Những sai lầm nuôi dạy khiến trẻ có tính ghen tỵ
Phunuduongthoi.vn – Ghen tỵ là cảm xúc phổ biến ở trẻ em và đó là một trong những thứ khó chịu nhất mà chúng có thể trải qua.
Phản ứng phòng thủ
Ghen tỵ là một phản ứng phòng thủ phức tạp có thể nảy sinh khi một người cảm nhận được mối đe dọa đối với một đối tượng hoặc mối quan hệ có giá trị. Sự ghen tỵ ở trẻ em thường xuất hiện khi tình yêu thương và tình cảm của cha mẹ bị chia cắt bởi sự xuất hiện của anh chị em.
Ngoài ra, trẻ có thể thường xuyên xảy ra bất đồng hoặc đánh nhau nếu ghen tỵ với anh chị em hoặc bạn bè.
Hành vi của cha mẹ có thể là nguyên nhân gây ra sự ghen tỵ trong thời thơ ấu của trẻ. Ví dụ, trẻ em thường mong muốn gây ấn tượng và tìm kiếm sự quan tâm nhiều hơn từ cha mẹ. Một đứa trẻ có thể dần dần nảy sinh tính ghen tỵ nếu cha mẹ luôn quan tâm đến em bé khác hơn.
Điều thú vị là ghen tỵ ở trẻ em thường gắn liền với mẹ nhiều hơn. Bởi, nhiều trẻ nhỏ có xu hướng gần gũi với mẹ hơn.
Nếu cha mẹ nuông chiều trẻ quá mức, bé có thể cảm thấy mình là người không thể khuất phục được khi ở nhà.
Khi một đứa trẻ mới gặp một người bạn mạnh mẽ hơn, chúng sẽ cảm thấy bất an. Trẻ em có thể cảm thấy em bé sơ sinh hoặc người bạn đó là nguyên nhân dẫn đến sự bất an này. Trẻ có thể bị trầm cảm khi không nhận được sự quan tâm như mong muốn. Từ đó, trẻ có thể phát triển mặc cảm tự ti trong tương lai.
Khi được cha mẹ bảo vệ quá mức, trẻ có xu hướng trở nên dè dặt, rụt rè và nhút nhát. Đó cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến sự ghen tỵ khi bé nhìn thấy một đứa trẻ khác tự tin. Kiểm soát quá mức cũng là một sai lầm khác của cha mẹ.
Phương pháp nuôi dạy này làm tăng tính ghen tỵ ở trẻ. Việc cha mẹ đặt ra những nội quy, quy định chặt chẽ mà không giải thích rõ nguyên nhân sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Khi đó, trẻ sẽ lớn lên với sự thiếu tự tin và cảm thấy mình kém cỏi hơn anh chị em hoặc bạn bè.
Một sai lầm nguy hiểm khác của cha mẹ là so sánh con mình với nhau. So sánh chỉ có thể dẫn đến ganh đua và thiếu tự tin. Đứa trẻ cảm thấy bị coi thường có thể bắt đầu thèm muốn sự thành công và vật chất của đứa trẻ kia. Hoặc, thậm chí, trẻ có thể nảy sinh mối hận thù với đứa trẻ còn lại.
Việc bắt trẻ thực hiện cùng một hoạt động và so sánh kết quả của chúng sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các bé. Một đứa trẻ có thể sở hữu kỹ năng kém hơn trẻ kia. Song, việc khăng khăng yêu cầu chúng thực hiện cùng một hoạt động với độ chính xác tương tự có thể là sai, dẫn đến sự ghen tỵ.
Và đôi khi, cha mẹ có thể chú ý đến con nhiều hơn dựa trên thứ tự sinh. Ví dụ, trẻ lớn có thể ghen tỵ với em gái hoặc em trai mới chào đời khi thấy cha mẹ quan tâm đến em nhiều hơn. Khi trẻ sơ sinh chào đời, những đứa trẻ lớn hơn có thể cảm thấy bị “truất ngôi”. Điều này có thể dẫn đến sự ghen tỵ ở trẻ.
Biện pháp đối phó
Trước khi giải quyết tính ghen tỵ của trẻ, cha mẹ hãy chắc chắn rằng mình không đố kỵ với anh chị em, bạn bè, hàng xóm hoặc bất kỳ ai khác.
Cha mẹ chỉ có thể giải quyết sự ghen tỵ ở trẻ một cách hiệu quả, nếu có thể làm gương. Dưới đây là những cách giải quyết tính ghen tỵ ở trẻ:
Biến đố kỵ thành tham vọng
Chuyển sự ghen tỵ của trẻ sang một kênh tích cực là cách làm tuyệt vời để giảm bớt cảm giác tiêu cực ở bé. Ví dụ, nếu trẻ buồn vì bị điểm kém thấp hơn bạn bè, cha mẹ có thể khuyến khích và động viên con học tập chăm chỉ hơn. Như vậy, con sẽ đạt điểm cao hơn ở lần sau.
Một khi bị cuốn vào nỗ lực học tập, trẻ sẽ không tập trung vào việc làm thế nào để vượt qua ai đó. Khi đó, trẻ sẽ chuyển sự tập trung của mình đi đúng hướng. Đồng thời, có thể tự động vượt qua cảm giác thiếu thốn.
Hãy lắng nghe
Trong hầu hết các trường hợp, hành vi ghen tỵ và đố kỵ đều bắt nguồn từ sâu bên trong. Trẻ có một vấn đề hoặc mối quan ngại cụ thể đằng sau hành vi đó. Do đó, cha mẹ cần nói chuyện với con để biết lý do tại sao chúng thể hiện thái độ tiêu cực với một người cụ thể hoặc bất bình về tình huống nào đó.
Sau đó, hãy lắng nghe trẻ. Có thể có những trường hợp trẻ có lòng tự trọng và sự tự tin thấp hơn. Trẻ có thể không đủ chắc chắn về những mặt tích cực của mình. Điều này có thể khiến trẻ bộc lộ sự ghen tỵ với người khác.
Đọc các tác phẩm kinh điển
Những câu chuyện và truyện ngụ ngôn cổ điển có nhiều thông điệp đạo đức được truyền tải. Ngay cả khi cha mẹ không nhấn mạnh điều đó, trẻ cũng sẽ học được từ các tác phẩm này trong những giai đoạn phát triển quan trọng.
Hãy biến việc đọc sách trước khi đi ngủ thành thói quen hằng ngày của trẻ. Cha mẹ cũng nên tặng trẻ những cuốn sách về đạo đức nói tới các phẩm chất tốt. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng, việc ghen tỵ là không nên.
Giải thích bằng ví dụ
Một mẹo hay khác để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có cảm xúc tích cực với mọi người là lấy bản thân làm gương. Cha mẹ hãy khen ngợi người khác vì khiếu hài hước, hành vi tốt hoặc bất kỳ phẩm chất nào khác mà họ có. Quan trọng là cha mẹ hãy thoải mái khen ngợi như vậy trước mặt trẻ.
Dạy con tầm quan trọng của việc chia sẻ
Một số trẻ em có xu hướng ác cảm với những đứa trẻ khác mà không có lý do. Nếu đúng như vậy, cha mẹ hãy dạy cho trẻ tầm quan trọng của việc chia sẻ và quan tâm. Điều này sẽ giúp trẻ loại bỏ mọi bất an. Sớm hay muộn, phụ huynh sẽ thấy con mình thích thú khi ở bên một đứa trẻ mà chúng từng ghen tỵ.
Yêu con
Các chuyên gia nhấn mạnh, trẻ cần tất cả tình yêu và tình cảm trong giai đoạn này của cuộc đời. Cho dù lý do là gì đi chăng nữa, thì sự hướng dẫn của cha mẹ, cùng với tình yêu thương và sự quan tâm, luôn có thể khắc phục mọi thứ và khiến trẻ đi đúng hướng nhanh hơn.
Phụ huynh tuyệt đối không nên so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ khác. Bởi, điều đó làm mất giá trị của trẻ. Những so sánh như vậy sẽ khiến trẻ kết luận rằng: “Họ tốt hơn con”. Cách làm này sẽ không giúp trẻ học tập chăm chỉ hơn. Thay vào đó, việc so sánh sẽ khơi dậy sự oán giận trong trẻ.
Nuôi dưỡng sức mạnh riêng của mỗi đứa trẻ
Mọi đứa trẻ đều thích nghe cha mẹ nói về điểm mạnh của mình. Hành động này sẽ nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ. Sẽ tốt nhất nếu phụ huynh bồi dưỡng cho mỗi đứa trẻ một thế mạnh riêng về sở thích và tính khí.
Ví dụ, trong gia đình có 2 anh em, cha mẹ có thể yêu cầu cả hai con nói những lời ngưỡng mộ về nhau. Nhờ đó, trẻ sẽ biết điểm mạnh riêng của bản thân là gì.
Củng cố hành vi hợp tác
Đó là một trong những cách đơn giản nhất để loại bỏ tính ghen tỵ ở trẻ. Khi đó, cha mẹ sẽ “nhào nặn” trẻ theo cách để con hỗ trợ lẫn nhau. Hãy cho trẻ những khoảnh khắc để chia sẻ, giúp đỡ, làm việc cùng nhau. Khi đó, cha mẹ hãy đánh giá cao những nỗ lực của trẻ. Trẻ sẽ lặp lại những hành vi này khi nhận ra rằng, cha mẹ muốn con làm như vậy.
Vì vậy, nếu thấy con mình ghen tỵ vì điểm tốt của bạn cùng lớp hoặc vì anh trai của chúng vừa có một chiếc xe đạp mới, cha mẹ hãy ngồi cùng con. Sau đó, nhắc nhở trẻ về những trường hợp đạt được điều gì đó trong cuộc sống và khen thưởng vì điều đó. Sự tham gia của cha mẹ sẽ tạo nên sự khác biệt lớn đối với trẻ.
Nếu đứa trẻ không học cách đối phó với sự ghen tỵ,, cảm giác này sẽ theo chúng đến khi trưởng thành, và điều đó sẽ trở thành rào cản khi trẻ xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.
Việc không kiểm soát cảm giác ghen tỵ sẽ tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho chứng rối loạn tâm thần.
Nếu nhận thấy một đứa trẻ ghen tỵ với bạn bè, bố, anh chị em của chúng hoặc người khác, phụ huynh tuyệt đối không nên bỏ qua điều này. Điều quan trọng là cha mẹ không nên mong đợi vấn đề sẽ tự biến mất. Bởi, thực tế, ghen tỵ là tiếng kêu cứu của một đứa trẻ để được giúp đỡ, yêu thương và chú ý.