Bạo lực ngôn từ với trẻ gây ‘sát thương’ hơn cả đòn roi
Phunuduongthoi.vn – Bạo hành lời nói không để lại hậu quả về mặt thể xác. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của hình thức bạo hành này lại vô cùng nghiêm trọng đối với tâm lý.
Thay vì chê con mình kém cỏi, cha mẹ hãy bên cạnh và động viên trẻ nhiều hơn. Đồng thời, nhẹ nhàng chỉ ra những khuyết điểm cần khắc phục.
Hệ lụy nghiêm trọng
Cơn đau của một trận đòn roi có thể quên nhanh. Song, thực tế, có những câu nói trở thành nỗi ám ảnh theo suốt tuổi thơ của nhiều người, điều mà đôi khi trong cuộc sống chúng ta quên mất.
Bên cạnh hành vi bạo hành về thân thể, bạo lực tinh thần cũng gây ra những tác hại khôn lường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về tác hại của nó bởi “lời nói gió bay”. Thậm chí, nhiều lúc đó chỉ là những câu nói đùa.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 50% trẻ em và thanh thiếu niên từ độ tuổi 13 – 15 trên toàn thế giới từng bị ảnh hưởng bởi bạo lực ngôn ngữ ở trường học. Trung bình, cứ 3 người, sẽ có hơn 1 người từng bị bắt nạt.
Tuy nhiên, bạo lực ngôn ngữ và bắt nạt không chỉ diễn ra trong phạm vi trường học. Tình trạng này có thể xảy ra mọi nơi ở xung quanh chúng ta, thậm chí là đến từ những người thân yêu nhất.
“Đồ vô dụng, đồ vô tích sự”, “Con tôi không có cái thứ ngu dốt như thế này”, “Sao lại có cái loại chỉ có ăn với học mà cũng làm không xong”,… Những câu nói tưởng chừng như “lời nói gió bay” lại ẩn chứa một sức mạnh kinh hoàng có thể dẫn đến những hậu quả cực kỳ khó lường.
Theo một cuộc khảo sát, hơn 60% phạm tội vị thành niên đã bị bạo lực ngôn ngữ từ cha mẹ họ.
Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Martin Teicher thuộc Trường Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) cho thấy bạo lực ngôn ngữ lại có tác động trực tiếp đến các vùng não của con người, bao gồm khu thể chai (Corpus callosum), khu hồi hải mã (Hippocampus – một bộ phận của não trước, nằm bên trong thùy thái dương) và thùy trước. Đây là 3 bộ phận chi phối về nhận thức, quản lý cảm xúc, suy nghĩ và ra quyết định.
Một đứa trẻ nếu thường xuyên phải nghe những lời mắng mỏ, chê bai, thậm chí mang đầy tính bạo lực và xúc phạm trong đó, chắc chắn sẽ không thể phát triển một cách bình thường.
Thay vào đó, những tính cách tiêu cực như hèn nhát, kém cỏi, dễ nóng giận, ác cảm với tất cả mọi thứ xung quanh sẽ dần hình thành khiến cha mẹ càng ngày càng thất vọng. Từ đó, phụ huynh càng chửi mắng, dọa nạt nhiều hơn, tạo nên một vòng luẩn quẩn trong cuộc sống.
Đáng sợ hơn, khi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực bị vượt ngưỡng chịu đựng, hậu quả là điều không ai có thể kiểm soát được. Đó có thể là một vụ tự tử đầy đau thương hay vụ giết người, xả súng hàng loạt vì muốn trút bỏ sự tổn thương và tủi nhục một cách cực đoan khi không thể kiểm soát nổi nhận thức và hành động.
Xây dựng mối quan hệ kết nối
Theo chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh, môi trường gia đình thường xuyên chỉ trích có tác động tiêu cực tới trẻ. Điều đó có hại cho hình ảnh và phát triển bản thân.
Những đứa trẻ bị chỉ trích nhiều thường thiếu tự tin vào bản thân và có những hành vi của những người có lòng tự trọng thấp. Trẻ có xu hướng cảm thấy vô dụng, thiếu thốn, khó khăn khi rời khỏi gia đình. Đồng thời, lo lắng khi phải tự lập và cảm thấy mình không thể sống mà không có cha mẹ.
Ngoài ra, cha mẹ khắt khe quá cũng có xu hướng bảo vệ quá mức và kém kiểm soát cảm xúc của bản thân. Hành động đó khiến trẻ cảm thấy tội lỗi vì đã tự vệ hoặc phản kháng.
Kết quả là những đứa trẻ lại càng bị phụ thuộc. Bởi, trẻ lớn lên trong môi trường mà bất kể điều nào chúng làm dường như cũng sai. Trẻ sẽ cảm thấy vô dụng và không dám tự làm bất kỳ điều gì.
Nói chung, nó sẽ liên hệ tới việc trẻ gặp khó khăn trong xây dựng các mối quan hệ lành mạnh về sau này. Bởi, trẻ sẽ bị phụ thuộc vào cảm xúc hoặc là tránh né sự thân mật.
Mặt khác, có người còn cảm thấy bị ràng buộc quá lớn vào gia đình. Sự ràng buộc đó lớn tới mức họ hoàn toàn bỏ qua tính cá nhân. Cha mẹ đã nuôi dưỡng chứng “nghiện” gia đình này. Do đó, họ rất sợ phải đối mặt với cuộc sống mà không có gia đình hỗ trợ.
“Hãy nhớ là 20 lời khẳng định tích cực mới bù đắp được cho một lời chỉ trích. Để tạo cho trẻ một hình ảnh bản thân tốt là một khởi đầu tốt, điều quan trọng là ta nhận thức được ta muốn truyền lại cho con những kỹ năng, thái độ và giá trị nào.
Những lời khẳng định là trọng tâm của hình ảnh bản thân. Tuy nhiên, đôi khi cũng cần đưa ra chỉ trích chứ không phải chỉ có mỗi khen ngợi hay khẳng định”, nữ chuyên gia cho biết.
Chia sẻ về phương pháp tốt nhất có thể, chuyên gia Phan Linh cho rằng, mối quan hệ càng ấm áp, kết nối thì càng có thể trực tiếp đưa ra những lời chỉ trích mà không bị phản ứng lại. Chúng ta sẽ ít chấp nhận những lời chỉ trích từ những người mà ta cảm thấy không thích mình.
Ngược lại, ta sẽ khoan dung nhiều hơn từ những người mà mình biết là yêu thương hay giống như chúng ta. Do đó, cha mẹ phải giải thích với con điều gì sai và cần làm gì để thay thế.
Một yếu tố khác là phụ huynh không nên chỉ trích khi trẻ đang xúc động. Bởi, đó là thời gian xoa dịu và an ủi trẻ.
“Nghiên cứu cho thấy, con người không giỏi chịu đựng những lời chỉ trích. Nếu chúng ta thường xuyên nói “Con lúc nào cũng vậy”, “Đã nói bao nhiêu lần rồi” thì trẻ rất dễ trở nên phòng thủ. Nó cũng là một dạng chỉ trích cực kỳ phổ biến”, chuyên gia dẫn chứng.
Theo chuyên gia Phan Linh, hình ảnh bản thân và sự tự tin, lòng tự trọng luôn có sự liên kết với nhau. Sự tự trọng thấp là khi hình ảnh về bản thân và sự tự tin vào khả năng của bản thân thấp.
Theo thời gian, một người hành động không đúng với niềm tin, giả định và mong muốn của chính mình sẽ tạo ra khoảng cách lớn giữa nhận thức của chính họ về bản thân và con người mà họ muốn trở thành. Nó gây ra những thách thức lớn cho họ và ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tự trọng.
Một số biểu hiện thường gặp là: Sợ bị từ chối; Sợ từ chối người khác. Những người này cũng sẽ luôn cảm thấy bản thân không đủ tốt, không đủ giỏi và sợ mất kiểm soát.
“Khi chúng ta nghĩ về bạo lực trong lời nói, mọi người hay nghĩ là sẽ có một người bị chửi bới thậm tệ, giận dữ, run rẩy. Nhưng nó mới chỉ là một phần bức tranh. Trớ trêu là một số hệ quả của bạo lực tồi tệ nhất lại đến từ chuyện im lặng. Im lặng một cách chế giễu, khiến người khác cảm thấy nhục nhã.
Im lặng không trả lời, hoàn toàn bơ đi không để ý có thể gây ra những “ồn ào” bên trong hơn là bị mắng to tiếng”, nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Do đó, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn khi bị đối xử như một người vô hình. Đồng thời, trẻ cảm giác mình chẳng là gì cả, chỉ như một hạt bụi mà người ta không thèm đoái hoài tới.
Trẻ trải qua loại bạo lực này thường có cảm xúc mâu thuẫn hơn là trẻ bị la mắng hoặc xúc phạm lớn tiếng. Sự vắng mặt của sự tức giận gây ra một nhầm lẫn lớn: Đứa trẻ không thể hiểu đằng sau sự im lặng hoặc bỏ mặc không trả lời có ý nghĩa gì.
Chuyên gia này cho biết, hậu quả của bạo lực trong im lặng khá đa dạng. Đầu tiên là những thay đổi tiêu cực trong bộ não đang phát triển của trẻ. Trẻ sẽ hình thành thói quen tự phê bình, quy kết những thất bại và sai lầm cho thiếu sót trong tính cách của bản thân.
Trẻ trải qua bạo lực im lặng cũng thường giảm trí tuệ cảm xúc, khả năng kiềm chế và kiểm soát cảm xúc. Đồng thời, trẻ sẽ hình thành những loại gắn bó không an toàn, ngăn cản việc thiết lập các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Đặc biệt, mỗi đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng theo cách riêng. Song, sự ảnh hưởng đó thường bộc phát ra ở tuổi trưởng thành.
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ từng bị bạo hành bằng lời nói ở trường học hoặc ở nhà sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng rối loạn trầm cảm và lo âu cao hơn sau khi trưởng thành.
Thậm chí, lâu dài, nạn nhân còn có thể tin vào những lời nói bạo hành tiêu cực và nghĩ rằng những điều đó đúng với bản thân. Họ có thể cho rằng mình vô dụng, không có khả năng làm bất cứ điều gì, không đáng được tôn trọng,…
Tâm lý này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các yếu tố trong cuộc sống của nạn nhân. Người bị bạo lực ngôn từ sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập, công việc, các mối quan hệ hoặc không thể nào đạt được thành công.
Xem thêm: