Yếu tố then chốt giúp con ‘đánh tan’ căng thẳng trước kỳ thi

Phunuduongthoi.vn – Để giúp trẻ giải tỏa căng thẳng trước kỳ thi, phụ huynh cần đồng hành, lắng nghe, chia sẻ với con. Đồng thời, khuyến khích trẻ duy trì chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý.

Phụ huynh cần tạo cho trẻ tâm lý thoải mái trước khi thi. Ảnh: ITN.

Theo các chuyên gia, áp lực học tập, thi cử là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng và trầm cảm. Do đó, cha mẹ nên quan tâm tới con mình khi trẻ có những hành vi và cảm xúc bất thường.

Nhập viện vì lo lắng

Mùa thi đến gần cũng đồng nghĩa với việc trẻ phải đối mặt với lo lắng, căng thẳng trong học tập. Không chỉ trẻ căng thẳng, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo lắng trước kỳ thi của con. Phụ huynh và trẻ cùng chung nhiều nỗi lo, từ việc e ngại bài thi khó, cho tới con không làm bài tốt, thậm chí là không đỗ được vào trường như mong muốn.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ về việc lo ngại trẻ có thể phải học tập quá căng thẳng, dẫn tới stress, thậm chí nghiêm trọng hơn là trầm cảm.

Thời điểm này, tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn, trẻ phải chuẩn bị vượt qua kỳ thi vào lớp 10 khá căng thẳng. Khi trẻ phải đối diện với những áp lực lớn như vậy, cha mẹ cần có sự chuẩn bị từ sớm giúp con ổn định tâm lý, tìm ra hướng ôn tập và lựa chọn phù hợp, tránh căng thẳng quá mức có thể dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc về tâm lý và sức khỏe.

Không ít trường hợp trẻ do quá căng thẳng trong học tập, thi cử nên đã gặp phải hệ lụy nghiêm trọng tới tâm lý. Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận và điều trị cho một nữ sinh 12 tuổi, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và luôn hoảng sợ.

Theo người nhà nữ sinh, trẻ có tính cách hiền lành, ngoan ngoãn, học lực giỏi. Tuy nhiên, do áp lực phải đạt được vị trí đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường, trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và mất ngủ. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ cảm thấy sợ đi học và không dám đến trường. Mỗi lần nghĩ tới chuyện đi học, trẻ lại cảm thấy căng thẳng và sợ hãi. Điều này ngày càng khiến cho trẻ mất ngủ, không tập trung vào việc học, học lực giảm sút.

Kết quả học tập giảm lại càng khiến trẻ lo lắng vì bị bạn bè chê cười, xem thường và thầy, cô giáo khiển trách. Trẻ cảm thấy chán nản và không còn thiết tha mọi thứ trong cuộc sống. Thấy tình trạng bất thường của con, gia đình lo lắng và đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị.

Tương tự, một trường hợp khác cũng nhập viện điều trị tại Khoa Sức khỏe vị thành niên là một nữ học sinh (lớp 9, ở Hà Nội). Trẻ nhập viện trong tình trạng bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… Tình trạng này diễn ra liên tục khi kỳ thi đến gần, khiến phụ huynh vô cùng lo lắng và đã đưa trẻ đến khám.

Trẻ thường phải đối mặt với áp lực khi sắp bước vào kỳ thi. Ảnh: ITN.

TS.BS Ngô Anh Vinh – Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, cả hai bệnh nhi trên được xác định có các rối loạn về tâm lý liên quan đến áp lực học tập căng thẳng.

Theo bác sĩ Vinh, trong năm 2022, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 – 9). Kết quả cho thấy, các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỷ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%.

TS.BS Ngô Anh Vinh cho biết, áp lực học tập, thi cử là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng và trầm cảm.

Căng thẳng, lo âu và trầm cảm thường diễn biến âm thầm, là kết quả của cả quá trình trẻ phải chịu áp lực về học tập – thi cử. Do đó, các cha mẹ nên quan tâm tới con mình khi trẻ có những hành vi và cảm xúc bất thường. Trẻ có xu hướng hay cáu gắt hoặc khóc lóc vô cớ, mệt mỏi, buồn chán, không giao tiếp với mọi người… Trẻ có biểu hiện mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán – bỏ ăn. Ngoài ra, trẻ hay có các triệu chứng như đau bụng, đau đầu, đau ngực, tim đập nhanh… Những trẻ này cũng có xu hướng lo lắng quá mức, luôn trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp.

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, học sinh cuối cấp, đặc biệt là cấp 3 thường hay phải đối mặt với nhiều áp lực học tập – thi cử từ chính bản thân mình, từ bạn bè, thầy cô, cũng như cả phụ huynh. Mặc dù, cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con của mình, nhưng cũng có phụ huynh lo lắng khi con không được vào tốp học sinh giỏi trong lớp và gây áp lực lên trẻ. Bác sĩ Vinh cho rằng, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho trẻ.

Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con mình để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa áp lực về học tập – thi cử. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đảm bảo cho con mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ, tập luyện thể dục – thể thao đều đặn. Từ đó, giúp trẻ có sức khỏe tinh thần tốt để tự tin vượt qua các kỳ thi một cách tốt nhất.

Việc xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lý trước kỳ thi giúp trẻ học tập có hệ thống, tránh bị quá tải và căng thẳng. Ảnh: ITN.
Yếu tố “then chốt”

Là một phụ huynh có con chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp, chị Nguyễn Mỹ Hương (Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, đã tìm hiểu kỹ lưỡng về các biện pháp giúp trẻ thư giãn tinh thần.

“Bên cạnh việc động viên con chú tâm học tập, tôi cũng thường xuyên trao đổi, lắng nghe chia sẻ và trò chuyện cùng cháu. Tôi cũng khuyến khích con thư giãn bằng âm nhạc, như nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương. Nhờ đó, con cảm thấy thư thái, giảm căng thẳng, lo âu. Bởi, âm nhạc có tác dụng xoa dịu tâm hồn, giúp trẻ lấy lại cân bằng cảm xúc”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị Mỹ Hương cho biết cũng thường xuyên cùng con ra ngoài tập thể dục, chạy bộ. Mỗi tuần, mẹ con chị dành khoảng 2 – 3 buổi cho các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, bơi lội. Nhờ tìm hiểu thông tin từ các chuyên gia cũng như Internet, chị Hương cho biết, các hoạt động thể chất này không chỉ giúp giải phóng năng lượng, mà còn tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Vận động giúp giải phóng endorphin – hormone hạnh phúc, giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và thư giãn hơn.

Chị Đinh Thị Toan (TP Hưng Yên) cho biết, năm ngoái, con trai chị thi chuyển cấp vào lớp 10. Chị đã khuyến khích con cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi, thư giãn. Nhờ đó, con chị đỗ vào trường mong muốn với điểm số cao.

Nữ phụ huynh này cho rằng, một yếu tố “then chốt” để hỗ trợ con trước kỳ thi đó là sự tâm lý, gần gũi của cha mẹ. “Bên cạnh việc học, trẻ vẫn cần ngủ đủ giấc, thư giãn giữa giờ, dành thời gian cho các hoạt động giải trí yêu thích. Việc nghỉ ngơi giúp não bộ được phục hồi, tăng khả năng tập trung và tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, gia đình tôi cũng thường xuyên nói chuyện, trao đổi với con về những chuyện nhỏ trong cuộc sống thường ngày. Điều quan trọng là khiến trẻ cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ về mặt tinh thần”, chị Toan bày tỏ.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), việc xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lý trước kỳ thi giúp trẻ học tập có hệ thống, tránh bị quá tải và căng thẳng. Một kế hoạch khoa học không chỉ giúp trẻ nắm vững kiến thức, mà còn đảm bảo có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh tạo áp lực quá mức cho bản thân.

Phụ huynh cần tạo cảm giác an tâm, thoải mái cho trẻ. Cha mẹ nên nhắc con đến phòng thi sớm hơn 15 phút để có thời gian chuẩn bị tinh thần. Tuy nhiên, trẻ không nên đến quá sớm, vì chờ đợi lâu có thể gây mệt mỏi và căng thẳng hơn.

Biểu hiện trẻ thường gặp khi bị rối loạn lo âu trong mùa thi có thể là tâm trạng buồn chán, không có hứng thú, mất sự vui thích với những thứ mà bình thường khiến bản thân vui vẻ. Khả năng học tập giảm sút, khó tập trung khiến việc ôn tập mất nhiều thời gian hơn nhưng mau quên, khó nhớ bài. Trẻ cũng có tinh thần uể oải, chán chường, kèm theo đó là những suy nghĩ tiêu cực; biểu hiện cảm xúc không ổn định, dễ khóc, có cảm giác bản thân vô dụng, buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, thiếu năng lượng, mất tập trung, lo lắng. Trẻ có thể phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật và không thể nào chấm dứt được sự lo lắng đó.

Theo Vân Huyền / Báo Giáo dục & Thời đại

Xem thêm:

Nên đọc