TP. Hồ Chí Minh có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường cuối năm?

Hoạt động của ngành công thương thành phố từ đầu năm đến nay vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, từ nay đến cuối năm thị trường vẫn tiếp tục được kiểm soát và các doanh nhiệp (DN) cam kết cung ứng đủ hàng cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phương Đông – Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – đánh giá về kết quả hoạt động của ngành công thương thành phố trong 9 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm 2019 tại buổi họp báo tổ chức chiều ngày 18/10.

Theo ông Đông, mặc dù thị trường có nhiều diễn biến tương đối phức tạp nhưng hoạt động của ngành công thương thành phố vẫn giữ được sự ổn định, nhiều lĩnh vực công nghiệp, thương mại vẫn giữ được đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 9 tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 12,6% so với tháng 9/2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng 7,3%, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 7,5% so cùng kỳ.

Đối với bốn ngành công nghiệp trọng yếu, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2019 tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành điện tử tăng 22,5%; ngành cơ khí tăng 8,6%; ngành hóa dược tăng 1,0%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 0,7% so cùng kỳ. Đáng lưu ý, ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 18,3%) do các DN thường xuyên ứng dụng và đổi mới công nghệ; các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao (chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử,…) luôn có thị trường tiêu thụ ổn định.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 9 đạt khoảng 97.314 tỷ đồng, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 12,3% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 845.339 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,8%). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 31,03 tỷ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm đạt 37,3 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ. Với vai trò kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, ngành dịch vụ phân phối đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng GRDP; Thương mại điện tử có ảnh hưởng mạnh mẽ (nhất là lĩnh vực bán lẻ), góp phần khai thác, phát triển các nguồn hàng đảm bảo cung ứng hàng hóa; cũng như đảm bảo doanh thu bán lẻ trên địa bàn (chiếm 18% GRDP) tăng trưởng ổn định.

Về nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trên thị trường, nhất là trong 3 tháng cuối năm 2019. Ông Võ Lê Bích Đồng – Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – cho biết, từ đầu năm đến nay thị trường hàng hoá của thành phố diễn ra ổn định, hàng hoá dồi dào, giá cả không tăng và sẽ bình ổn cho đến cuối năm. Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và Tết Canh Tý năm 2020, thành phố hiện có 2.651 cửa hàng tiện lợi, tăng trên 200 cửa hàng so cuối năm 2018; đã phát triển được 4.209 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường, tăng 82 điểm bán so với năm ngoái. Ngành công thương đảm bảo giá bán hàng bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện cơ chế điều chỉnh linh hoạt; các mặt hàng lương thực, thực phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5% đến 10%; các mặt hàng mùa khai trường thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10% đến 15%; các mặt hàng dược phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5% đến 10%; riêng các mặt hàng sữa, DN kê khai giá và cam kết bán đúng giá quy định.

Đối với mặt hàng thịt heo, ông Đồng thông tin, lượng heo về các chợ đầu mối hiện nay có sụt giảm chút ít so với trước khi dịch tả heo châu Phi xẩy ra (bình quân 10.000 con heo/ngày), nhưng chưa xẩy ra tình trạng khan hiếm. Hiện tại giá heo hơi đã giảm còn 55.000-58.000 đồng/kg, thấp hơn mấy ngày trước đó 2.000-4.000 đồng/kg nhưng thị trường vẫn diễn ra cung – cầu ổn định, do nhu cầu tiêu thụ thịt heo không tăng, một phần giá thịt tăng cao nên nhu cầu giảm. Trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, theo ông Đồng, thịt heo có thể tăng giá nhưng mức tăng không cao, không đến mức khan hàng và sốt giá, lý do các kịch bản như tăng chăn nuôi, dùng thực phẩm khác (bò, gà, hải sản ) thay thế thịt heo, nhập khẩu thực phẩm mà nhiều DN đã hoạch định sẽ đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường.

Từ nay đến cuối năm, ông Đông cho biết, ngành công thương thành phố sẽ thực hiện quyết liệt Kế hoạch “Năm 2019 – Năm đột phá về cải cách hành chính”, hỗ trợ DN mở rộng và phát triển thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại cuối năm 2019. Tổ chức “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan” năm 2019 từ ngày 6/11 – 9/11/2019 tại Big C Super Center, Trung tân thành phố Bangkok với sự tham gia của 80 DN với 120 gian hàng; tổ chức “Ngày hội hàng Việt Nam tại Melbourne, Úc” từ ngày 24/11 – 28/11/2019 tại thành phố Melbourne – Australia với sự tham gia của 50 DN thực hiện 50 gian hàng; triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF) từ ngày 11 – 14/12/2019 tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Sài Gòn với sự tham gia của 150 gian hàng; Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng, chủ đề “Sự kiện kết nối các hình thức khuyến mại” từ ngày 27/12 – 01/01/2020 với quy mô khoảng 500 gian hàng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cân đối cung – cầu hàng hóa thiết yếu thông qua triển khai các Chương trình bình ổn thị trường; triển khai bám sát các kịch bản cung ứng nguồn thịt heo và các sản phẩm liên quan nhằm ứng phó trước tình hình dịch tả heo châu Phi. Đôn đốc DN bình ổn thị trường đảm bảo cung ứng đạt, vượt kế hoạch thành phố giao trong mọi tình huống thị trường, đảm bảo nguồn hàng, giữ giá ổn định phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Từ đầu năm đến nay, ngành công thương thành phố đã triển khai thực hiện 58/107 dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận 49.383/54.662 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ giải quyết trực tuyến là 90,34%;thực hiện nghiêm túc việc đánh giá hài lòng khách hàng với tỷ lệ hài lòng đạt 99,79%.

Thế Vinh

Báo Công Thương

Nên đọc