm dâu lại lắm điều tréo ngoe đến thế. Mẹ chồng tại sao cứ ghét bỏ, ghen ghét trong khi chị đã cố tỏ ra yêu quý bà như mẹ đẻ.
Ngày sinh nhật chị, anh chuẩn bị bánh kem rồi một bó hoa hồng to tướng tặng vợ. Chị vui vẻ nhận lấy rồi ríu rít cám ơn chồng. Thấy cảnh đó, mẹ chồng chị lại bĩu môi nói móc: “Sao cứ lãng phí ba cái khoản vô bổ thế hả trời? Tôi đây cả đời có biết đến sinh nhật hay quà cáp gì đâu chứ”. Buổi tiệc ba người trở nên buồn bã, chị cố nín nhịn cho qua để không muốn rơi nước mắt làm chồng buồn.
Đến khi biết chị mang thai, anh mừng hớn hở luôn nhắc nhở vợ hạn chế làm việc và tăng cường tẩm bổ cho mẹ con được khỏe mạnh.
Mỗi lần thấy vợ cặm cụi lau nhà, sợ vợ trơn trượt anh lại nhanh nhẹn giành lấy chổi lau để làm thay. Thấy con trai lại giúp con dâu, đứng trên tầng hai mẹ anh liền nói vọng xuống: “Ngày xưa tôi bầu bí mà vẫn tay xách nách mang, bưng bê thúng mủng nặng nề có sao. Đến giờ, già cả xương khớp đau ê ẩm mà anh có thèm hỏi han tôi lấy một câu đâu. Mới có tí việc cỏn con của vợ đã xí xa xí xớn đòi giúp”. Bà vừa nói vừa đưa tay ra sau lưng xoa xoa kêu đau. Chị cúi gằm mặt hiểu rằng mẹ chồng cứ mỗi lần thấy chồng giúp đỡ gì cho mình thì i như rằng bà đều không ngồi yên mà luôn tìm cách răn đe và cấm cản.
Chị thực sự thấy buồn vô cùng khi mẹ chồng lại ích kỷ với chị như thế. Đã bao lần chị muốn tâm sự rồi gần gũi bà nhưng bà lại luôn muốn tránh xa và ghét bỏ chị. Tại sao cả đời bà luôn thương yêu con trai thì lại không thương yêu con dâu như vậy. Bản thân chị đã gây ra lỗi gì để bà phải đối xử nặng nề chứ? Biết bà không ưa nên chị thường nhắc anh hạn chế việc giúp chị khi có mặt mẹ chồng. Bên là mẹ đẻ bên là vợ con, chị biết anh khó xử và mỏi mệt nhưng chị càng khổ tâm hơn.
Sao bà lại không thể mở lòng để đón nhận tình cảm của chị mà cứ để không khí gia đình trở nên nặng nề như vậy? Chị chỉ ước một lần mẹ chồng chị thấu hiểu cho nỗi lòng của chị.
Theo Trí thức trẻ