Cách giáo dục con tốt nhất là ‘dạy mà như không dạy’

Phunuduongthoi.vn – Cha mẹ có trách nhiệm rất lớn đối với con cái. Họ là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con.

Nuôi dạy con cái thực sự không nên liên quan đến việc kiểm soát. (Ảnh: ITN).

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực tế không nhiều bậc cha mẹ nhận ra quyền lực của họ đối với con. Thay vào đó, nhiều cha mẹ liên kết việc nuôi dạy con cái với sự kiểm soát.

Theo các chuyên gia, nuôi dạy con thực sự không nên liên quan đến việc kiểm soát. Cha mẹ nên đưa ra những hướng dẫn, dạy dỗ những giá trị đúng đắn, khắc sâu tính kỷ luật cũng như truyền cảm hứng và khuyến khích đứa trẻ.

Nói cách khác, việc giáo dục trẻ em bắt đầu từ cha mẹ. Vai trò của phụ huynh mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình và bao gồm cả việc tham gia vào các hoạt động ở trường của trẻ.

Dưới đây là một số giải pháp mà phụ huynh có thể áp dụng để hỗ trợ việc học tập của con:

Làm bạn với con

Khi trở thành bạn bè, cha mẹ và con sẽ làm mọi việc cùng nhau và thấu hiểu nhau, cùng tạo ra một môi trường vui vẻ để tình bạn tiếp tục nảy nở.

Làm bạn với con, cha mẹ có dịp để mắt đến sự phát triển của con. Là một người bạn, cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi và hạn chế của chúng, đồng thời động viên chúng, sát cánh cùng chúng khi chúng thất bại, dạy chúng đối mặt với nghịch cảnh.

Khi làm như vậy, cha mẹ khiến trẻ mạnh mẽ hơn và chuẩn bị cho trẻ những thử thách trong cuộc sống.

Hướng dẫn con

Luôn có mặt để hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát các hoạt động của con ở trường, ở nhà và mọi nơi khác. Không những thế, cha mẹ phải luôn được thông báo về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con.

Khuyến khích con mời bạn bè đến nhà để có được thông tin thực tế về sự lựa chọn bạn bè của con.

Kết nối với cha mẹ của bạn con để đảm bảo những đứa trẻ đó có gia đình ổn định. Điều này sẽ giúp con không rơi vào tình trạng kết thân với bạn bè xấu, có thể dẫn đến những vấn đề về hành vi không mong muốn.

Tạo môi trường dễ chịu cho con

Trẻ em bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự căng thẳng giữa cha mẹ. Vì vậy người lớn cần hạn chế xung đột vợ/chồng cũng như các vấn đề khác trong gia đình.

Đừng tranh cãi gay gắt trước mặt trẻ vì điều đó có thể gây bất lợi cho chúng – làm tổn hại đến tính cách và ảnh hưởng đến điểm số của chúng. Môi trường gia đình không hạnh phúc có thể khiến đứa trẻ bị tổn thương suốt đời.

Yêu vô điều kiện

Con nên biết rằng, bạn yêu thương chúng vô điều kiện. Điều này mang lại cho chúng sự tự tin để thảo luận mọi thứ với bạn mà không sợ hãi hay xấu hổ.

Cha mẹ phải nhận thức rằng con mình là một cá thể và phải tôn trọng cá tính đó. Cha mẹ có thể ảnh hưởng đến con, nhưng không bao giờ nên ép buộc chúng lựa chọn.

Cha mẹ cần giải thích những ưu và nhược điểm của mọi việc, nhưng hãy học cách chấp nhận lựa chọn của trẻ.

Đặt ra quy tắc

Khi trở thành bạn bè, cha mẹ và con cái sẽ làm mọi việc cùng nhau và thấu hiểu nhau. (Ảnh: ITN).

Các quy tắc rất quan trọng và cần được tuân thủ mọi lúc. Tuy nhiên, hãy thực tế khi đưa ra các quy tắc trong gia đình. Yêu cầu trẻ lập thời gian biểu cho việc học tập và hoạt động giải trí. Dạy chúng tuân theo thời gian biểu bằng cách thực thi các hình phạt nghiêm khắc.

Chẳng hạn, không có trò chơi trên máy tính nếu chúng không dọn dẹp phòng riêng. Không có pizza vào cuối tuần nếu chúng không ăn hết rau.

Phê bình mang tính xây dựng

Mỗi đứa trẻ đều trải qua giai đoạn sai lầm, thất bại, vấp ngã, mất tự tin, đối mặt với nỗi sợ hãi, nhưng đôi khi chúng cũng đạt được thành công. Với tư cách là cha mẹ, hãy đưa ra cái nhìn khách quan, gạt bỏ cảm xúc của mình sang một bên.

Công việc của bạn là hướng dẫn trẻ và bạn có thể làm điều này thông qua những lời phê bình mang tính xây dựng. Những gì bạn nói với trẻ không nên gây tổn thương.

Đừng bao giờ để đứa trẻ cảm thấy rằng chúng kém cỏi hơn chỉ vì một thất bại hoặc sai lầm trong phán đoán. Phê bình nhằm mục đích giúp trẻ tìm ra giải pháp, giúp trẻ hiểu được lỗi lầm của mình và học hỏi từ chúng.

Cho con thời gian

Thời gian là món quà lớn nhất bạn có thể tặng cho con mình, thời gian chất lượng bên cha mẹ có thể giúp con định hình cuộc sống. Hãy dành những ngày cuối tuần rảnh rỗi để ở bên con, hãy lắng nghe khi trẻ có điều gì đó muốn nói.

Theo Giáo dục & Thời đại

Xem thêm:

Nên đọc