Ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ và những phong tục bạn nên biết

Phunuduongthoi.vn – Gửi gắm nhiều quan niệm dân gian về một ngày có thể diệt được các loại sâu bọ, ký sinh trùng trong cơ thể, mở đầu cho những điều tốt đẹp, mùa màng bội thu, Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ được nhiều gia đình chờ đón hàng năm.

“Tháng tư đong đậu nấu chè 

Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”

Câu ca dao cổ này thường được nhắc đến mỗi dịp tháng 5 âm lịch, để nói về Tết Đoan Ngọ, một trong những ngày Tết được nhiều gia đình chờ đón ở Việt Nam. 

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tết giết sâu bọ”. Ảnh: Nương Bắc
Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Đoan Ngọ. Bạn đã biết gì về ngày Tết này? 

Đây là một ngày Tết truyền thống dựa trên văn hóa – tín ngưỡng dân gian phương Đông nhằm đánh dấu một giai đoạn mới mở đầu cho những điều tốt đẹp, cầu cho mùa màng bội thu, sinh nhai thuận lợi. 

Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết Đoan dương, được tổ chức vào ngày mùng 5/5 âm lịch. Theo lý giải của người xưa, Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa, dương là mặt trời. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa, lúc mặt trời rực rỡ nhất.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tết giết sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Trong tâm thức của người Việt, Tết Đoan Ngọ là Tết quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên Đán, vì “Tết giết sâu bọ” có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân. Do vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng có thu xếp để về sum họp.  

Tết Đoan Ngọ diễn ra tháng 5 cùng lúc với việc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa. Đây là thời gian người dân làm lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng mùa vụ thành công nên còn gọi là tết nửa năm (tết giữa năm). Ảnh: Nương Bắc
Những tục lệ trong ngày Tết Đoan Ngọ

Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Bà Lê Thị Quý (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết, từ khi bà sinh ra và lớn lên, những làng quê vùng Bắc Bộ như gia đình bà rất coi trọng ngày Tết Đoan Ngọ và tiếp tục gìn giữ nếp xưa duy trì nhiều tục lệ để cầu mong sức khỏe, may mắn, mùa màng bội thu. 

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, các gia đình, đặc biệt là ở những làng quê thường tiến hành những tục lệ như: Tục chiết sâu bọ; Tục nhuộm móng chân – móng tay; Tục tắm nước lá mùi, xông lá thơm; Tục khảo cây lấy quả; Tục hái thuốc vào giờ Ngọ…

Ẩm thực trong ngày Tết Đoan Ngọ

Trong quan niệm dân gian của người Việt, cơ thể con người có những loại sâu bộ (ký sinh trùng, vi khuẩn) sống ký sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hằng năm, vào ngày mồng 5 tháng 5 chúng mới ngoi lên, là dịp tốt để trừ khử. Ngày này, các gia đình thường ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, để diệt sâu bọ.

Trong ngày này, các gia đình thường chuẩn bị món rượu nếp để diệt sâu bọ.

Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì diệt sâu bọ rất hiệu nghiệm. Rượu nếp được làm từ xôi còn nguyên hạt, lên men, còn gọi là “cái”. Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và nếp cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thùng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này

Cùng với rượu nếp, trong các gia đình còn có bánh tro hay còn gọi là bánh gio, bánh ú tro. Bánh có tên gọi như vậy vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Bánh tro vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu, được dùng để giải nhiệt và là món không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Hoa quả, dặc biệt là những loại có vị chua, chát cũng là những món đồ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương. Ví dụ như người miền Nam có bánh ú nước tro, bánh bá trạng; người miền Trung không thể thiếu món vịt…

Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, các gia đình chuẩn bị  các đồ ăn, vật phẩm dịp Tết Đoan Ngọ để dâng lên tổ tiên với tấm lòng thành kính và sau đó thưởng thức, với quan niệm, ngày Tết Đoan Ngọ sẽ mang đến sức khỏe và những điều tốt lành.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem thêm:

Nên đọc