Bạn có bị người bên cạnh “bỏ quên” chỉ vì chiếc điện thoại?

Phunuduongthoi.vn – Ngày càng nhiều người không nhận ra việc chăm chăm vào điện thoại khi đang bên người yêu hay gia đình lại chính là nguyên nhân âm thầm phá hoại mối quan hệ của mình. Hành vi này thậm chí còn có một tên gọi riêng.

Chuyện này không còn xa lạ. Hình ảnh hai người đi ăn cùng nhau nhưng mỗi người lại dán mắt vào chiếc điện thoại đã trở nên quá quen thuộc. Dù chỉ lướt mạng xã hội đôi ba phút, trả lời tin nhắn công việc hay xem video, thói quen đó đang len lỏi khắp mọi nơi. 

Nó phổ biến đến mức các nhà nghiên cứu đã đặt hẳn một cái tên riêng cho hành vi này là phubbing, tức bỏ mặc người bên cạnh để chúi đầu vào điện thoại.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Heliyon cho thấy việc mải dùng điện thoại khi đang ngồi cạnh người khác đang trở thành vấn đề đáng lo trên toàn cầu. Điện thoại thông minh giờ đã trở thành vật bất ly thân, luôn xuất hiện trong gần như mọi cuộc gặp gỡ. Và khi ai đó mải mê màn hình thay vì trò chuyện, chia sẻ, điều đó vô tình trở thành cách họ phớt lờ người bên cạnh.

Chuyên gia tâm lý Dr. Justin D’Arienzo chia sẻ: “Đó là lúc bạn lơ là gia đình và bạn bè chỉ vì mải với điện thoại, hoàn toàn bỏ quên những người đang hiện diện cùng mình”

Ông cũng nhấn mạnh nhiều nghiên cứu chỉ ra chúng ta thường không nhận thức hết mức độ tiêu cực mà thói quen này gây ra cho người khác.

Hầu hết ai cũng từng trải qua cảm giác đang nói chuyện mà người kia cứ chăm chăm vào điện thoại. Cảm giác bị bỏ rơi, không được quan tâm khiến nhiều người thấy mình không còn được trân trọng. Lâu dần, điều này có thể dẫn đến khoảng cách tình cảm, thậm chí rạn nứt. Không ít cặp đôi thừa nhận họ thường xuyên cãi nhau chỉ vì một người quá mê điện thoại, quên mất người yêu đang ngồi trước mặt.

Hiện tượng phubbing ngày càng phổ biến trong các mối quan hệ cá nhân. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp cho thấy phubbing làm giảm chất lượng giao tiếp, khiến lòng tin và cảm giác gắn bó suy yếu rõ rệt. Thật dễ thấy khi cùng ăn uống, hẹn hò hay trò chuyện, việc một bên cứ chúi vào điện thoại khiến buổi gặp trở nên hời hợt, thiếu chân thành.

Các nhà khoa học xem phubbing giống như một dạng “bị loại trừ” ngay cả khi đang ở bên nhau. Khi ai đó phớt lờ bạn để nhìn màn hình nhiều lần, người bị phub sẽ có cảm giác tổn thương, giảm niềm tin, thậm chí ngần ngại chia sẻ. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng mỗi lần bị phubbing lặp đi lặp lại, tâm trạng và nhu cầu kết nối của con người càng bị tổn hại rõ nét hơn.

Trong tình yêu, phubbing chính là mầm mống xung đột. Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, nhất là với phụ nữ, cảm giác được bạn đời quan tâm đóng vai trò trung gian mạnh giữa phubbing và mức độ hài lòng trong mối quan hệ. Khảo sát khác ghi nhận gần một nửa số người từng cảm thấy bị phubbing bởi chính bạn đời mình. Theo ứng dụng hẹn hò Hinge, 78% người dùng ở Australia xem đây là dấu hiệu rõ rệt của sự thờ ơ.

Không chỉ vậy, phubbing còn ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe tinh thần. Cả người phub lẫn người bị phub đều dễ rơi vào lo âu, trầm cảm và cô đơn. Khi cha mẹ phubbing con, trẻ dễ có cảm giác bị bỏ rơi, trở nên xa lánh và kém tự tin kết nối xã hội.

Vấn đề ở đây là hành vi lơ là người bên cạnh đi ngược hoàn toàn bản chất của giao tiếp trực tiếp, vốn là nền tảng của mọi mối quan hệ. Công nghệ đang vô tình tạo ra thói quen mất cân đối giữa đời sống thực và thế giới mạng.

Vậy phải làm sao để không vô tình bỏ quên người thương chỉ vì một thiết bị cầm tay? Đơn giản là tự nhắc nhở bản thân tôn trọng khoảng thời gian ở bên người khác. Đặt điện thoại xuống, dành trọn sự chú ý cho họ. Tin nhắn, email hay mạng xã hội có thể chờ, nhưng khoảnh khắc bên nhau thì không.

Bạn có thể đặt ra những “giờ không điện thoại” khi hẹn hò hay họp mặt gia đình để giữ kết nối thật. Nhẹ nhàng góp ý với bạn bè, người thân nếu họ vô tình phubbing. Thậm chí, nếu nhận ra nguyên nhân là stress hay nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO), hãy thử tìm cách cân bằng lại. Và khi thấy tình trạng đã ảnh hưởng nghiêm trọng, đừng ngại tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Phubbing là chuyện đang diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng không có nghĩa chúng ta không thể kiểm soát nó. Khi ai cũng chú ý hơn tới việc điều chỉnh thói quen giữa màn hình điện thoại và con người, những mối quan hệ yêu thương, thân thiết sẽ có cơ hội hồi phục và bền chặt trở lại.

Theo Chí Phú / Tạp chí Gia Đình Mới

Xem thêm:

Nên đọc