Ly hôn xanh: Thiếu kỹ năng hay dũng cảm sống thật?
Phunuduongthoi.vn – Người trẻ hôm nay yêu nhanh, cưới gấp – và cũng ly hôn vội vã. Họ đang thiếu kỹ năng sống, hay đang dũng cảm cho phép mình thử, sai và… trải nghiệm?
Người trẻ đang thiếu “hành trang” khi kết hôn
Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin ly hôn của hai bạn trẻ nổi tiếng – Đích Lép và Tizi, cặp đôi từng được biết đến với những nội dung sáng tạo về tình yêu và tâm lý giới trẻ. Sau nhiều năm yêu nhau, chỉ một năm sau kết hôn, họ xác nhận “đường ai nấy đi”, khiến không ít cư dân mạng tiếc nuối.
Nhưng đó không còn là chuyện riêng của người nổi tiếng. Ly hôn xanh – thuật ngữ chỉ những cuộc hôn nhân tan vỡ trong 5 năm đầu – đang ngày càng phổ biến, trở thành một xu hướng đáng báo động trong xã hội hiện đại.
Không khó để bắt gặp những vụ ly hôn chỉ sau vài tháng, thậm chí vài tuần chung sống, với vô vàn lý do được đưa ra. Do một trong hai người ngoại tình, do bạo lực gia đình, do vấn đề tài chính, do không phù hợp về lối sống…
Theo báo cáo giữa kỳ năm 2024 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có hơn 2,2 triệu người đang ly hôn hoặc ly thân. Trong đó, khoảng 60% thuộc nhóm “ly hôn xanh”, và phần lớn rơi vào nhóm người trẻ từ 18 đến 30 tuổi.

Vũ Mai, một nhà sản xuất phim truyền hình, nói rằng khi nhìn lại cuộc hôn nhân đã đổ vỡ của mình, cô có rất nhiều điều hối tiếc.
“Thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức. Quá thiếu! Và mình sai ngay từ khi quyết định kết hôn. Mình quá thiên về cảm xúc.
Trong khi đó, việc chọn một người để sống cùng cả đời, cần cân nhắc nhiều yếu tố: tính cách, quan điểm sống, khả năng tài chính, và cả yếu tố gia đình… để xem có thực sự hợp nhau không”, Mai thẳng thắn thừa nhận.
Khi được hỏi: “Lúc quyết định ly hôn, bạn đã cân nhắc kỹ chưa?”, cô thừa nhận với giọng điềm tĩnh: “Mình chưa. Lúc đó chỉ có một cảm giác duy nhất: không thể chịu đựng thêm được nữa thôi.”
Người trẻ bước vào hôn nhân với nhiều kỳ vọng, nhưng lại thiếu chuẩn bị – cả về tâm lý lẫn kỹ năng sống. Và khi những va chạm đầu tiên xuất hiện, không ít người chọn cách rời đi, thay vì tìm cách ở lại và sửa chữa.
Tư duy hiện đại hay đề cao lối sống cá nhân?
Cũng có những ý kiến cho rằng ly hôn sớm chính là sản phẩm của lối sống hiện đại – khi mà cá nhân được đặt lên trước “gia đình”, và cảm xúc được ưu tiên hơn nghĩa vụ.
Thế hệ trẻ ngày nay lớn lên với tư duy tự do và quyền lựa chọn hạnh phúc. Họ không còn chấp nhận ở lại trong một mối quan hệ chỉ để “giữ hình ảnh”, vì con cái hay để tránh điều tiếng.
“Mặc dù không cân nhắc kỹ khi ly hôn, nhưng nếu được làm lại, mình vẫn quyết định như cũ” – Vũ Mai tâm sự – “Đó chính là sống thật với lòng mình, và mình không hối hận với quyết định đó”.
Có một thực tế, 70% số vụ ly hôn do phụ nữ đứng đơn, điều đó cho thấy phụ nữ thường kỳ vọng nhiều vào hôn nhân và cũng vì thế mà dễ thất vọng hơn. Họ mong cầu sự sẻ chia, chỗ dựa về vật chất, một bến đỗ tinh thần.
Nhưng khi thực tế không giống như kỳ vọng, và thay vì nhẫn nhịn, chịu đựng như các thế hệ trước đây, họ chọn can đảm rời đi, đập vỡ để xây lại từ đầu.
Không ai bước ra khỏi hôn nhân mà không có vết xước

Ly hôn – dù diễn ra trong yên lặng hay ồn ào, sớm hay muộn – cũng để lại những tổn thương nhất định. Không chỉ với hai người trong cuộc, mà còn ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh, đặc biệt là những đứa trẻ.
“Ly hôn xong, mình quay cuồng với công việc, nên không đủ thời gian cũng như sự quan tâm dành cho con. Đó là điều mình hối tiếc nhất. Vì nó tác động khá là sâu sắc đến tâm lý của bé, và hiện tại mình đang rất, rất nỗ lực để giúp con chữa lành”, Vũ Mai tâm sự.
Đối với những người khác, thì ly hôn như cú sốc đầu đời, khiến họ trở nên tiêu cực, mất niềm tin vào hôn nhân, né tránh các cam kết lâu dài.
Minh Quân, 28 tuổi, vừa bước ra khỏi cuộc hôn nhân kéo dài 2 năm chưa lâu, và vẫn còn cảm thấy hụt hẫng.
“Mình từng nghĩ rằng sẽ dễ dàng quên đi chuyện cũ để bước tiếp. Nhưng thực sự, càng ngày mình càng nhận ra, mình như con chim bị thương sợ cành cây cong, giờ mà hễ cô gái nào tìm hiểu yêu đương thì được nhưng cứ tiến xa hơn chút nữa là mình lại e sợ, muốn rút lui”, Quân thú thật.
Không ít người trẻ thừa nhận, họ không ngờ cuộc sống hôn nhân lại “khó” đến vậy.

Nhiều thứ từng được coi là “dễ thương” lúc yêu – như thói quen thức khuya, hay sự tùy hứng – lại trở thành nguyên nhân khiến người ta nổi điên khi về sống chung.
Những điều nhỏ nhặt tưởng chừng vô hại như chiếc khăn bẩn vứt sai chỗ, bữa cơm đến giờ chưa nấu, hay chuyện ai rửa chén cũng đủ để làm bùng lên một cuộc cãi vã.
Thực tế, những mâu thuẫn không lớn nhưng tích tụ hằng ngày chính là thứ giết chết hôn nhân nhanh nhất. Và khi cả hai người đều chưa đủ chín chắn để “lùi một bước” đúng lúc, mối quan hệ rạn nứt, đi đến đổ vỡ là điều dễ dàng xảy ra.
Hôn nhân là một hành trình cần nhiều kỹ năng – nhưng không mấy ai được chuẩn bị đầy đủ hành trang để bước vào. Với không ít cặp đôi, họ chọn ly hôn không phải vì người phối ngẫu “quá tệ”, mà vì cái tôi quá quá lớn, vì không biết cách dung hòa khi đối diện với những khác biệt của nhau.
Có thể nói, ly hôn xanh là dấu hiệu của một thế hệ đang vừa thử, vừa học trong chính đời sống hôn nhân – học cách yêu, cách sống chung, học cách đảm bảo tự do của chính mình mà không ảnh hưởng đến tự do của người khác.
Nhưng đôi khi, cái giá của những lần “học sai” ấy là quá lớn: một vết sẹo tâm lý, niềm tin bị đánh cắp, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng mái ấm gia đình, hoặc một người trưởng thành mang theo nỗi sợ cam kết suốt nhiều năm sau đó.
Theo Kiều Giang / Gia Đình Mới
Xem thêm: