Những người “nhẹ dạ” trên môi trường mạng xã hội: Cần tỉnh táo, tránh mắc bẫy lừa đảo!
Phunuduongthoi.vn – Có rất nhiều lý do tại sao rất nhiều người bị sập bẫy lừa đảo mỗi ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do kẻ lừa đảo nắm được tâm lý, hoàn cảnh của người có nhu cầu tìm việc. Mặt khác, nạn nhân không có kỹ năng xác minh thông tin và do nóng lòng muốn kiếm thêm thu nhập mà nhiều người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Hiện nay có quá nhiều chiêu lừa đảo tinh vi mà khó để mọi người nhận ra, những đối tượng nhắm đến là người dễ bị lừa, nhất là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện không có việc hoặc muốn kiếm thêm thu nhập thông qua hình thức bán hàng online.
Các đối tượng cộng tác viên sẽ sử dụng chiêu trò là mạo danh các nhân viên của một số công ty trên sàn thương mại điện tử như là Shopee, Lazada, Tiki,… Họ sẽ đăng quảng cáo trên mạng xã hội để tìm đối tác bán hàng trực tuyến. Sau đó đối tượng yêu cầu cộng tác viên thanh toán trước đơn hàng, rồi mới lấy tiền gốc và chiết khấu.
“Mồi” chúng cung cấp rất hấp dẫn, mỗi lần đặt hàng, bạn được hưởng chênh lệch giá từ 10% đến 20%… Nhiều người không biết thủ đoạn của các đối tượng công tác viên này nên đăng ký. Dĩ nhiên, họ sẽ không được hoàn lại tiền sau khi đã chuyển tiền hàng hóa. Sau đó, đối tượng sẽ chiếm đoạt luôn số tiền này.
Thực tế, chưa có thống kê cụ thể về các nhóm đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội: facebook, instagram, zalo…. Bên cạnh đó, số vụ việc nạn nhân tố cáo với cơ quan công an và cơ quan chức năng rất ít bởi số tiền bị chiếm đoạt không quá lớn hoặc có những người “vì ngại”, xấu hổ nên không dám trình báo cơ quan chức năng. Lợi dụng thực tế này, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục lừa đảo những người “nhẹ dạ” trên môi trường mạng internet.
Chị Nguyễn Thanh Nga (Phú Thượng, Hà Nội) cho hay. Mới đây, chị lên mạng xã hội tìm việc làm online. Chị được một đối tượng tạo tài khoản để làm nhiệm vụ chốt đơn hàng trên một trang thương mại điện tử. Sau khi thực hiện hai đơn hàng với giá trị hơn 2 triệu đồng, chị Nga nhận được thù lao khoảng 1 triệu đồng và được add vào nhóm thực hiện các nhiệm vụ cao hơn.
Sau khi được đối tượng hướng dẫn thực hiện các đơn hàng giá trị từ 5 đến 50 triệu đồng mua túi xách, máy giặt, tủ lạnh… Chị Nga mua hàng, chốt đơn, nhưng thực tế chỉ là đơn ảo, chị không hề nhận được một món hàng hiện hữu nào. Tuy nhiên, chị Nga vẫn tin theo lời dụ của chúng là chốt đơn đạt đến doanh số để hưởng hoa hồng nên chị cứ thực hiện theo “mệnh lệnh” một cách mù quáng. Và đến lúc chuyển tổng cộng 75 triệu đồng nhưng không nhận được tiền gốc và lãi như bọn chúng hứa, chị Nga mới chợt bừng tỉnh và biết mình đã bị lừa. Ngậm đắng nuốt cay, chị không dám tố cáo hay kể gia đình vì sợ chồng biết, sẽ chửi mắng và không được chồng đưa tiền cho quản lý như trước, ảnh hưởng đến hòa khí trong gia đình… Nhiều lúc tiếc tiền, uất ức chị Nga chỉ biết chia sẻ với đồng nghiệp và cũng để mọi người rút kinh nghiệm không hám lợi mù quáng như chị, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Còn chị Nguyễn Thị T ở thành phố Nam Định chia sẻ: “Cuối năm 2022, tôi có lên facebook tìm việc làm thì được một người có nickname là Trần Vy kết bạn, nhắn tin hướng dẫn công việc làm thêm tại nhà. Trần Vy gửi cho tôi một đường link truy cập và hướng dẫn cài đặt app (ứng dụng). Theo đó, việc của tôi là thanh toán số tiền trên hóa đơn trong app yêu cầu. Sau khi hệ thống báo nhận tiền thì số tiền gốc và lãi từ 20-40% tiền gốc sẽ được trả lại vào tài khoản của tôi. Làm theo lời hướng dẫn, lần đầu tiên tôi chuyển gần 900 nghìn đồng và nhanh chóng nhận lại được cả tiền gốc và lãi hơn 1 triệu đồng. Lần thứ 2, tôi tiếp tục thanh toán hơn 2 triệu đồng và nhận lại tiền gốc và lãi hơn 2,2 triệu đồng. Cứ thế, số tiền cần thanh toán càng lúc càng lớn từ gần 2 triệu đồng đến số tiền gần 250 triệu đồng/lần. Đến lần thứ 4 chuyển tiền đi nhưng không nhận được tiền trả lại, tôi có liên hệ lại tài khoản facebook Trần Vy thì nhận được câu trả lời đợi hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo sẽ trả gộp luôn một lần. Vì muốn lấy lại được tiền nên tôi đã chuyển thêm nhiều lần với số tiền trên 500 triệu đồng vào nhiều tài khoản khác nhau và mất hết”.
Tương tự như chị T, chị Bùi Thị H ở huyện Trực Ninh, Nam Định cũng được một người lạ kết bạn trên facebook và nhắn tin hướng dẫn công việc làm thêm online. Theo lời giới thiệu, công việc đơn giản là tải app để like và theo dõi các shop bán hàng online. Hoàn thành công việc vào khung giờ cố định 20h10 mỗi ngày chị sẽ nhận được 300 nghìn đồng vào tài khoản. Vì thấy “việc nhẹ lương cao” nên chị H đã tìm hiểu thêm thì được đề nghị cung cấp thêm số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, tên chủ thẻ, tên ngân hàng… May mắn đã được nghe nhiều trường hợp vì cung cấp thông tin cá nhân nên bị chiếm đoạt tài sản nên chị H không trả lời lại và chặn ngay tài khoản facebook trên.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người dân đã bị lừa đảo sau khi được tuyển làm việc online. Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra không ít cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người do cả tin và thiếu hiểu biết nên đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ nhiều hình thức. Nhiều người, nhất là những bạn trẻ muốn tìm việc làm thêm hay những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà rảnh rỗi muốn có thêm thu nhập từ công việc online đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo này.
Cũng theo Cơ quan công an, trong số những vụ lừa đảo chốt đơn mà đơn vị đã triệt phá, có một số vụ mà kẻ chủ mưu lừa đảo ở nước ngoài, câu kết với nhiều đối tượng người Việt để giăng bẫy. Với những ai mà trót “chat” với nhóm này thì thường rất khó thoát.
Các đối tượng thường lập các website/fanpage, hồ sơ nhân viên giả mạo của các trang thương mại trực tuyến nổi tiếng như Tiki, Shopee, Lazada… khiến bị hại tin tưởng. Đồng thời đối tượng người nước ngoài đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo, tổ chức đào tạo cho các đối tượng người Việt ở “nhánh dưới” để chào mời, dụ dỗ con mồi tham gia chốt đơn.
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nick ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Vì chỉ trao đổi với nhau qua mạng với “nạn nhân”, nên các thông tin liên hệ cũng như nhân thân về các đối tượng này rất mơ hồ, không xác thực.
Để chủ động phòng ngừa, không sập bẫy lừa đảo việc làm qua mạng xã hội, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi nhận được lời mời chào tham gia “việc làm online”; cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Bản thân người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, đăng ký tìm việc tại những nơi uy tín; nâng cao hiểu biết, cảnh giác của bản thân trước các chiêu trò lừa đảo. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm trực tuyến không truy cập vào các liên kết lạ, đặc biệt, người dân không nên cung cấp tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, nhất là mã OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo các cơ quan chức năng, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, hình thức lừa đảo phổ biến nhất vẫn là lừa tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao”. Các đối tượng thường giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Để tránh bị lừa đảo, người dân cần lưu ý những điều sau: – Yêu cầu tạm ứng tiền: Nếu bạn được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, hãy cảnh giác. Lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt số tiền của bạn mà không cung cấp công việc thực tế. – Yêu cầu thông tin tài khoản cá nhân: Lừa đảo có thể yêu cầu bạn cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. Hãy luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin nhạy cảm của bạn với bất kỳ ai mà bạn không tin tưởng hoặc không biết rõ. – Trang thanh toán đơn hàng không an toàn: Kiểm tra xem trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL hay “https://” trước URL không. Nếu trang không có các biểu tượng này, đó có thể là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin của bạn có thể bị đánh cắp. – Quảng cáo công việc quá hấp dẫn và dễ dàng: Lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt. Hãy cẩn thận với những đề nghị quá mức hấp dẫn và đánh giá kỹ trình độ của bạn trước khi tham gia. – Thiếu thông tin công ty hoặc không có thông tin liên hệ: Người dân cần kiểm tra thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo. – Thiếu hợp đồng hoặc thoả thuận rõ ràng: Khi tham gia vào một chương trình tuyển cộng tác viên, hãy yêu cầu và đọc kỹ hợp đồng hoặc thoả thuận liên quan. Nếu không có hợp đồng hoặc thoả thuận rõ ràng, bạn có thể gặp rủi ro bị lừa đảo. – Kiểm tra về đánh giá và phản hồi tiêu cực: Trao đổi với người dùng khác và tìm hiểu về kinh nghiệm của họ với chương trình tuyển cộng tác viên mà bạn quan tâm. Nếu có nhiều phản hồi tiêu cực hoặc đánh giá không tốt, hãy cân nhắc trước khi tham gia. |
Xem thêm: