Những điều lưu ý dành cho các bạn nữ khi sửa xe
Để “móc túi” của chị em, nhiều tiệm sửa xe còn tự tay phá hỏng các bộ phận trong xe nhằm ép khách hàng tin rằng xe mình bị hỏng và phải thay phụ tùng mới. Kèm theo đó là cái giá được chủ tiệm vẽ ra ở mức “trên trời”.
Móc túi không thương tiếc
Chỉ đơn giản là thay nhớt nhưng chị Hà, một nhân viên văn phòng ở TP.HCM bị tiệm rửa xe trên đường Nguyễn Xí, Quận Bình Thạnh “chém đẹp” đến 300.000 đồng. Những tưởng đã trả đúng số tiền vì trước giờ chị toàn nhờ chồng đi thay nhớt hộ, đến khi về nhà mới tá hỏa vì chồng thông báo bình nhớt chưa tới 100.000 đồng.
Nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên cũng dính cảnh phải thay luôn bộ lốp còn mới của xe mình vì bị thợ sửa xe tự làm hỏng, hoặc tùy vào mức độ “ngây thơ” của họ mà vẽ ra nào là “lủng lỗ lớn không vá được”, nào là “lốp em thuộc loại lốp xịn, giá vá xe phải gấp 3 lần người ta”… Oái ăm hơn, có kẻ còn thay cả lốp cũ vào cho những bóng hồng ngây thơ này.
Với những hư hỏng mà chị em không hề có kiến thức như đèn, còi, xích, bố thắng, các vấn đề về động cơ…thì lại càng dễ cho thợ sửa xe vẽ ra những bệnh “trời ơi đất hỡi” để có cớ “chém đẹp”. Do chị em không biết gì về kĩ thuật mà lại đang cần xe để đi gấp nên rất nhiều người cũng đành bỏ tiền ra để có xe còn đi lo công việc.
Chị Minh Thư chia sẻ:
“Do tính chất dơ bẩn của dầu máy, phụ tùng nên cánh chị em rất ngại đứng gần xem xét kĩ xem các ông thợ làm gì với xe của mình vì sợ dơ áo”. Chính vì thế dù biết bị “chém đẹp” nhưng chị em cũng chẵng thể làm gì hơn.
Nên tham khảo giá một số loại phụ tùng của xe máy
Cách tốt nhất khi xe bị hư hỏng là chị em nên nhờ đàn ông đem đi xử lý giúp, hoặc đem xe đến những tiệm sửa xe quen biết từ trước Tuy nhiên, cũng có nhiều lúc không thể tránh được hoàn cảnh phải đi sửa xe một mình. Những lúc như thế này, phụ nữ cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về giá cả sửa chữa những bộ phận của xe máy.
Dưới đây là những vấn đề cơ bản nhất, thường gặp nhất đối với xe máy :
Bể bánh (Nổ lốp) : Đây là vấn đề thường gặp nhất đối với xe máy, thông thường vá xe 1 lỗ thường tính 10.000 đồng, hoặc nếu vào cửa tiệm lớn thì cùng lắm là 15.000 đồng, nếu thay mới thì loại khá có giá khoảng 80.000 đồng, loại tốt thì tùy vào chất lượng và nhãn hiệu mà dao động trong khoảng từ 120 đến 140 ngàn đồng. Nhưng tốt nhất là các chị em nếu có điều kiện thì nên thay vỏ Tubless (vỏ không ruột) để đi được yên tâm hơn, không sợ phải dắt xe giữa đường, giá loại lốp này dao động từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng 1 cặp.
Xe không nổ (chết máy): thường nguyên nhân dẫn đến việc xe không nổ máy, nếu hệ thống đề hoạt động tốt, ngoài hết xăng thì chỉ còn liên quan đến Bugi, nên việc kiểm tra bugi là việc đầu tiên. Hãy nói các thợ sửa xe kiểm tra bộ phận này trước, nếu thấy bugi có màu vàng thì vẫn còn tốt, có thể kiểm tra tiếp bộ phận khác, nếu có màu đen hoặc có mùi khét thì phải thay. Nếu đến tiệm thay bugi, bạn sẽ mất khoảng 20.000 – 25.000 đồng do có tính công thợ, tự mua bugi về nhà thay thì khoảng 15.000 đồng. Còn chùi bugi thì chỉ tốn khoảng 10.000 đồng.
Xe không có tín hiệu đèn, đề : Nếu bạn bấm nút đề xe máy mà không nghe bất kì một âm thanh nào, thì đích thị chính là xe đã hết bình hoặc bình bị hư. Giá cho một lần sạc đầy chỉ khoảng 20-30 ngàn đồng, còn nếu bình hư thì giá thay bình có chất lượng tốt nhất (bình khô) khoảng 250 ngàn đồng
Phanh không ăn : thường bất cứ xe nào sử dụng một thời gian cũng đều hao mòn bố thắng dẫn đến khi phanh không còn ăn nữa. Do đó việc thay bố thắng là cần thiết. Các bạn nữ nên đem xe đến đại lý chính hãng để thay bố thắng loại tốt, đối với thắng dĩa, bố thắng có giá khoảng 150.000, đối với phanh tang trống thì bố thắng chỉ có giá 50.000 đồng. (Tham khảo giá tại cái đại lý bảo hành của Honda).
Đèn không cháy : Cũng như hệ thống phanh, hệ thống đèn xe máy cũng sẽ có dấu hiệu trục trặc khi sử dụng lâu như đứt mất một bóng pha hoặc cốt hay cả hai, ánh sáng mờ không thấy rõ. Lúc này chỉ cần thay bóng đèn khác là xe lại như mới. Giá thay đèn dao động từ 200-300 ngàn đồng.
Xe hao xăng hoặc hoạt động không bình thường : Khi thấy xe bổng dưng hao xăng bất thường hoặc có dấu hiệu ga không đều, mỗi khi tăng ga thường bị giật thì hãy nghĩ đến bình xăng con. Nếu bình xăng con bị nghẹt xăng, bạn sẽ tốn khoảng 30.000 đồng để sửa, còn nếu thay mới thì bạn sẽ tiêu tốn từ 200 đến 300 ngàn đồng.
Hi vọng những thông tin trên đây phần nào giúp các chị em tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, tự tin đem xe máy đi sửa một mình mà không còn sợ bị “chém đẹp”.
Theo 2banh.vn