Kinh nghiệm lần đầu dùng cốc nguyệt san: Liệu có nhẹ nhõm như mong đợi?

Phunuduongthoi.vn – Sau khi đọc rất nhiều review trên mạng và lời động viên của chị em xung quanh, cô nàng văn phòng 29 tuổi đã mạnh dạn đầu tư một chiếc cốc nguyệt san về dùng thử.

Cốc nguyệt san là gì?

Nếu như băng vệ sinh (BVS) là một phát minh tuyệt vời đối với chị em phụ nữ khắp thế giới khi đến ngày “đèn đỏ”, thì cốc nguyệt san là một cuộc “cách mạng” mới đem lại vô số tiện ích khiến phái đẹp được giải phóng hoàn toàn khỏi cơn bí bách, khắc phục mọi nhược điểm của BVS. Tuy không có “bề dày lịch sử” cải tiến liên tục suốt cả nghìn năm như BVS, cốc nguyệt san mới ra đời cách đây khoảng gần 1 thế kỷ nhưng đã có vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của phụ nữ khắp thế giới.

Có thể nhiều người biết tên cốc nguyệt san, nhưng chưa biết chính xác công dụng của loại cốc thú vị này. Nó là một dụng cụ vệ sinh được đưa vào âm đạo trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, với mục đích chính là chứa chất lỏng kinh nguyệt (máu từ niêm mạc tử cung) và ngăn chặn chất lỏng rò rỉ ra quần áo. Cốc nguyệt san thường được làm bằng silicon y tế, mủ cao su hoặc đồng phân nhiệt dẻo.

Có nhiều loại cốc nguyệt san khác nhau tùy vào hãng sản xuất, nhưng hình dạng chung của nó là dạng phễu, với một chiếc cuống nhỏ dùng để chỉnh vị trí của cốc trong âm đạo và hỗ trợ lúc tháo ra. Sau khi đưa vào trong, cốc sẽ được giữ tại thành âm đạo ngay dưới cổ tử cung. Cứ sau 4 giờ 12 giờ (tùy thuộc vào lượng máu kinh), cốc sẽ được lấy ra, đổ bỏ chất lỏng, tráng sạch và lại đưa vào. Sau mỗi chu kỳ, cốc nguyệt san phải được khử trùng bằng nước sôi.

Cốc nguyệt san có khá nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại băng vệ sinh hiện hành:

  • Đảm bảo vệ sinh, tránh viêm nhiễm do dùng các loại băng vệ sinh kém chất lượng.
  • Thoải mái hoạt động thể thao mà không lo bị trào ra ngoài.
  • Sử dụng liên tục được tới 24 giờ không mất thời gian thay thế.
  • Độ bền cốc rất cao, có thể dùng tới 5 – 10 năm tùy vào từng loại, thương hiệu.
  • Giữ vệ sinh môi trường, không thải ra nhiều rác như BVS đã qua sử dụng.
Cách chọn cốc thế nào?

Bản thân mình khi mới nghĩ đến việc mua cốc nguyệt san cũng có khá nhiều thắc mắc. Câu hỏi lớn nhất chính là chọn size cốc như thế nào để phù hợp với mình? Làm sao biết được “cái ấy” của mình kích cỡ ra sao để lấy được chiếc cốc chuẩn? Nhỡ mua cốc về rồi “nó” to quá hoặc bé quá thì phải làm sao???

Sau khi nghe câu hỏi của mình thì chị bán cốc đã bật cười. Hóa ra lâu nay mình hiểu sai hoàn toàn về size cốc các mẹ ạ! Cốc nguyệt san thực chất chỉ có 3 size phổ biến là S, M, L. Nghe giống size quần áo phải không? Nhưng cụ thể thì rất đơn giản.

  • Size S: phù hợp với những chị em chưa quan hệ/chưa sinh em bé/lượng kinh ít hoặc đã sinh mổ.
  • Size M: dành cho chị em dưới 30 chưa sinh nở, lượng máu kinh bình thường.
  • Size L: phù hợp chị em đã sinh thường hoặc có “cô bé” hơi rộng, lượng máu kinh nhiều.

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại cốc của nhiều thương hiệu khác nhau, trong đó được ưa chuộng nhất là cốc Sibell, LadyCup, Evacup, Lunette, Me Luna… với xuất xứ từ Pháp, Đức, Mỹ… Giá cả phong phú dao động từ 250.000 – 899.000 đồng. Cốc có nhiều màu khác nhau, dễ dàng mua trên các trang thương mại điện tử hoặc shop online, hàng xách tay.

Và đây là sự thật sau lần đầu “làm chuyện đấy”…

Mình đã nghiên cứu khá kỹ thông tin trên mạng và các review của chị em khác trên Facebook, rồi quyết định mua cốc Facelle size M của Đức, với giá sale là 320k, khá tiết kiệm so với những dòng cốc đắt đỏ gần 1 triệu đồng. Cốc có vỏ bao bì màu hồng khá xinh, toàn tiếng Đức, nhưng mình đã tìm hiểu cách sử dụng trên mạng thấy cốc nào cũng dùng như nhau. Hộp có kèm theo 1 túi vải nhỏ để đựng cốc sạch sau khi dùng.

Mở ra thì chiếc cốc bên trong cũng có màu hồng, chất cao su mềm mại, bên ngoài có vạch chia hẳn dung tích 10ml và 20ml. Phần núm hình giọt nước, có hoa thị in nổi để cầm nắm dễ dàng hơn.

Sau khi tráng cốc bằng nước sôi như hướng dẫn sử dụng thì mình gập miệng cốc lại như hình. Đây là cách gập của mình, chị em có thể gập theo cách khác miễn là miệng cốc nhỏ lại giúp nhét vào âm đạo dễ dàng hơn.

Cảm giác đầu tiên khi mình đưa cốc vào bên trong… khá khó và hơi đau. Có thể vì phần viền cốc hơi dày và cứng, nên dù gập vào thì nhét vẫn hơi khó. Dù được tư vấn size M nhưng có vẻ loại này vẫn hơi to một chút, cho vào trong cũng không dễ như review trên mạng tí nào! 

Hơn nữa, việc chọn tư thế để nhét cốc vào cũng là vấn đề không nhỏ, trên mạng gợi ý là ngồi trên bồn cầu để nhét, nhưng thực tế siêu khó để làm với tư thế ấy. Còn nếu nằm ra thì cũng không biết phải “nằm” ở đâu, WC hoặc nhà tắm dĩ nhiên là không ai nằm trên sàn để nhét cốc vào, ở trên giường lại càng không vì chắc chắn sẽ dây chất lỏng ra giường. Túm lại, mình đành chọn cách đứng.

Sau vài phút để cốc vào trong thì mình thực sự cảm thấy không thoải mái cho lắm. Cốc có vẻ hơi chặt, không gây cảm giác đau nhưng phần tai cốc cũng “thò ra” khá khó tả, có thể cảm nhận được… Hướng dẫn trên mạng nói rằng tai cốc nên ở hẳn bên trong, nhưng loại cốc mà mình dùng có tai khá ngắn, nếu cho vào sâu hẳn thì đến lúc rút ra sẽ khó.

Mình dùng thử cốc vào ngày đầu tiên của chu kì nên lượng chất lỏng ra cũng khá nhiều, tuy nhiên khi tháo cốc ra vẫn chưa đến 10ml. Rửa cốc bằng nước dễ dàng và nhanh chóng, mình có dùng thêm cả dung dịch vệ sinh phụ nữ để khử mùi cho sạch sẽ thơm mát, yên tâm hơn khi tiếp tục dùng cốc lần 2.

Đến ngày thứ 3 cuối chu kì thì mình không dùng cốc nữa, chuyển sang BVS hàng ngày. Đúng là dùng cốc nguyệt san thấy thông thoáng hơn, không bị cảm giác cọ xát, nóng bí và phải thay nhiều như BVS truyền thống, nhưng không rõ do mình đưa cốc vào vị trí chưa chuẩn xác hay lý do nào đó mà kinh nguyệt vẫn rò rỉ ra ngoài một chút, nên mình phải dùng kèm cả BVS hàng ngày.

Kết luận

Trên đây là trải nghiệm cá nhân của mình trong lần đầu tiên dùng cốc nguyệt san. Có thể loại mình chọn chưa phù hợp cho lắm, hoặc mình hơi vụng về nên đặt cốc chưa đúng vị trí bên trong cho lắm nên vẫn hơi lợn cợn khi dùng. Ngoài ra, nhược điểm vẫn phải dùng kèm BVS nhỏ khiến mình cảm thấy nó không an toàn tuyệt đối như quảng cáo. 

Tuy nhiên với số tiền bỏ ra chỉ bằng 1 nửa so với những loại cốc xịn khác mà nhiều chị em từng review thì mình cũng không mong đợi gì hơn. Mình sẽ thử tiếp tục dùng trong chu kỳ tới để cải thiện kinh nghiệm dùng cốc xem sao. Nếu bỏ đi luôn thì cũng tiếc!

Tổng kết lại thì chị em nên chú ý đến chất liệu và kích thước của cốc nguyệt san để có lựa chọn an toàn phù hợp với bản thân. Và đặc biệt nhớ tiệt trùng cốc kỹ càng, sạch sẽ bằng nước sôi trước khi cất đi nhé!

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem thêm:

Nên đọc