19 tuổi mắc ung thư giai đoạn cuối: Lời cảnh tỉnh về đồ nướng
Thông tin về cô gái 19 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối do sở thích ăn đồ nướng hàng ngày khiến nhiều người lo lắng. Liệu đồ nướng có thật sự gây ung thư?
Vì sao 19 tuổi đã bị ung thư?
Tiểu Văn là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Vì yêu thích món nướng nên hầu như ngày nào cô cũng ăn, có khi còn biến nó thành món ăn chính.
Hàng ngày, sau khi tan học cô đều ghé vào quán nướng để thưởng thức món ăn mình yêu thích, khi thì đi cùng nhóm bạn, khi thì đi một mình.Có những hôm, Tiểu Văn còn không ăn cơm mà chỉ ăn đồ nướng, coi nó như là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày.
Một hôm Tiểu Văn phát hiện bụng của mình tự nhiên to ra, giống như mang thai, điều này khiến cô vô cùng hoảng sợ. Cô liền đến bệnh viện kiểm tra và phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối mà nguyên nhân gây ra chính là đồ nướng.
Bác sĩ khám cho Tiểu Văn cảnh báo, đồ nướng ẩn chứa nguy cơ gây ung thư, nên hạn chế ăn đồ nướng hoặc tốt nhất không ăn.
Vì sao nói đồ nướng là nguyên nhân gây ung thư?
Nói cho cùng, ung thư hết thảy đều từ cái miệng mà ra. Bác sĩ của Tiểu Văn cho biết: “Phần lớn đồ nướng đều là các loại thịt, trước khi nướng còn được tẩm ướp nhiều gia vị. Quá trình này sẽ tạo ra chất nitrosamine và các chất khác, chất nitrosamine là một loại chất chắc chắn gây ung thư.
Ngoài ra quá trình nướng sẽ khiến dầu tạo ra rất nhiều khói, trong khói có chứa một số lượng lớn các chất gây ung thư mạnh mẽ”.
Càng ngày càng có nhiều người mắc bệnh ung thư hoặc sức khỏe giảm sút với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng món ăn nướng là cái tên được liệt kê vào danh sách “đen” này. Các chuyên gia cảnh báo, dù không phủ nhận sự hấp dẫn của đồ nướng nhưng đây là món ăn có chứa nhiều khả năng gây ung thư.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, hơn 60% những người thích thịt nướng bị ung thư tuyến tụy. Công bố này đã được Hiệp hội Ung thư Mỹ ghi nhận. Các nghiên cứu của Trường ĐH Sức khỏe cộng đồng Minnesota (Mỹ) cho biết, trong 63.000 người có sở thích về đồ nướng tham gia khảo sát thì có 208 người bị ung thư tuyến tụy.
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí y học (Anh), những người già mắt kém có thể bị mù nếu ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo, đặc biệt là thực phẩm được làm chín bằng cách nướng.
Thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể gây tắc nghẽn các động mạch (arteries) và làm tăng nguy cơ đau tim, co thắt dòng máu nuôi dưỡng võng mạc của mắt. Sự thoái hóa thị giác không thể cưỡng lại được xảy ra ở gần 1/4 số người trong độ tuổi 74 tại những nước phát triển – nơi có tỷ lệ người mắc bệnh mù lòa nhiều nhất.
Trong 5 năm nghiên cứu với 261 bệnh nhân, có 46 người là không còn nhìn thấy, nguy cơ gây ra mù lòa sẽ tăng lên gấp đôi ở những người ăn nhiều chất béo được nướng chín.
Dù nướng thực phẩm bằng than hay bằng gas đều có những tác hại đi kèm giống nhau. Nếu dùng gas, khí độc ở gas sẽ không chỉ phát tán ra không khí mà còn bám trực tiếp vào thức ăn. Nếu ăn thường xuyên có thể gây ngộ độc, nhiễm độc hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến chức năng thận, gan hoặc các bộ phận liên quan khác.
Ngoài ra, khi nướng than, việc đốt cháy nhiên liệu sẽ tạo ra khí CO2, là khí gây cản trở quá trình hô hấp. Khí CO2 cũng có thể gây độc nếu tỉ lệ cao hơn ôxy trong không khí gây khó thở.
Thông thường món ăn được chế biến theo cách hấp, luộc, nhiệt độ thường chỉ khoảng 100 độ C, nhưng khi nướng, nhiệt độ có lúc lên đến khoảng 500-650 độ C. Đây là khung nhiệt độ cao đến mức có thể đốt cháy thực phẩm, hoặc tạo điều kiện để sản sinh ra các hợp chất có nguy cơ gây ung thư.
Các chuyên gia nghiên cứu về những tác hại của việc ăn thịt nướng cho biết, nếu ăn các món nướng 1-2 lần/tuần hoặc hít khói đồ nướng trong vòng 10-20 năm, nguy cơ mắc ung thư sẽ rất cao.
Ngoài ra, họ cũng phát hiện ra dấu vết của một số chất hydrocarbon gây ung thư trong những món ăn nướng giàu carbon.
Trong quá trình thịt được nướng có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe như hàm lượng mỡ và cholesterol rất cao gây béo phì, dẫn đến các bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp…
Làm sao để giảm bớt tác hại của đồ nướng?
Tránh tác hại của đồ ăn nướng không có nghĩa là chúng ta từ bỏ món ăn nướng. Sau đây là những lưu ý của chuyên gia giúp bạn giảm thiểu những tác hại của món nướng.
1. Sơ chế thực phẩm trước khi nướng
Luộc hoặc hấp sơ qua thực phẩm bằng bếp thường hoặc lò vi sóng giúp giảm 90% lượng HCAs – một hợp chất có hại cho sức khỏe.
2. Sử dụng thêm sốt cay để ướp thực phẩm
Sốt cay có thể làm giảm sự hình thành HCA, một số loại gia vị có chứa nhiều chất chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ HCAs trong quá trình nướng. Thêm các loại gia vị như húng tây, tỏi… có thể làm giảm lượng HCAs lên đến 60% so với không tẩm ướp.
3. Thêm rượu khi tẩm ướp
Rượu vang đỏ có đầy đủ các chất chống oxy hóa, giúp giảm bớt tác hại của đồ nướng. Nếu ướp thịt bò trong rượu vang đỏ trước khi nướng làm giảm lượng chất gây ung thư đến 40% so với thịt bò không được ướp.
4. Làm sạch vỉ nướng triệt để
PAHs được sinh ra khi nước ép của thịt nhỏ xuống than hoặc các bề mặt nóng khác gây ra khí. Khói có chứa các chất gây ung thư, bám lại vào bề mặt thịt nướng.
Sau khi nướng, nếu dụng cụ nướng không được vệ sinh kĩ càng, các mảng bám còn sót lại dễ dàng tiếp tục tạo khói độc.
5. Giảm nhiệt độ khi nướng
Các nghiên cứu cho rằng nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng HCAs. Vì vậy, nên nướng thịt dưới 325 độ F (khoảng 168 độ C).
6. Nướng thịt cùng với các loại rau củ quả
Rau quả là lựa chọn tuyệt vời khi bạn thích ăn đồ nướng vì chúng vẫn mang hương vị “nướng” nhưng lại không chứa chất gây ung thư. Xen kẽ giữa rau và thịt nướng sẽ giúp bạn cắt giảm bớt lượng HCAs.
7. Hạn chế ướp thịt quá lâu
Một nghiên cứu cho thấy ướp thịt trong nước sốt khoảng 5 tiếng đồng hồ trước khi nướng làm giảm các hoạt động chống oxy hóa trong nước sốt so với đồ ăn được tẩm ướp trong thời gian ngắn hơn.
Ngoài ra, rưới thêm một chút nước sốt vào thịt ngay trước khi thưởng thức có thể tăng thêm chất chống oxy hóa cho món ăn của bạn.
8. Thường xuyên lật qua lật lại các món nướng
Cách này giúp thịt chín đều, tránh cháy sém một phía. Hạn chế thời gian nướng bằng cách thái thực phẩm nhỏ và mỏng.
9. Kỹ thuật nướng và chọn thực phẩm
Hạn chế mỡ chảy xuống nguồn lửa bên dưới bằng cách loại bỏ chất béo của các thực phẩm trước khi nướng.
An toàn nhất là chọn nướng những thực phẩm nạc, không chứa nhiều chất béo.
10. Dùng sốt làm từ chanh và giấm
Nước sốt làm từ giấm và chanh có tác dụng như một “lá chắn vô hình” làm thay đổi nồng độ axit trong thịt, ngăn ngừa phát sinh chất PAHs gây ung thư.
Các loại xốt có đường chỉ nên sử dụng trong khoảng thời gian 1-2 phút trên bàn nướng.
11. Ăn kèm tương cà chua, chất lycopene có trong tương cà chua có hoạt tính chống ung thư và chống ôxy hoá rất tốt, giúp làm giảm tác hại của đồ ăn nướng.
12. Ăn kèm thêm nhiều rau
Không giống như thịt, rau không tạo ra chất gây ung thư khi tiếp xúc với than. Sẽ rất tốt khi sử dụng các món thịt nướng cùng các loại rau sống ăn kèm hoặc các loại củ quả nướng trực tiếp cùng thịt.
Ăn kèm rau cũng làm giảm độ ngấy của món nướng đồng thời giảm thiểu nguy hại cho sức khỏe.
13. Cắt bỏ phần thức ăn bị cháy
Khi ăn món nướng phải loại bỏ hết những phần bị cháy sém vì đó là chỗ chứa nhiều chất độc nhất.
14. Mỗi tuần chỉ nên ăn món nướng không quá 2 lần.
Theo Trí thức trẻ