Thực phẩm nhà làm thì để ở nhà ăn, mang ra bán phải chịu trách nhiệm
Phunuduongthoi.vn – Cận tết, nhu cầu về thực phẩm tăng cao. Đi đôi với các sản phẩm sản xuất công nghiệp có thương hiệu và quy mô lớn, người tiêu dùng cũng lựa chọn các sản phẩm thủ công “nhà làm” vì mang tâm lý chung – các sản phẩm này sạch và an toàn.
Tin người bán hay tin… cái nhãn dán?
Những ngày cận tết, nhiều sản phẩm thực phẩm, bánh mứt… quảng cáo được làm thủ công bày bán nhan nhản tại các chợ truyền thống. Đặc điểm của các sản phẩm này là không nhãn mác, xuất xứ hàng hoá, không hạn sử dụng và chủ yếu bán được hàng vì… lòng tin của người mua.
Tại các quầy hàng bán nguyên liệu làm dưa món tại chợ Thủ Đức, các sản phẩm như: củ kiệu, đu đủ, cà rốt, củ cải muối… được người bán xắt lát, phơi khô sẵn. Người mua được tư vấn, chỉ cần về chế biến theo khẩu vị của gia đình là có thể dùng được. Với mức giá từ 200.000 đồng/kg, theo chủ hàng, cách sản xuất hoàn toàn thủ công đúng chuẩn hàng “nhà làm” nên ngon và an toàn, chỉ phục vụ số lượng hạn chế vào dịp trước tết.
Tại chợ Xóm Chiếu (quận 4), những món được tiêu dùng nhiều trong ngày tết như: nem nướng, giò chả, bánh chưng… cũng được bày bán la liệt tại các sạp. Xem qua sản phẩm nem nướng H.K (cơ sở tại huyện Hóc Môn) được ép chân không có vẻ khá chuyên nghiệp, nhưng phần quan trọng nhất là nhãn mác lại sơ sài hết mức. Nhãn ghi hạn sử dụng 2 ngày, nhưng không biết sản xuất ngày nào.
Theo giải thích của chủ sạp, đây là sản phẩm làm thủ công, tất cả đều mới làm và bán trong ngày nên không cần ghi ngày sản xuất. “Bây giờ sản phẩm tự làm mới sạch sẽ, an toàn chứ hàng công nghiệp, sản xuất hàng loạt chưa chắc đảm bảo. Tự làm thì muốn nhãn gì cũng được. Mình mua hàng thì tin chất lượng, tin người bán chứ sao lại tin cái nhãn” – chủ sạp lý giải.
Khảo sát tại một số chợ lớn như Bình Tây, Bến Thành, Bà Chiểu… rất nhiều loại bánh, kẹo, mứt… tết bán dạng cân ký dưới hình thức “3 không”: không nhãn mác, không nơi sản xuất, không hạn sử dụng.
Không chỉ riêng chợ dân sinh, chợ truyền thống và cả “chợ mạng” như Zalo, Facebook cũng nhộn nhịp không kém. Các mặt hàng rao bán từ những món ăn vặt như: bò khô, mứt dừa, mứt mận đến cả bánh chưng, giò chả… sản phẩm nào cũng được quảng cáo là hàng thủ công nhà làm với hình thức bắt mắt, giao hàng tận nơi, áp dụng khuyến mãi ào ạt…
Chị Kiều, quê Long An, hiện làm nhân viên văn phòng tại TPHCM cho hay, từ năm 2017, nhận thấy nhu cầu thị trường chuộng quà quê “nhà làm”, chị quyết định khởi nghiệp bằng vài chục ký lạp xưởng. Nguồn hàng chủ yếu là lạp xưởng do hàng xóm của chị làm lâu năm, chỉ bán tại địa phương, thấy ngon và an tâm về nguồn gốc nên chị lấy sỉ và bán lại.
Qua kênh Facebook, Zalo với lượng bạn bè, người quen khá đông nên chị rao bán, không bao lâu, 50kg lạp xưởng đã được đặt hết. Thế là hàng năm, cứ cận tết là chị tiếp tục rao bán lạp xưởng rồi thêm cả mứt, đơn hàng cũng đều đặn.
“Dịp tết là thời điểm bán chạy hàng nhất trong năm. Ngoài lạp xưởng, mình còn bán thêm mắm tép miền Tây do mẹ mình làm. Mắm tép thì được chế biến sẵn, người mua bỏ thêm đu đủ bào trộn lên, giá chỉ 180.000 đồng/1kg. Còn tương ớt thì 60.000 đồng/hũ, mình bán dùm người quen ở Hội An” – chị Kiều chia sẻ.
Theo chị Kiều, xu hướng bán hàng qua mạng cho phép kinh doanh không tốn chi phí. Người mua không quan tâm nhiều đến giá cả, ngày sản xuất/hạn sử dụng mà chủ yếu là hương vị. Chỉ cần một người bán chạy hàng thì cũng có một số người khác đòi “ký gửi” bán dùm.
Thực phẩm “nhà làm” mang đi bán phải thực hiện nhiều cam kết
Theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa về an toàn thực phẩm nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh. Thực tế, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố thông tin rất phổ biến.
Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM – cho biết, với nhu cầu thị trường, mặt hàng handmade, hàng nhà làm rất độc đáo và đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Nhưng vẫn phải đáp ứng được tiêu chí: tự công bố về hàm lượng, cam kết không có chất cấm, có hạn dùng của sản phẩm, người làm đáp ứng tiêu chí sức khỏe… để người tiêu dùng và cơ quan nhà nước kiểm soát được.
Trường hợp cụ thể, một nhóm kinh doanh bánh trung thu với số lượng lớn. Tuy nhiêu khi báo chí phản ánh, lực lượng chức năng đã kiểm tra và họ không hề có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không công bố sản phẩm…
“Tức là nếu làm bánh cho nhà ăn thì không sao, nhưng nếu làm bánh để bán thì phải đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và an toàn thực phẩm cho người dân. Tất cả đều được kiểm soát thông qua giấy phép, nếu đăng ký kinh doanh online thì có thể thông qua website của Bộ Công thương, vô cùng đơn giản. Người bán có thể công khai giấy phép kinh doanh thông qua trang kinh doanh trên mạng để người tiêu dùng yên tâm hơn với nguồn gốc sản phẩm bán ra” – bà Lan cho biết.
Nếu không có giấy phép và công bố, trong trường hợp cơ quan quản lý kiểm trả, phát hiện sẽ bị xử lý và tiêu hủy. Theo bà Lan, dựa trên khảo sát thị trường, vấn đề lớn nhất thường gặp khi người dân mua hàng nhà làm đó là mua xong nếu có vấn đề thì không biết nói ai và đành “ngậm đắng nuốt cay”. Vì buông lỏng kiểm soát nên người bán vô trách nhiệm với hàng hóa mình bán ra.
“Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là hậu kiểm và thanh tra, cho nên những trường hợp đó cơ quan thanh tra sẽ có trách nhiệm kiểm soát. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng phải biết bảo vệ mình. Thử đưa ra ví dụ, một người ở nhà và đặt hàng giao tới. Xuất xứ hàng hóa ở đâu không biết thì có rủi ro đến sức khỏe, một mình người đó chịu. Tới khi người bán bị xử lý thì người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng rồi” – bà Lan dẫn chứng.
Theo Phụ Nữ Online