Những thiết bị có thể hỗ trợ F0 tại nhà

Phunuduongthoi.vn – Với người nhiễm Covid được cách ly tại nhà, các thiết bị điện tử có thể hỗ trợ họ chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe hàng ngày.

Máy đo chỉ số oxy trong máu, đo huyết áp, nhiệt kế hồng ngoại được các bác sĩ khuyên dùng để theo dõi F0 tại nhà, bên cạnh đó trong một số trường hợp có thể dùng thêm máy tạo oxy.

Máy đo SpO2

Máy theo dõi chỉ số oxy trong máu (SpO2) là thiết bị cầm tay nhỏ gọn, chỉ cần kẹp vào đầu ngón tay hoặc ngón chân là có thể đọc được kết quả. SpO2 là một trong những chỉ số sinh tồn quan trọng cần được theo dõi chặt chẽ đối với F0, bên cạnh các chỉ số như mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, máy đo SpO2 là thiết bị cần thiết nhất mà người nhà bệnh nhân cần chuẩn bị để theo dõi F0 tại nhà.

Một mẫu máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Ảnh: Hữu Khoa

Theo khuyến cáo, chỉ số SpO2 trên 95% là bình thường. Nếu thấp hơn 92%, bệnh nhân F0 cần được hỗ trợ hô hấp, phải nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp. Nếu chỉ số lớn hơn 92% nhưng có các biểu hiện suy hô hấp như khó thở nhiều, người lớn thở nhanh trên 30 lần/phút cũng cân nhắc phải nhập viện để theo dõi và điều trị.

Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cho rằng người dùng nên mua các thiết bị đo SpO2 có thương hiệu, có giá bán từ 400.000 trở lên, không nên mua thiết bị giá rẻ bởi chúng sẽ cho kết quả không chính xác, sai số lớn. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh máy SpO2 chỉ cần thiết đối với các trường hợp F0 khi họ bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là thiết bị để nhận biết người mắc Covid-19.

Nhiệt kế điện tử/hồng ngoại

Sốt là một trong những triệu chứng của người nhiễm Covid. Theo hướng dẫn trong “Sổ tay Sức khỏe phòng chống dịch Covid-19” do Đại học Y Dược TP HCM biên soạn, người nhà bệnh nhân nên theo dõi nhiệt độ F0 khoảng 2 tiếng mỗi lần. Nếu sốt trên 38,5 độ C, có thể dùng thuốc để hạ sốt. Nhưng nếu nhiệt độ cao hơn, người nhà cần thông báo với bác sĩ.

Với tầm quan trọng của việc theo dõi sốt trên F0, bác sĩ Khanh cho rằng mỗi gia đình cần trang bị cho mình một chiếc nhiệt kế, giúp người nhà bệnh nhân chủ động hơn trong việc theo dõi người thân đang nhiễm Covid-19.

Một mẫu nhiệt kế điện tử

Hiện nay, có ba loại nhiệt kế trên thị trường gồm nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử và nhiệt kế hồng ngoại. Nhiệt kế thủy ngân có ưu điểm về giá rẻ, nhưng thời gian đo chậm và có thể gây hại cho người dùng nếu rơi vỡ. Nhiệt kế điện tử sử dụng cảm biến đo nhiệt độ, có cách dùng như nhiệt kế thủy ngân. Nhiệt kế hồng ngoại sử dụng cảm biến tia hồng ngoại nên có tốc độ đo nhanh hơn.

Nhiệt kế hồng ngoại

Trên thị trường, các mẫu nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử hiện có giá từ 50.000 đồng, còn nhiệt kế hồng ngoại đắt hơn với giá vài trăm nghìn đồng. Nhiệt kế hồng ngoại hiện được ưa chuộng do người dùng chỉ cần vài giây là có thể biết được nhiệt độ người bệnh, thay vì thao tác phức tạp và phải đợi lâu hơn như hai loại nhiệt kế còn lại.

Máy đo huyết áp điện tử

Huyết áp là chỉ số áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể, được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Bệnh nhân F0 khi điều trị tại nhà được khuyến cáo nên theo dõi tính ổn định của huyết áp và nên đo 2 – 3 lần trong ngày, nếu có dấu hiệu bất thường cần thông báo cho bác sĩ.

Máy đo huyết áp điện tử

Hiện nay, có ba loại máy đo huyết áp là máy đo huyết áp thủy ngân, máy đo huyết áp cơ và máy đo huyết áp điện tử. Trong đó, máy đo huyết áp cơ và máy đo huyết áp điện tử phổ biến hơn.

Theo các chuyên gia y tế, máy đo huyết áp cơ và máy đo huyết áp thủy ngân có độ chính xác cao hơn so với máy đo huyết áp điện tử. Tuy nhiên, máy đo huyết áp điện tử phù hợp hơn đối với hộ gia đình do các thao tác làm quen và sử dụng dễ dàng. Các chỉ số đo trên thực tế cũng không lệch quá nhiều so với hai loại máy còn lại.

Trên thị trường, các loại máy đo huyết áp điện tử có giá từ 500.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dùng nên mua các mẫu có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng để đạt hiệu quả cao nhất, với giá bán từ 1 triệu đồng.

Máy tạo oxy

Máy tạo oxy là thiết bị y tế lấy trực tiếp không khí từ xung quanh qua hệ thống lọc loại bỏ những chất độc hại để cho ra oxy tinh khiết có nồng độ trên 90% gọi là oxy y tế. Phổ biến hiện nay, các mẫu máy tạo oxy gia đình có công suất tạo oxy 3 lít/phút với giá từ 7 triệu đồng, 5 lít với giá trên 10 triệu đồng và 7 lít với giá trên 20 triệu đồng.

Một mẫu máy tạo oxy công suất 3 lít

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng máy tạo oxy chỉ nên dùng để đề phòng tại nhà trong trường hợp F0 trở nặng. Nếu điều kiện kinh tế không dư dả, người dân có thể không cần sắm loại thiết bị này để tránh gây lãng phí.

Bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết người dân có thể mua và sử dụng máy tạo oxy tại nhà. Tuy vậy, đối với bệnh Covid-19, những trường hợp cần dùng đến máy tạo oxy là khi họ có dấu hiệu trở nặng và cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế. Lúc này, người nhà cần nhanh chóng liên hệ và được đưa đến cơ sở y tế điều trị Covid-19 để được xử trí kịp thời, tránh bệnh chuyển tiến xấu hơn, dẫn đến suy hô hấp nguy kịch.

Theo bác sĩ Lưu Kính Khương, trưởng khoa Gây mê hồi sức – Điều trị đau và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người dùng máy tạo oxy “hết sức cẩn trọng”, vì nếu dùng sai cách sẽ gây ra rất nhiều tác hại, biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, oxy sử dụng trong y tế là loại tinh khiết, vô trùng, đảm bảo nồng độ oxy đạt 100%. Trong khi đó, tùy loại mà các máy tạo oxy chỉ tách chiết, tạo ra nồng độ oxy khoảng 70 – 90%, thậm chí với máy cũ, dùng lâu có thể chỉ còn 50 – 60%. Do đó, nếu người bệnh quá tin tưởng, ỷ lại vào máy mà không nhập viện kịp thời, có thể dẫn đến suy hô hấp nặng, nguy hiểm tính mạng.

Theo VNE

Xem thêm:

Nên đọc