8 sai lầm biến tủ lạnh thành nơi “ngốn” tiền nhất trong căn bếp
Phunuduongthoi.vn – Những sai lầm khi sử dụng tủ lạnh sẽ khiến cho hóa đơn tiền điện của bạn tăng vọt và lượng thực phẩm bị lãng phí nhiều thêm.
Dưới đây là những thói quen xấu phổ biến khi sử dụng tủ lạnh, thậm chí quá hiển nhiên nhưng nhiều người vẫn làm. Đó là lý do khiến cho tủ lạnh của bạn trở thành thứ ngốn tiền nhất trong căn bếp!
Nhồi nhét tủ lạnh quá đầy
Tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đồ ăn chật kín không gian chẳng còn các khoảng trống thông hơi khiến cho chúng không được làm lạnh hiệu quả.
Điều đó gây tốn điện và thậm chí còn làm hỏng thực phẩm bên trong. Khi thức ăn phải bỏ đi, nghĩa là bạn đã lãng phí cả đống tiền.
Để tủ lạnh quá trống
Ngược lại với chất tủ lạnh quá đầy là để cho tủ lạnh quá trống, cả hai sai lầm này đều khiến bạn tốn tiền. Đồ vật trong tủ lạnh đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho môi trường luôn duy trì ở nhiệt độ thấp khi bạn mở cửa.
Khi có quá ít đồ ăn thức uống bên trong, nghĩa là thiết bị phải làm việc thêm để duy trì được nhiệt độ thích hợp. Tủ lạnh và cả tủ đông, dung lượng làm đầy lý tưởng nhất là 75%.
Cài đặt nhiệt độ không chính xác
Tủ lạnh quá ấm thì thực phẩm sẽ nhanh bị thối rữa. Nhưng nếu nhiệt độ quá lạnh, các sản phẩm bên trong sẽ bị đóng băng. Để tránh cho thực phẩm bị hư hỏng hoặc đóng băng, hãy luôn đặt nhiệt độ tủ lạnh ở mức 35 đến 38 độ F. Nếu tủ lạnh không có con số nhiệt độ cụ thể hiển thị, bạn nên đầu tư một chiếc nhiệt kế tủ lạnh không hề đắt tiền.
Cài đặt độ ẩm không chính xác
Bạn có biết rằng việc cài đặt độ ẩm lý tưởng rất cần thiết cho ngăn kéo tủ lạnh và nơi trữ đồ nguội không? Sử dụng đúng chức năng này, các sản phẩm bên trong sẽ bảo quản được lâu hơn. Đặc biệt là các loại rau xanh và rau thơm có nhiều nguy cơ bị thối hỏng nếu độ ẩm trong ngăn kéo quá cao. Từ đó mà bạn sẽ lãng phí khá nhiều tiền đấy!
Đặt những món đồ cũ ở phía sau
Một nguyên lý rất đơn giản, bạn có nhiều khả năng ăn những gì mình nhìn thấy hơn. Nếu cất đồ ăn cũ hơn ở phía sau như thức ăn thừa hoặc sản phẩm còn hạn sử dụng ngắn, bạn sẽ không nhìn thấy chúng để sử dụng.
Hãy tiết kiệm thực phẩm của bạn bằng cách thực hiện đúng quy tắc “nhập trước, xuất trước”.
Cất giữ đồ dễ hỏng trên cánh cửa
Đặt những thực phẩm dễ hỏng ví dụ như sữa trên cánh cửa, nó sẽ hỏng nhanh hơn. Vì đó là khu vực ấm nhất trong tủ lạnh, khi mở cánh cửa thì nhiệt độ còn tăng cao hơn nữa.
Để giữ thức ăn, đồ uống của bạn được lâu nhất có thể, hãy luôn nhớ khu vực cánh cửa tủ lạnh là dành cho gia vị và các sản phẩm không dễ bị hỏng.
Mở tủ lạnh quá nhiều
Rõ ràng đứng trước tủ lạnh với cánh cửa mở trong thời gian dài hoặc tần suất mở quá nhiều là một việc làm không khôn ngoan. Nhiệt độ trong tủ lạnh sẽ tăng nhanh và thiết bị phải làm việc nhiều hơn để duy trì mức độ lạnh. Bạn sẽ chỉ tốn thêm tiền điện nếu còn duy trì thói quen đó.
Thái cắt sẵn quá nhiều thực phẩm
Việc sơ chế, thái cắt sẵn trước thực phẩm giúp tiết kiệm thời gian những lúc bận rộn. Khi cần nấu nướng, bạn chỉ việc đem nguyên liệu ra chế biến, không mất thời gian chuẩn bị nữa.
Tuy nhiên, thịt, trái cây và rau củ cắt nhỏ sẽ nhanh hỏng hơn so với thực phẩm nguyên dạng. Đừng thái cắt sẵn quá nhiều thực phẩm, chỉ nên chuẩn bị trước cho vài ngày hoặc tối đa là một tuần mà thôi.
Theo Nhịp Sống Việt
Xem thêm: