4 sai lầm nên tránh sau khi phỏng vấn việc làm
Phunuduongthoi.vn – Nếu bạn nghĩ, chỉ cần bước ra khỏi phòng phỏng vấn việc làm là hành trình tìm việc lúc này đã hoàn thành. Kết quả dù tốt hay xấu đều đã được an bài và bạn không thể làm gì khác để tác động hay ảnh hưởng gì nữa. Suy nghĩ này dẫn đến một loạt những hành động khiến bạn có thể từ một ứng viên được lựa chọn trở thành người bị “đánh rớt”.
Vậy đó là những sai lầm nào và tại sao nhất định không nên mắc phải khi tìm việc làm ở TPHCM, Hà Nội… hay bất cứ địa phương nào khác?
Không viết email cảm ơn sau phỏng vấn
Ít bạn biết nắm bắt và tận dụng cơ hội ghi thêm điểm với nhà tuyển dụng bằng email cảm ơn sau phỏng vấn việc làm. Theo đó, nếu có, họ chỉ viết thư cho đủ hình thức. Tệ hơn, nhiều bạn “quên” luôn việc làm này.
Hành động “quên” không viết email sau phỏng vấn khiến bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng. Họ nghĩ, bạn không đủ quan tâm và nhiệt huyết với vị trí ứng tuyển. Chưa kể, bạn thiếu sự tôn trọng dành cho họ.
Quan trọng hơn email sau phỏng vấn là cơ hội “vàng” để bạn thêm một lần khẳng định năng lực bản thân. Bạn có cơ hội làm sâu sắc thêm nội dung về vấn đề nhà tuyển dụng hứng thú, có thể đưa ra bằng chứng thuyết phục hơn về học vấn, năng lực, thành tích bằng cách gửi hình ảnh về giải thưởng, chứng nhận…
Khi viết, bạn nên giữ văn phong ngắn gọn với thông điệp rõ ràng. Hãy cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm quý giá. Mặc dù đó là công việc của họ, nhưng bạn đừng tiếc lời cảm ơn. Hãy bày tỏ điều bạn thấy thích thú và ngưỡng mộ về công ty và đừng quên bày tỏ bạn đang mong chờ kết quả tốt đẹp.
Việc tạo ra ấn tượng gần nhất với thời điểm nhà tuyển dụng đưa ra kết quả sẽ có lợi cho bạn. Vì thế, nhất định bạn nên gửi email trong khoảng 24 giờ sau khi kết thúc phỏng vấn.
Hỏi thăm kết quả quá nhiều sau khi phỏng vấn
Ngược lại với ứng viên thờ ơ về kết quả thì bạn lại sốt sắng quá mức. Theo đó, bạn liên tục gọi điện, viết email cho nhà tuyển dụng để hỏi kết quả. Thậm chí sử dụng các hình thức liên hệ khác nhau để hối thúc họ.
Trên thực tế, bạn có quyền được hỏi về kết quả phỏng vấn. Tuy nhiên hỏi với tần suất liên tục thì bạn đã tự làm mất điểm của mình.
Thông thường nhà tuyển dụng sẽ thông báo thời gian trả kết quả ở cuối buổi phỏng vấn. Có thể sau 1-2 ngày, 1 tuần hoặc lâu hơn nữa. Điều này phụ thuộc vào quy định và tình hình tuyển dụng hiện tại của công ty.
Do vậy, đừng quá sốt ruột. Bạn chỉ nên chủ động gửi mail hỏi kết quả khi đã qua thời gian thông báo. Sau đó, bạn nên kiên nhẫn chờ phản hồi. Bởi không phải 100% công ty thực hiện đúng quy trình. Có thể, họ phỏng vấn thêm ứng viên, người ra quyết định đang trong kì nghỉ…
Chỉ khi đã quá thời hạn một khoảng thời gian mà nhà tuyển dụng vẫn im lặng thì 90% là bạn không được chọn. Lúc này, thay vì tiếp tục “chăm chăm” hỏi kết quả thì bạn nên lấy lại tinh thần và sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn việc làm khác.
Dừng tìm kiếm việc làm khác
Bạn ứng tuyển một công ty và sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, hành trình tìm việc của bạn cũng dừng lại. Bạn không tìm thêm việc làm khác, cũng không tận dụng khoảng thời gian quý giá này để phân tích lại buổi phỏng vấn, tìm ra ưu nhược của bản thân để chỉnh sửa, thay đổi.
Việc hoàn toàn trông chờ toàn bộ vào kết quả của một buổi phỏng vấn đưa bạn vào rủi ro rất lớn. Nếu không trúng tuyển, tức là bạn đã lãng phí khoảng thời gian mà có thể nhiều ứng viên khác đã tìm được việc làm mới. Hoặc chí ít, họ biết tận dụng để học thêm kỹ năng, trau dồi thêm chuyên môn… Vậy nên thay vì “dừng lại”, dành thời gian chờ đợi, suy nghĩ “linh tinh” thì bạn nên tiếp tục tìm kiếm cơ hội cho mình.
Đổ lỗi cho bản thân và công ty
Nhiều bạn sau thời gian không thấy nhà tuyển dụng hồi âm sẽ bắt đầu quá trình nghi ngờ và “đổ lỗi”. Bạn trách móc, dày vò bản thân thậm chí đưa cơ thể vào trạng thái stress, bi quan và dần mất đi tự tin. Tệ hơn, bạn còn đổ lỗi cho nhà tuyển dụng và công ty. Bạn chia sẻ lên mạng xã hội chê trách, đổ lỗi và nói điều tiêu cực về công ty, nhà tuyển dụng.
Hành động được cho là “đoạn tuyệt” với công ty và nhà tuyển dụng trên sẽ khiến bạn mất đi cơ hội trong tương lai. Bởi không được chọn ở vị trí này, thời điểm này nhưng có thể họ sẽ giới thiệu cơ hội khác tốt hơn cho bạn trong tương lai.
Tốt nhất, đừng nghiêm trọng hóa một cơ hội việc làm, đừng chỉ nhìn vào kết quả. Kể cả thất bại thì cũng có nhiều lý do mà có thể nó không đến từ bạn hay công ty. Hãy cân bằng cảm xúc, duy trì trạng thái tích cực, kết nối và xây dựng mối quan hệ dù nhà tuyển dụng không chọn bạn.
Trên đây là 4 sai lầm nên tránh sau khi tham dự phỏng vấn việc làm. Hi vọng chia sẻ này sẽ giúp bạn biết làm gì và không nên làm gì để luôn biết cách tận dụng thời gian, cơ hội và chủ động trên hành trình tìm việc.
Nguyễn Lý