5 kế hoạch tài chính chị em cần chuẩn bị trước khi bước sang tuổi 40
Phunuduongthoi.vn – Tuổi 40 là giai đoạn bạn đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và có một gia đình hạnh phúc. Nhưng đừng vì vậy mà không có cho mình một kế hoạch tài chính thông minh.
Cuộc đời không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra và làm ảnh hưởng tới khả năng tài chính của bạn. Vì vậy, khi bước sang tuổi 40, bạn cần đặc biệt quan tâm tới những mục tiêu dài hạn bất chấp bạn kiếm được bao nhiêu tiền.
Dưới đây là 5 kế hoạch tài chính bạn có thể tham khảo khi bước vào giai đoạn tuổi 40:
Trả bớt các khoản nợ tài chính cá nhân
Các khoản nợ và lãi suất đi kèm sẽ cướp đi các cơ hội đầu tư, tiết kiệm và quan trọng hơn cả nó sẽ khiến bạn ngày càng khó đạt được mục tiêu tài chính như dự kiến. Chuyên gia tài chính cá nhân Beverly Harzog, tác giả của cuốn sách “Kế hoạch thoát khỏi nợ nần” đưa ra gợi ý như sau:
Nợ nần là một trở ngại lớn đối với nhiều người trước khi đạt được các mục tiêu tài chính cá nhân. Đó là lý do tại sao bạn nên ưu tiên loại bỏ nó.
Lập kế hoạch xóa nợ để giúp bạn trả nợ nhanh hơn. Ví dụ: trong khi thanh toán tối thiểu cho tất cả các tài khoản nợ của bạn, hãy trả thêm bất kỳ khoản tiền nào cho từng khoản nợ tại một thời điểm. Sau khi thanh toán xong một tài khoản nợ, hãy chuyển tất cả số tiền bạn đang trả ở khoản nợ đầu tiên sang khoản nợ tiếp theo và tiếp tục từ đó, tạo ra “hiệu ứng quả cầu tuyết” khi trả nợ.
Một khi bạn hoàn toàn hết nợ, hãy cam kết không mắc nợ lần nữa – trừ khi đó là 1 khoản nợ đầu tư (đòn bẩy tài chính). Để thẻ tín dụng ở nhà có thể là một chiến lược khôn ngoan. Tiết kiệm bố sung quỹ khẩn cấp thường xuyên để trang trải các chi phí phát sinh ngoài dự kiến, để bạn không phải sử dụng thẻ tín dụng chi trả.
Có quỹ dự phòng khẩn cấp
Chỉ có một số ít những người siêu may mắn mới không phải đối mặt với những khoản chi phí bất ngờ như: bị sa thải, ốm nặng… Do vậy, bạn nhất thiết phải xây dựng riêng cho mình một quỹ dự phòng khẩn cấp để đảm bảo tài chính trong ít nhất từ 3 tới 6 tháng và tốt nhất là 1 năm.
Hãy cố gắng dành một khoản cho quỹ dự phòng bằng cách mở một tài khoản tiết kiệm thời hạn ngắn từ 3 đến 9 tháng cùng ngân hàng bạn nhận lương.
Thực chất đây là hình thức nhờ ngân hàng giữ hộ tiền, bạn nên gửi tiết kiệm trong thời hạn ngắn mặc dù lãi suất là khá thấp. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng đây là quỹ dự phòng để giải quyết những bất trắc trong cuộc sống chứ không phải là khoản tiết kiệm.
Đồng thời, khi ký gửi thời hạn ngắn, việc rút tiền để giải quyết cho những vấn đề không may xảy ra cũng dễ dàng hơn.
Hoặc mở một tài khoản tại một ngân hàng để gửi tiền, đóng vai trò là một thẻ ATM và hàng tháng bạn gửi vào đó một số tiền. Khi cần thiết sẽ rút chúng để giải quyết cho những vấn đề phát sinh.
Cách này khá thuận tiện, cần lúc nào có lúc đó. Nhưng nhớ rằng, đây là khoản dự phòng và chỉ sử dụng với đúng mục đích, không sử dụng để chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Mua bảo hiểm
Để phòng trừ các trường hợp xấu xảy ra, hãy tìm một giải pháp bảo vệ những di sản và gia đình của bạn. Lý tưởng nhất thì bạn nên mua bảo hiểm nhân thọ ngay khi còn trẻ và duy trì trong khoảng 20 tới 30 năm.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên nghiên cứu những loại bảo hiểm sức khỏe vì đến một độ tuổi nhất định, chi phí chăm sóc sức khoẻ sẽ vượt qua số tiền bạn tưởng tượng rất nhiều.
Cấp vốn cho kế hoạch nghỉ hưu
Emily Guy Birken, tác giả của cuốn sách “5 năm trước khi nghỉ hưu” đã đưa ra vài con số thống kê đáng sợ như sau:
Một phần ba người Mỹ chỉ có 0$ để nghỉ hưu, 23% trong số những người có tài khoản hưu trí chỉ có dưới 10,000 USD (khoảng 230 triệu đồng). 30% những người đang trong độ tuổi 40, 50 không chuẩn bị tài khoản để nghỉ hưu và 21,9% số khác chỉ để dành được chưa tới 10,000 USD.
Theo Emily Guy Birken, bạn cần lên kế hoạch hưu trí càng nhanh càng tốt và tăng dần số tiền tiết kiệm bởi thời gian không đợi chờ ai. Hãy tự hỏi mình nếu hiện tại mình không thể để dành được bất cứ xu nào thì điều gì khiến bạn tự tin rằng bạn sẽ tiết kiệm được khi mà sức khỏe bạn đã bị hao mòn.
Kiểm soát chi tiêu
Hãy thử những cách hữu hiệu sau để làm chủ đồng tiền của mình:
- Theo dõi chi tiêu:
Ghi chép hoặc sử dụng các phần mềm hỗ trợ kiểm soát tài chính. Bạn sẽ bị giật mình bởi số tiền mình bỏ ra cho thức ăn hoặc mua sắm đấy. Ngoài ra, hãy dành thời gian để đọc báo cáo ngân hàng, thẻ tín dụng, hóa đơn điện nước một cách cẩn thận để tránh các sai sót trong thanh toán.
- Xây dựng ngân sách chi tiêu hợp lý:
Chi cho những vấn đề thiết yếu trước tiên như thực phẩm, điện nước, nơi ở và các khoản nợ cần thanh toán. Sau đó là dành một khoản nhất định cho quỹ hưu trí.
- Cân nhắc trước khi mua hàng:
Hãy luôn tự hỏi liệu nó có thật sự cần thiết hay không? Nếu bạn thực sự cần và muốn một món đồ nào đó, hãy tìm cách sở hữu nó với giá rẻ nhất như: mượn, cho thuê nó hoặc sử dụng các trang web so sánh giá để tìm nơi bán hợp lý nhất. Dần dần cách này sẽ giúp bạn tự hạn chế những nhu cầu mua sắm ngẫu hứng của chính mình. Bạn không cần phải từ bỏ mọi nhu cầu hay mong muốn của mình, bạn chỉ cần giới hạn nó ở mức hợp lý. Nó sẽ tạo nền móng cho sự an toàn tài chính của bạn.
Nếu bạn đang bị quá tải với những chi phí hiện tại và cho rằng tuổi già, việc nghỉ hưu là vấn đề tương lai, thì hãy dừng suy nghĩ này lại. Tương lai tới nhanh hơn bạn nghĩ rất nhiều. Bạn sẽ ra sao nếu không có bất cứ sự chuẩn bị nào trong tay?
Theo Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: