Ý nghĩa tên gọi những loại bánh truyền thống của người Việt

Phunuduongthoi.vn – Các loại bánh truyền thống đều ít nhiều nhắn nhủ các quan niệm, phương châm sâu xa ẩn sau tên gọi và cách làm. Điều đó làm nên sự đậm đà, giàu bản sắc cho nền văn hoá ẩm thực Việt.

Bánh tét

Bánh tét (có nơi còn gọi bánh đòn) là một loại bánh đặc trưng của người miền Nam, từ lâu đã được xem là có nhiều nét tương đồng với chiếc bánh chưng của miền Bắc. Cái tên bánh tét cũng gắn liền với lịch sử hình thành lâu đời của nó, được bắt nguồn từ chữ “bánh Tết” mà ra.

Về sau vì tính chất vùng miền, bánh Tết được đọc trại thành “bánh tét”. Cũng có lý giải khác cho rằng “tét” là một từ ngữ của người Nam Bộ, mang hàm nghĩa là một hành động “cắt”. Mỗi khi ăn loại bánh này, người ta sẽ dùng những sợi dây gói “tét” phần bánh đã lột thành từng khoanh nhỏ cho vừa ăn.

Bánh gio

Tên gọi của bánh gio xuất phát từ phụ liệu cốt yếu làm nên món bánh này: nước tro. Từ “tro” được người xưa đọc trại thành “gio”. Người làm bánh gio sẽ đốt các loại thảo mộc, dược liệu thành tro, vò mịn rồi đem lọc lấy nước tro màu vàng nâu. Nước tro sử dụng để ngâm gạo làm bánh và đồng thời là nước luộc bánh. Gạo để làm bánh gio là gạo nếp ngon.

Bánh ít

Cái tên “bánh ít” có lịch sử hết sức lâu đời. Tương truyền, vua Hùng thứ 6 có một cô con gái út rất khéo léo trong chuyện bếp núc. Chiếc bánh ít được tạo ra khi nàng Út lấy bánh dày bọc lấy phần nhân của bánh chưng, sau đó gói lại bằng lá với kích thước nhỏ hơn để tỏ ý khiêm nhường với bậc con út mà nàng đảm nhận.

Để phân biệt với bánh của chàng Lang Liêu, cũng là tỏ lòng ngợi ca nàng Út nên nhiều người đã gọi bánh này bằng cái tên “bánh nàng út ít”. Theo dòng chảy của thời gian, tên gọi của nó cũng được rút ngắn thành “bánh ít” như ngày nay.

Bánh rế

Có tên gọi “bánh rế” là do món bánh này có hình dạng rất giống với cái rế mà người ta thường dùng để lót nồi. Loại bánh này được làm từ khoai lang bào sợi chiên giòn và rưới qua một lớp áo đường nấu chảy. Khi ăn, bánh rế hấp dẫn người ta bởi hương vị thơm ngon từ khoai lang, kết hợp với vị ngọt của đường, giòn giòn cực hấp dẫn.

Bánh hỏi

Nhiều người thường thắc mắc không biết bánh hỏi có từ khi nào và tại sao người ta lại đặt tên là bánh hỏi. Theo người Bình Định, món này đã có từ rất lâu đời. Cũng là thứ bánh làm từ bột gạo như nhiều loại bánh truyền thống khác, nhưng thứ bánh hỏi của Bình Định trông vẫn cứ là lạ.

Lúc đầu mới làm ra loại bánh này, ai thấy cũng… hỏi xem là thứ bánh gì. Cái tên bánh hỏi có lẽ cũng được ra đời từ đó! Còn theo nhiều chuyên gia ẩm thực, bánh hỏi chính là biến thể của bún tươi. Người dân đất võ thấy sợi bún lớn nên đã làm cho sợi bún nhỏ lại, từ đó tạo ra món bánh hỏi.

Bánh xèo

Bánh xèo là loại bánh quá quen thuộc đối với người Việt, nổi bật với lớp vỏ vàng ruộm cùng nhân tôm thịt, giá đỗ. Khi ăn, chúng thường được cuốn cùng bánh tráng và các loại rau xanh, sau đó chấm với nước mắm chua ngọt. Khi đổ bánh vào chảo, bột chín kêu “xèo xèo” nên người dân cũng lấy đặc điểm ấy đặt luôn cho tên bánh.

Theo Trí thức trẻ

Xem thêm:

Nên đọc