Cần trang bị kỹ năng gì cho con khi chúng ở nhà một mình?
Phunuduongthoi.vn – Cần dạy trẻ những kiến thức cần thiết giúp chúng biết đề phòng nguy hiểm khi ở nhà một mình.
Trước khi để con ở nhà một mình, cha mẹ cần trả lời một số câu hỏi như: Trẻ đã đủ lớn để ở nhà một mình chưa? Trẻ có thể nói chuyện, gọi điện thoại, tự mở – khóa cửa và nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm không? Trẻ có thể tự sơ cứu khi bị thương không?
Cần cân nhắc
Trong cuộc sống thường nhật, cha mẹ không phải lúc nào cũng bên cạnh con mình 24/24 giờ để chăm sóc, theo dõi. Sẽ có những lúc con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Con ở độ tuổi nào thì có thể ở nhà một mình?
Theo các chuyên gia, thực tế, không có độ tuổi rõ ràng để cha mẹ giao cho con nhiệm vụ quan trọng này. Thay vào đó, phụ huynh cần xem xét sự hợp tác của con để có thể hướng dẫn trẻ.
Khi con bắt đầu lên 5 tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn và để trẻ ở nhà trong thời gian ngắn khoảng 10 – 15 phút. Như vậy, trẻ sẽ dần quen với việc không có cha mẹ bên cạnh. Sau đó, dù ở nhà một mình, nhưng trẻ cũng sẽ vẫn biết mình cần làm gì.
Khi trẻ đã lớn hơn, cha mẹ có thể tăng dần thời gian con ở nhà một mình. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn hết vẫn là bảo đảm an toàn cho con trẻ. Việc đôi lúc để trẻ ở nhà một mình có thể khiến cha mẹ có cảm giác lo lắng. Do đó, cần dạy những nguyên tắc giúp bé biết đề phòng nguy hiểm trước khi để bé ở nhà một mình.
Cha mẹ có thể dựa vào 1 trong 8 nguyên tắc sau đây để nhắc nhở trẻ: Không tiếp khách; Không mở cửa cho bất cứ ai; Khóa tất cả các cửa; Không ra khỏi nhà; Chỉ trả lời điện thoại của người nhà; Trường hợp khẩn cấp gọi 113 hoặc bố mẹ; Hòa thuận với anh chị em; Không kể với bất kỳ ai là mình “đang ở nhà một mình”.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu tâm đến việc dạy con các yếu tố an toàn, bao gồm những kỹ năng thoát hiểm.
Kỹ năng trẻ cần biết
Theo Viện Y học Ứng dụng, trước khi để con ở nhà một mình, cha mẹ cần trả lời một số câu hỏi như: Trẻ đã đủ lớn để ở nhà một mình chưa? Trẻ có thể nói chuyện, gọi điện thoại, tự mở – khóa cửa và nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm không? Trẻ có thể tự sơ cứu khi bị thương không?
Khi trẻ bước vào tuổi mầm non, cha mẹ cần hướng dẫn cho con mình các kỹ năng sống quan trọng dưới dạng các bài học, câu chuyện nhỏ hằng ngày.
Cụ thể, cần dạy trẻ sử dụng điện thoại/thiết bị liên lạc để gọi cho người thân trong gia đình và không nhận các cuộc gọi từ người lạ. Số điện thoại của cha mẹ và các đầu số khẩn cấp (113, 114, 115) cũng cần được dán tại vị trí trẻ dễ dàng nhìn thấy.
Trẻ cần biết giữ khoảng cách an toàn với người lạ. Trong trường hợp để con ở nhà một mình, phụ huynh cần dặn các bé tuyệt đối không mở cửa cho người khác khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ.
Ngoài ra, trẻ cần biết kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp có hỏa hoạn, kỹ năng sơ cứu khi bị thương nhẹ. Đồng thời, biết kêu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có thể tin tưởng khi bị tấn công, đe dọa. Trong khi đó, cha mẹ phải loại bỏ các yếu tố nguy hiểm trong nhà. Ngay với trẻ lớn, những vật dụng như ổ điện, bếp, diêm, kéo, dao, thuốc… luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng khi con ở nhà một mình. Cha mẹ cần cho trẻ biết mức độ nguy hiểm của chúng và cất kỹ những vật dụng không cần thiết.
Đối với gia đình ở nhà cao tầng, chung cư, cần lắp đặt rào chắn, lưới an toàn để bảo vệ con khỏi các sự cố đáng tiếc. Cửa kính cần có song sắt ngang, khung chắn để đảm bảo trẻ không bị ngã. Bậu cửa sổ cao tối thiểu 1m, lan can ban công phải cao tối thiểu 1,3m. Nếu nhà ở chưa đảm bảo các yếu tố an toàn trên, cha mẹ không nên để con ở nhà một mình mà không có người trông.
“Với gia đình có lắp camera hoặc hệ thống giám sát, hãy kiểm tra liên tục để có thể kịp thời nhắc nhở trẻ. Phụ huynh cũng nên dặn trẻ gọi điện thoại báo cáo sau khi thực hiện các nhiệm vụ cha mẹ giao như ăn sáng, đánh răng, hoàn thành bài tập… hoặc liên tục theo giờ”, Viện Y học Ứng dụng khuyến cáo.
Cha mẹ cũng cần lưu ý bảo vệ trẻ trên không gian mạng. Trong thời gian ở nhà, trẻ có thể sẽ sử dụng Internet. Nếu không được người lớn giám sát, trẻ rất dễ tiếp xúc với những nội dung độc hại trên mạng.
Phụ huynh cần thống nhất với trẻ các quy định sử dụng Internet phù hợp độ tuổi của con. Cha mẹ, người lớn cũng cần tuyệt đối tránh tư tưởng “trông trẻ” bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi. Hãy tạo cho trẻ một thời gian biểu lành mạnh với các nhiệm vụ như vẽ tranh, đọc sách… Từ đó, giữ trẻ luôn bận rộn, hạn chế thói quen sử dụng thiết bị điện tử không cần thiết.
Phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức trong vấn đề này
Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn cách phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Trong đó, chú trọng các biện pháp truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và huy động xã hội.
Cụ thể, đối với trẻ dưới 1 tuổi nên lồng ghép tư vấn về an toàn vào trong các chương trình chăm sóc trước sinh cho các cặp cha mẹ. Từ đó, để phụ huynh sẵn sàng các kiến thức cũng như chuẩn bị ngôi nhà an toàn cho trẻ trước khi chào đời.
Phòng nguy cơ trẻ có thể bị ngạt khi ngủ, khi ăn uống cũng như khi tắm, chơi các đồ chơi không an toàn. Trẻ có thể bị ngã do trơn trượt hay ngã từ trên cao xuống. Vì vậy, cần phải chống trơn trượt trong nhà, trong buồng tắm, sử dụng các tấm chắn cầu thang. Loại bỏ các nguyên nhân gây bỏng cho trẻ như ngăn cách bé khỏi khu vực nấu ăn, để nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn ủi đang nóng, bật lửa, gas, xăng, cồn đèn, chai lọ đựng hóa chất tẩy rửa, axit.
Đối với trẻ 1 – 4 tuổi, thường xảy ra tai nạn đuối nước, ngã, bỏng, ngộ độc, chấn thương do vật sắc nhọn. Vì vậy, cần có rào chắn xung quanh ao, hồ, chum vại; giám sát trẻ khi tắm trong bồn, bể bơi để phòng ngừa đuối nước.
Đối với trẻ từ 5 – 14 tuổi, cần dạy bé kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với nước, dạy bơi cho trẻ và những kỹ năng an toàn, sơ cấp cứu cơ bản. Cung cấp cho trẻ kiến thức và kỹ năng đi bộ và đi xe đạp an toàn. Giáo dục trẻ cách chăm sóc động vật và tự vệ đối với động vật để tránh bị động vật cắn, tấn công.
Vân Huyền / Giáo Dục & Thời Đại
Xem thêm: