Du lịch mùa tâm linh Tam Phủ, Tứ phủ

Vào cuối năm 2016, UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, với việc được UNESCO thông qua thì việc “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ trở thành di sản thứ 10 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp.

Ngay sau đó, vào những ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017, trong không khí lễ hội, nhiều người đã chứng kiến các nghi lễ hầu đồng đang nở rộ khắp nơi, nhưng hiểu về lịch sử nghị lễ này không phải ai cũng biết.

Đền thờ Mẫu tại khu quần thể đền Tiên La tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

HẦU ĐỒNG ĐANG HÚT DU KHÁCH

Vào những ngày lễ Thanh Minh (10/3 âm lịch) cũng là những ngày mà đến Tiên La ở Huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình bước vào mùa lễ hội. Du khách nườm nượp khắp các nơi đổ về khiến cho cái vùng quê vốn vắng vẻ trở nên chộn rội, ầm ĩ…

Nhiều người đến đây với những lễ vật có đến cả mâm phải đội trên đầu để vào trình lễ. Những xôi, những gà, đồ chay, bánh trái, hàng mã vàng bạc… ngồn ngộn. Nhưng điều đáng chú ý chính là ngôi đền không rộng lớn mà có đến 5-6 chiếu hầu đồng. Tiếng hát tiếng đàn, tiếng hú của mỗi chiếu hầu đồng chỉ cách nhau chưa đến 5 mét cứ rộn ràng. Quan khách chiếu nào thì ngồi nghe và xem chiếu đó, rất chăm chú.

Lễ Hầu đồng tại đền Tiên La ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Hình ảnh hầu đồng Tam Phủ, Tứ Phủ như vậy giờ không còn hiếm, và dường như đang có cơ phát triển khó kiểm soát. Ở phía Nam, nhiều người rủ nhau đi du lịch mùa này để hầu đồng, coi đây là một hoạt động tâm linh đáng chú ý nhất trong mùa xuân đầu năm.

Ngay tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội 2017 tổ chức từ ngày 6-9/4/2017 cũng đã có các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng giới thiệu về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Đây là loại hình văn hóa vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Rất nhiều du khách không chỉ trong nước mà du khách nước ngoài đã rất quan tâm đến loại hình văn hóa này của Việt Nam.

 

ĐỂ HIỂU VỀ VĂN HÓA THỜ MẪU NGƯỜI VIỆT

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển của người Việt có Tam Phủ, Tứ Phủ. Mẫu Thượng Thiên (còn gọi là Mẫu Đệ Nhất) cai quản miền trời và làm chủ mây mưa, sấm chớp; trong điện thờ thường đặt ở giữa, mặc áo màu đỏ hoặc hồng. Mẫu Thượng Ngàn (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị) cai quản miền rừng núi, cây cối; trong điện thờ thường đặt ở bên trái Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu xanh. Mẫu Thoải (còn gọi là Mẫu Thuỷ, gọi chệch là Mẫu Thoại – Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước; trong điện thờ thường đặt ở bên phải Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu trắng.

 

Với tư tưởng một chúa ba ngôi (nhất thể tam vị), nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật của triết học và thần học thì Mẫu là nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam. Điều đó có nghĩa là từ Mẫu Thiên mà hoá thành Mẫu Địa (Mẫu Thượng Ngàn) – thứ hai, rồi lại hoá thành Mẫu Thoải (Mẫu Thuỷ) – thứ ba, chính vì thế mới có tên là Tam toà Thánh Mẫu.

Tứ phủ bao gồm:  Thiên phủ (miền trời): Mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp; Nhạc phủ (miền rừng núi): Mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh; Thuỷ phủ (miền sông nước): Mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp; Địa phủ (miền đất): Mẫu đệ tứ (mẫu Địa Phủ) quản lí vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.

Theo các cứ liệu đã thống kê, ở Việt Nam có hơn 75 vị Thần nữ tiêu biểu đều đang cư ngụ trong lòng tin của tín đồ thờ Mẫu hiện nay ở Việt Nam. Việc phục hồi và bảo tồn văn hóa thờ mẫu đang diễn ra ồ ạt, đặc biệt thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét bảo tồn các yếu tố truyền thống tốt đẹp để tránh việc thờ cúng nặng về hầu đồng theo hướng mê tín dị đoan.

Trung Trần

Nên đọc