Vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại các biến thể mới của SARS-CoV-2?
Phunuduongthoi.vn – Vắc xin AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 62%-90%, nhưng trước sự xuất hiện liên tiếp của các biến thể mới, câu hỏi được quan tâm hiện nay là vắc xin này có hiêụ quả chống lại những chủng mới hay không?
Cơ sở của nghiên cứu
Cho đến nay, nhiều quốc gia đã triển khai các đợt tiêm chủng, với đối tượng được ưu tiên hàng đầu là các nhân viên y tế. Mặc dù với các nền tảng vắc xin khác nhau, nhưng có một điểm chung trong cách thức hoạt động của các loại vắc xin là ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus, còn có thể tạo ra tế bào lympho T, lympho B ghi nhớ để chống lại virus xâm nhập.
Nhiều loại vắc xin đã nhận được sự cho phép sử dụng khẩn cấp từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan quản lý khác. Việc triển khai các chiến dịch vắc xin mang lại hy vọng rằng tiêm chủng có thể chấm dứt đại dịch.
Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2020, Anh báo cáo sự xuất hiện của một biến thể mới, được gọi là biến thể B.1.1.7, có thể làm tăng khả năng lây nhiễm, làm dấy lên mối quan ngại lớn.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược – AstraZeneca (Vương quốc Anh). Vắc xin AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 62%-90%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng. Vắc xin AstraZeneca sử dụng vector là virus adeno mất khả năng sao chép của tinh tinh, dựa trên phiên bản suy yếu của virus adeno (virus cúm gây bệnh ở tinh tinh), có chứa vật chất di truyền là protein gai bề mặt của virus gây bệnh COVID-19 được gọi tên là Spike hoặc S. Protein.
Spike chính là thành phần tiên phong mở đường tiến công cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể con người. Đây cũng là mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập.
Sau khi tiêm, vắc xin sẽ mang mã di truyền của virus corona quy định protein S vào tế bào của cơ thể bạn. Cơ thể bạn bắt đầu tự tạo ra protein S. Các tế bào miễn dịch trong máu của bạn nhận diện protein S là “kẻ xâm nhập”, và điều này kích hoạt hệ miễn dịch. Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà nghiên cứu muốn xác định xem liệu vắc xin Oxford-AstraZeneca có thể bảo vệ chống lại chủng SARS-CoV-2 mới hay không?
Và kết qủa đạt được
Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà nghiên cứu thuộc Tổ hợp gen COVID-19 Vương quốc Anh, Dự án AMPHEUS và Nhóm thử nghiệm vắc xin Oxford COVID-19 đã tìm hiểu xem liệu vắc xin này có hoạt động tốt trong việc chống lại biến thể B.1.1.7, còn được gọi là biến thể của Vương quốc Anh hay không? Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Y khoa hàng đầu The Lancet.
Các nhà nghiên cứu đã tuyển các tình nguyện viên trên 18 tuổi. Những người tham gia đã được ghi danh vào các nghiên cứu hiệu quả của vắc xin giai đoạn 2/3 ở Anh và được chỉ định ngẫu nhiên. Nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu gạc đường thở để phát hiện các triệu chứng của COVID-19 bao gồm sốt, ho, khó thở và mất khứu giác hoặc vị giác. Các mẫu gạc đã được kiểm tra bằng cách sử dụng xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT) cho SARS-CoV-2 và các mẫu dương tính được giải trình tự.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng hiệu quả lâm sàng chống lại nhiễm trùng NAAT có triệu chứng là 70,4% đối với dòng B.1.1.7 và 81,5% đối với dòng không phải B.1.1.7.
Còn với biến thể Nam Phi, trong một thông cáo báo chí mới đây, bà Sarah Walters, giám đốc chi nhánh AstraZeneca tại Áo cho biết, đến nay các nghiên cứu cho thấy vắc xin hiện có của AstraZeneca ít hiệu quả hơn trong phòng ngừa biến thể Nam Phi. Nhưng trước cuối năm nay, AstraZeneca sẽ có phiên bản điều chỉnh của vắc xin ngừa COVID-19 chống lại được biến thể virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Nam Phi.
Theo bà Walters, hiện tại AstraZeneca và Đại học Oxford đã bắt đầu quá trình thay đổi vắc xin nhằm vào biến thể virus ở Nam Phi, và nếu cần thiết, hai bên có thể có được vắc xin trước cuối năm nay.
Với phác đồ tiêm 2 liều tiêm tiêu chuẩn, được chứng minh an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19, vắc xin AstraZeneca (Vương quốc Anh) đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam
Theo Sức khỏe đời sống
Xem thêm: