Giới thiệu bản thân thế nào để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng?

Phunuduongthoi.vn – Hầu như trong các cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên giới thiệu bản thân trước khi đặt bất kỳ câu hỏi nào. Điều này giúp cung cấp thêm thông tin về bạn và chứng tỏ sự hiểu về bản thân của chính bạn.

Vậy nên nói gì để tạo được ấn tượng đầu tiên khó phai với các công ty tuyển dụng ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM…? 

Gửi lời cảm ơn nhà tuyển dụng

Khi bước vào cuộc phỏng vấn, lời đầu tiên khi được yêu cầu giới thiệu bản thân đó là nói cảm ơn đến nhà tuyển dụng vì đã cho bạn có được cuộc gặp gỡ này. 

Lời cảm ơn thể hiện tính khiêm tốn và sự trân trọng cơ hội công việc mà nhà tuyển dụng mang lại. Nó còn thể hiện sự coi trọng công sức và thời gian mà nhà tuyển dụng đã bỏ ra để gặp gỡ, lắng nghe bạn (dù việc tìm kiếm ứng viên cũng là nhu cầu, là công việc của họ). Ngoài ra, lời cảm ơn còn cho thấy bạn là người có kỹ năng giao tiếp tốt – một yếu tố rất quan trọng đối với bất kỳ công việc nào. 

Giới thiệu họ tên đầy đủ, tuổi tác

Sau khi nói lời cảm ơn, bạn sẽ giới thiệu họ tên đầy đủ và năm sinh. Lưu ý là bạn nên nói cả họ và tên chính thức trên giấy tờ, không giới thiệu biệt danh hay tên gọi thân mật ở nhà… Đồng thời bạn cũng có thể nói về năm sinh hoặc số tuổi. Điều này nhằm giúp cho phỏng vấn viên xưng hô hợp lý hơn khi giao tiếp.

Giới thiệu về trình độ học vấn, chuyên môn

Trình độ học vấn và chuyên môn là một trong những nội dung chính mà nhà tuyển dụng quan tâm nhất.

Bạn nên giới thiệu đầy đủ về học vấn của mình bao gồm: tên trường, khoa, chuyên ngành bạn tốt nghiệp, năm tốt nghiệp. Trong trường hợp bạn tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc thì nên đề cập đến xếp loại tốt nghiệp. Điều này cho thấy sự nỗ lực phấn đấu của bạn khi đi học và “khoe khéo” thành tích đã đạt được. Tuy nhiên, nếu bạn đạt loại khá hoặc trung bình hoặc đã tốt nghiệp cách đây nhiều năm thì có thể bỏ qua phần này và đi thẳng đến phần kinh nghiệm. 

Kinh nghiệm làm việc

Nhà tuyển dụng cực kì chú trọng đến kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Để tạo sự hấp dẫn khi giới thiệu bản thân, bạn nên chọn các kinh nghiệm có liên quan đến vị trí ứng tuyển với các thông tin cụ thể như: bạn đã làm gì ở vị trí đó, nó mang lại cho bạn trải nghiệm như thế nào và bạn đã đạt được thành tích gì. 

Trong trường hợp bạn là người chưa có kinh nghiệm, bạn có thể đề cập đến các hoạt động cụ thể đã tham gia khi còn là sinh viên. Chẳng hạn bạn tham gia các chương trình tình nguyện, dự án cộng đồng… và những điều này giúp bạn rèn luyện kỹ năng cần thiết cho vị trí ứng tuyển như thế nào. 

Điểm mạnh, điểm yếu

Điểm mạnh chính là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá tiềm năng của ứng viên, còn điểm yếu giúp nhà tuyển dụng xem xét nó có ảnh hưởng đến công việc hay không.

Khi nói về điểm mạnh điểm yếu, bạn nên lưu ý nói về điểm mạnh liên quan công việc và những điểm yếu không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Chẳng hạn như: 

“Tôi có khả năng làm việc nhóm rất hiệu quả. Cụ thể là ở công việc trước đây tôi được giao nhiệm vụ dẫn dắt nhóm gồm 6 thành viên. Tôi đã tìm hiểu thế mạnh của từng người và giao việc đúng với sở trường của họ, đồng thời luôn tạo cơ hội để các thành viên luôn gắn kết và hiểu nhau hơn. Kết quả, hiệu suất làm việc tăng lên 30%”.

Hoặc khi nói về điểm yếu: “Tôi có một điểm yếu đó là nóng lòng bắt tay ngay vào việc. Khi kế hoạch được duyệt, tôi chỉ hành động ngay kể cả chưa có sự chuẩn bị trọn vẹn nhất. Tôi dần nhận ra điểm chưa tốt này của bản thân và đang trên đà khắc phục.”

Mục tiêu – nguyện vọng

Trong phần giới thiệu bản thân, bạn có thể đề cập ngắn gọn đến mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Lưu ý là nên để nhà tuyển dụng thấy rằng nếu như bạn được công ty trân trọng thì sẽ dốc hết tâm sức làm việc và gắn bó lâu dài ở đây. Đừng nói ra mục tiêu làm việc “tạm bợ” hoặc quan điểm sẵn sàng rời bỏ công việc, chỉ xem nơi đây như một bước đệm để bạn thực hiện mục tiêu lâu dài ở một nơi khác.

Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên bày tỏ nguyện vọng của mình về một môi trường làm việc chuyên nghiệp, mong được cấp trên, đồng nghiệp đoàn kết, hướng dẫn; được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu nhằm phục vụ cho công việc ngày càng hiệu quả.

Cảm ơn trước khi kết thúc phần giới thiệu

Và sau cùng, trước khi kết thúc phần giới thiệu, bạn nên nói lời cảm ơn với nhà tuyển dụng một lần nữa vì đã dành thời gian nghe bạn chia sẻ. Đây là cách thể hiện sự lịch thiệp và kỹ năng giao tiếp tốt của bạn.

Giới thiệu bản thân hay và thuyết phục là cách bạn thể hiện kỹ năng giao tiếp – trình bày của mình. Nếu thực hiện một cách chuyên nghiệp bạn sẽ tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng. Do đó đừng quên chuẩn bị thật chu đáo cho phần này trước khi bước vào vòng phỏng vấn. Chúc bạn thành công!

Đặng Hảo

Nên đọc