Ứng xử văn minh với vấn đề bản quyền: Nghệ sĩ nên làm gì để tránh bị kiện tụng?

Trong thời đại hội nhập, tôn trọng bản quyền, xin phép tác giả là thái độ ứng xử đúng đắn và văn minh cần thiết mà các nghệ sĩ bắt buộc phải thích ứng dần, nếu không muốn sa vào lưới kiện tụng.

Các nhạc sĩ đến làm việc với VCPMC. Ảnh: T.L.

Bắt tay với đơn vị bảo hộ bản quyền

Việt Nam đã là thành viên của Công ước Berne (có hiệu lực tại Việt Nam từ năm 2004) và ký kết các Hiệp định liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, trong đó có các Hiệp định song phương với Hoa Kỳ nên các cam kết quốc tế cần phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc.

Để tránh rủi ro pháp lý liên quan đến vấn đề bản quyền âm nhạc, đặc biệt là vấn đề bồi thường nặng nề và mệt mỏi khi có kiện tụng xảy ra, Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khuyến cáo đến các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm, bản ghi cần tôn trọng bản quyền và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm âm nhạc nước ngoài trên nhiều lĩnh vực đã làm việc với VCPMC để thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật.

Với tư cách là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc duy nhất tại Việt Nam, thành viên chính thức của Liên minh quốc tế CISAC (với 239 tổ chức thành viên đại diện cho hơn 4 triệu chủ sở hữu quyền tác giả), VCPMC hiện đang là đại diện được ủy quyền của gần 4.000 tác giả Việt Nam và ký kết ủy quyền song phương với trên 70 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản âm nhạc có phạm vi điều chỉnh trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tránh lợi dụng kẽ hở pháp luật

Liên quan đến rất nhiều vi phạm về quyền tác giả ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thời gian vừa qua là hiện tượng vẫn sử dụng “Đơn cam kết” dù mẫu đơn này đã được bãi bỏ theo Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL ngày 19.10.2016. Phi lý ở chỗ, người sử dụng tác phẩm chỉ cần cam kết với cơ quan cấp phép chứ không cam kết với chủ sở hữu quyền tác giả. Điều bất cập hơn nữa là mẫu đơn này cho đến nay vẫn được các đơn vị tổ chức biểu diễn sử dụng để nộp hồ sơ đề nghị cấp phép.

Về vấn đề này, VCPMC đã gửi báo cáo đến Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền Tác giả, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các Sở VHTT Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… đồng thời đã báo cáo Liên minh CISAC và các tổ chức bản quyền quốc tế, nhằm góp phần hạn chế tình trạng vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đang ngày càng tràn lan, tinh vi và đầy thách thức.

Điều thứ hai là sự bất cập về chính sách pháp luật, bất lợi cho các tác giả. Theo ông Đinh Trung Cẩn – Giám đốc VCPMC thì vừa qua có một số dự thảo, phương án liên quan đến chính sách pháp luật về quyền tác giả được đưa ra, nếu được áp dụng hoặc thông qua sẽ gây bất lợi nghiêm trọng cho tác giả. Chẳng hạn, tại bản dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL có nội dung bãi bỏ điều kiện về thực hiện quyền tác giả trong thủ tục cấp phép biểu diễn nghệ thuật và kinh doanh, lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Hay tại phương án xây dựng nghị định mới về biểu diễn có nêu phương án cắt giảm điều kiện hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả trong thủ tục cấp giấy phép biểu diễn và giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Điều này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng tăng. Và nhà nước nên có những biện pháp hữu hiệu để giúp nghệ sĩ thực thi bản quyền tự nguyện, thay vì tạo những kẽ hở về pháp lý dễ dẫn đến những vụ kiện tụng quốc tế.

Trong trường hợp vi phạm bản quyền, nếu các bên có thiện chí, hướng đến thỏa thuận để giải quyết ổn thỏa, hài hòa về lợi ích thì quá trình hòa giải, giải quyết tranh chấp sẽ thuận lợi hơn. Điển hình là trường hợp của ca sĩ Bảo Anh, sau khi phạm lỗi đã trực tiếp xin lỗi tác giả, đồng thời bỏ 100 triệu đồng để mua tác quyền 2 đoạn nhạc nền.

Theo Lao Động

Nên đọc