Dấu hiệu nhận biết sự tự tin hay kiêu ngạo ở trẻ
Phunuduongthoi.vn – Nếu bắt đầu có những hành động thể hiện sự kiêu ngạo, trẻ sẽ khoe khoang thường xuyên, che giấu khuyết điểm của mình hoặc hạ thấp người khác…

Thái độ tiêu cực phát triển theo thời gian
Theo các chuyên gia nuôi dạy trẻ em, kiêu ngạo là “thể hiện thái độ coi thường người khác…”. Một đứa trẻ kiêu ngạo thường không khiến người khác cảm thấy dễ chịu khi ở gần. Cái tôi quá lớn và thái độ coi thường người khác khiến trẻ không được yêu thích và thường bị bạn đồng lứa tránh né. Thực tế, không cha mẹ nào muốn thấy con mình phải trải qua điều đó.
Theo các chuyên gia, trẻ em không phải sinh ra đã kiêu ngạo. Đây là thái độ tiêu cực phát triển theo thời gian. Hầu hết trẻ em thể hiện sự kiêu ngạo đều thông minh, tài năng và tự tin. Khi sự tự tin không được điều chỉnh bằng thái độ khiêm tốn, lòng kiêu hãnh quá lớn sẽ xuất hiện và phủ nhận mọi phẩm chất tốt đẹp mà trẻ sở hữu.
Nếu chứng kiến con mình đang có những hành xử kiêu ngạo, cha mẹ hãy thực hiện một số phương pháp, giúp làm giảm hoặc làm dịu vấn đề. Đồng thời, cho phép trẻ tận hưởng sự tương tác thân thiện hơn từ bạn bè.
Cha mẹ có thể hạn chế sự kiêu ngạo ở trẻ em bằng cách xác định gốc rễ của vấn đề. Hãy nhìn lại quá trình phát triển của trẻ. Liệu trẻ có siêu thông minh khi còn nhỏ và được khuyến khích thể hiện sự sớm phát triển của mình trước mặt người lớn để thỏa mãn cảm giác tự hào của phụ huynh không? Liệu trẻ có được truyền đạt thông điệp thông qua cách nuôi dạy con quá mức rằng, mình là trung tâm của vũ trụ và do đó, bé có đánh giá lệch lạc về tầm quan trọng của mình và cảm giác được hưởng quyền lợi không?
Những người tự tin hiểu rằng, họ có năng lực, nhưng không cảm thấy cần phải khoe khoang về khả năng hoặc thành tích của mình. Ngược lại, những người kiêu ngạo cảm thấy có quyền được hưởng những đặc quyền và sự công nhận đặc biệt. Họ cũng có xu hướng mơ tưởng về việc đạt được quyền lực, sự giàu có và địa vị trong khi không muốn nỗ lực để đạt được những mục tiêu cao cả đó. Những người tự tin có nhiều khả năng làm việc chăm chỉ hơn để phát triển các lĩnh vực chuyên môn của mình. Nhiều người tự tin sử dụng tài năng để giúp đỡ những người xung quanh hoặc đóng góp cho xã hội. Trong khi đó, những người có đặc điểm kiêu ngạo chỉ quan tâm đến bản thân.
Những phụ huynh nuông chiều con quá mức bằng nhiều lời khen ngợi và sự chú ý có thể tạo ra một đứa trẻ kiêu ngạo. Điều này chủ yếu có khả năng xảy ra khi đứa trẻ thành thạo trong một lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như thể thao hoặc học tập.

Những đứa trẻ biết tuốt
Trẻ kiêu ngạo thường nghĩ rằng, chúng ngang bằng với mọi người về kiến thức, tư duy phản biện và kỹ năng lãnh đạo. Trẻ thậm chí sẽ nói cho cha mẹ biết những gì phụ huynh còn thiếu trong việc nuôi dạy trẻ và anh chị em của bé. Trẻ cũng có xu hướng chỉ ra cho các anh chị em thấy rằng, chúng giỏi hơn mọi người nhiều như thế nào.
Thiếu kiên nhẫn
Trẻ kiêu ngạo thường không muốn đợi cha mẹ. Trẻ nghĩ rằng, phụ huynh nên phục vụ chúng và sẵn sàng đi khi trẻ đã sẵn sàng. Những trẻ này luôn vội vã để làm việc tiếp theo. Nếu trẻ không thể đợi cha mẹ và yêu cầu phụ huynh phải làm gì, thì đó là một đứa trẻ kiêu ngạo.
Chỉ trích
Nếu trẻ chỉ trích cha mẹ, anh chị em của chúng, bạn bè, giáo viên hoặc những người khác, thì điều đó có nghĩa là trẻ nghĩ rằng, chúng giỏi hơn mọi người khác. Trẻ cho rằng, mình có thể chỉ cho mọi người cách điều khiển cuộc sống. Trẻ thường chỉ trích người khác không phải là một đứa trẻ dễ dạy hoặc biết ơn. Bởi, những trẻ này nghĩ rằng, mọi người khác cần phải cố gắng để đạt đến tiêu chuẩn của chúng.
Vô ơn
Những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ không biết ơn những điều đơn giản trong cuộc sống như việc cha mẹ đưa chúng đi tập thể thao nhiều lần một tuần. Trẻ mong đợi cha mẹ và những người khác phải phục tùng và làm theo sự chỉ đạo của chúng trong mọi việc. Những trẻ này khó chịu khi phụ huynh quên thứ gì đó mà chúng muốn hoặc cần. Trẻ có quá nhiều thứ và thường không trân trọng những gì chúng có.

Khoe khoang
Những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ tự hào về những gì chúng có và khoe khoang điều đó với bạn bè. Thái độ khoe khoang khiến trẻ coi thường người khác vì chúng nghĩ rằng mình giỏi hơn, thông minh và tài năng hơn mọi người. Điều đó có thể thể hiện trong thái độ của trẻ đối với người khác hoặc trong lời nói của chúng với họ.
Do đó, để giúp trẻ biết khiêm tốn, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau:
Nói chuyện với giáo viên của trẻ
Rất có thể, nếu trẻ cư xử kiêu ngạo ở nhà, thì khả năng là cũng sẽ thể hiện hành vi tiêu cực tương tự ở trường. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy nói chuyện với giáo viên của trẻ để nắm bắt đầy đủ vấn đề. Hãy cho giáo viên biết rằng, phụ huynh đang giải quyết vấn đề này. Sau đó, hãy thuyết phục giáo viên kiên nhẫn với con mình. Giáo viên có thể thông báo cho phụ huynh khi họ thấy trẻ có dấu hiệu cải thiện.
Nói chuyện riêng với trẻ
Mặc dù tính kiêu ngạo của trẻ là một đặc điểm mà cha mẹ muốn sửa và không thể bỏ qua, nhưng phụ huynh cũng không nên làm con mình xấu hổ bằng cách khiển trách bé trước mặt người khác.
Mỗi khi chứng kiến con mình hành động như kẻ bề trên, chế giễu người khác, phản bác người lớn hoặc thể hiện bất kỳ hành vi thô lỗ nào khác, cha mẹ hãy kéo trẻ sang một bên. Sau đó, nói chuyện với con về hậu quả của hành vi đó. Hãy đưa ra thông điệp chắc chắn rằng, tính kiêu ngạo là không thể chấp nhận được.
Thực tế, trẻ em kiêu ngạo muốn hòa nhập và được yêu mến. Chúng thậm chí có thể thiếu các kỹ năng giao tiếp để tương tác phù hợp nhằm tạo ra những mối quan hệ tích cực. Do đó, cha mẹ có trách nhiệm dạy con và cung cấp cho trẻ các “công cụ” để cư xử khác đi.
Hãy là một hình mẫu tích cực
Cha mẹ hãy xem xét kỹ năng giao tiếp, cách cư xử giữa mình và mọi người xung quanh. Liệu phụ huynh có thường xuyên cho là mình đúng và hạ thấp ý kiến của người khác không? Trong một cuộc tranh luận, có phải lúc nào phụ huynh cũng thắng không?
Nếu nhận thấy mình đang làm gương cho con về hành vi kiêu ngạo, thì đã đến lúc cha mẹ cũng cần điều chỉnh thái độ. Trẻ em học những gì chúng nhìn thấy. Nếu trẻ thấy cha mẹ cư xử lịch sự, tử tế và khiêm tốn với người khác, con sẽ noi theo hành vi tích cực đó.
Khen ngợi con vì những hành vi tích cực
Nhiều trẻ kiêu ngạo cảm thấy mình thấp kém và che giấu cảm giác bất lực của mình bằng cách khoe khoang về những kỹ năng tuyệt vời mà chúng sở hữu trong một lĩnh vực cụ thể và coi thường thành công của người xung quanh. Những trẻ này thường ghen tị với anh chị em hoặc bạn học có vẻ có nhiều bạn bè và giao tiếp thoải mái hơn.
Để giúp trẻ có cách cư xử khiêm tốn, cha mẹ cần tiếp tục khen ngợi con vì những hành vi tích cực. Việc đó giúp cân bằng các bài học về sự kiêu ngạo, giữ nguyên lòng tự trọng của trẻ. Điều quan trọng là phụ huynh cần thông cảm với hoàn cảnh của đứa con kiêu ngạo và quyết tâm giúp trẻ vượt qua hành vi tiêu cực bằng sự hướng dẫn nhẹ nhàng, kiên quyết và yêu thương.
Cha mẹ hãy dạy con mình hành vi kiêu ngạo là gì, tại sao cách cư xử đó lại làm phiền người khác và làm thế nào để kiềm chế hành vi đó.
Giúp con trở nên vị tha
Phụ huynh nên hướng dẫn con tham gia tình nguyện vào một dự án dịch vụ cộng đồng. Hiệu quả sẽ cao hơn khi cha mẹ tham gia cùng con trong nỗ lực này. Hãy dạy con rằng, nghĩ đến người khác là một cách tuyệt vời để hướng sự chú ý của trẻ ra bên ngoài và bù đắp cho xu hướng kiêu ngạo.
Giúp đỡ người khác là một phương pháp tích cực để truyền lòng trắc ẩn và giữ nguyên lòng tự trọng của trẻ trong khi dạy bé không ích kỷ. Nếu tính kiêu ngạo ở trẻ không được thay đổi, thái độ này sẽ ngày càng rõ rệt hơn theo thời gian. Phụ huynh hãy giúp con loại bỏ mọi dấu hiệu kiêu ngạo để trẻ trở thành người hòa nhập tốt, với các mối quan hệ tích cực trong tương lai.
Theo Kim Dung / Báo Giáo Dục & Thời Đại
Xem thêm: