Nỗi đau của người đàn bà 23 năm nuôi em trong cũi sắt
“Mình khổ đã đành, tôi thương cậu ấy lắm. Như người ta thì giờ cậu ấy phải có cháu bế rồi. Ngày bố mẹ tôi qua đời, canh cánh nỗi lo về cậu, dặn dò chúng tôi chăm nom cẩn thận…”
Cuộc tình tan vỡ…
Đó là những lời tâm sự của bà Vũ Thị Thuận (67 tuổi, thôn Nam Sơn, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Người em trai mắc bệnh tâm thần mà bà đang trông nom là ông Vũ Văn Hiến (54 tuổi).
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Thuận cho biết, năm 1984, ông Hiến vào Tây Nguyên làm kinh tế. Đến năm 1988, ông về nhà một thời gian thì phát bệnh tâm thần. Trước đó, người làng trên xóm dưới đều ngưỡng mộ, vui mừng cho bố mẹ bà vì sinh được cậu con trai chịu khó làm lụng, hiền lành như cục đất.
Bà Thuận giọng chùng xuống khi nhớ lại khoảng thời gian ông Hiến vừa phát bệnh. Ngày đó, mặt ông trở nên hung dữ, ăn uống nhồm nhoàm, liên tục chửi bới rồi nói những câu tục tĩu. Những ngày đầu, ngoài việc chạy đưa đi khám khắp nơi, gia đình bà còn xem thầy nọ, bà kia vì sợ bị bỏ bùa.
Hằng ngày, bà Thuận đưa cơm cho ông Hiến. Ảnh: Ngọc Thi
“Nghe bảo thời làm ăn kinh tế trong kia cậu Hiến có yêu một cô gái trong kia nhưng không đến được với nhau. Tôi thì nghĩ đó là lý do khiến cậu ấy buồn phiền đâm ra dở hơi. Còn bố mẹ tôi thời đó thì nghĩ cậu ấy bị bỏ bùa”, bà Thuận cho biết.
Gia đình bà đưa ông Hiến lên Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình để chữa trị thì ông bỏ về. Về nhà thì cũng thường xuyên đi lang thang, ở nhà thì đập phá đồ đạc, chửi bới, thậm chí đánh bà con hàng xóm.
Ngày đó, với các thành viên trong gia đình bà, ông Hiến mắc bệnh là một cú sốc lớn. Cũng vì lý do đó mà bố bà đau buồn rồi qua đời sớm. Ngày ấy, ông Hiến đi đâu ai cũng sợ, tránh xa, nhất là những cô gái trẻ. Bởi khi gặp các cô gái trẻ ông Hiến hay chạy lại ôm.
23 năm, qua ông Hiến ăn uống, sinh hoạt trong chiếc cũi sắt này. Ảnh: Ngọc Thi
Cũng thời gian đầu, nhiều người đến phàn nàn về những nguy hại mà ông Hiến gây ra với gia đình họ. Những lúc như vậy gia đình bà chỉ biết giải thích, khốn khổ nói về bệnh tật của ông. Có lần ông cắn nát tay người, nhưng rồi hàng xóm cũng hiểu, không còn chấp với người bệnh.
Mong muốn bệnh con khỏi, của cải giá trị trong nhà đội nón ra đi. Người mẹ của ông đã khóc hết nước mắt khi chứng kiến cậu con trai đang là trụ cột trong nhà trở thành gánh nặng.
… và sống trong cũi sắt
Bà Thuận bảo, bệnh ông Hiến có lúc tỉnh, lúc dở. Mỗi khi lên cơn thì la hét, đọc thơ, bình thường thì hỏi gì trả lời đó, không phá hoại gì.
Khi bố bà qua đời, bệnh của ông Hiến nặng thêm, mẹ bà quyết định đóng chiếc cũi sắt nhốt ông vào đó để không đi phá phách, chửi bới, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
“Ngày nhìn em mình bị nhốt trong cũi, sống một cuộc sống không giống người tôi đau lòng lắm. Nhưng với mấy mẹ con tôi lúc đó thực sự không còn cách nào khác. Cậu ấy bị bệnh đến nay cũng đã gần 30 năm thì 23 năm nằm trong cũi sắt”, bà Thuận cho biết.
Hàng ngày, đến bữa là bà cho cơm, thức ăn đến cũi sắt cho ông, vệ sinh cá nhân cũng tại chỗ vì sở hở ra là ông Hiến đi lang thang. Bà Thuận sinh hạ được 2 người con, hàng ngày các con đi làm ăn xa, chỉ có bà ở nhà quán xuyến gia đình. Kinh tế gia đình khó khăn, cả nhà cậy nhờ vào đồng lương công nhân cậu con trai.
Bà Thuận bên chiếc cũi sắt. Ảnh: Ngọc Thi
Bà Thuận bảo, đã từng có thời gian bà cảm thấy mệt mỏi, bất lực, cảm thấy bế tắc đủ bề. “Nhiều khi chỉ muốn chạy trốn đi đâu đó nhưng cứ nghĩ đến cậu ấy thì thấy tội nghiệp. Chả ai muốn như vậy, giờ tôi mà bỏ đi thì ai chăm đây. Bố, mẹ tôi còn sống đã căn dặn chăm sóc, quan tâm chứ không được hắt hủi dù cậu ấy bệnh.
Tôi chỉ sợ sau này mình già không còn đủ sức chăm cho cậu ấy nữa, thôi thì bây giờ chăm được ngày nào hay ngày đó. Tôi vẫn luôn dặn các con sau này chăm sóc cho cậu tốt, tội nghiệp lắm”, bà Thuận cho hay.
Mới đây, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Bình và nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ nên bà đã “tậu” được chiếc cũi sắt mới cho ông Hiến. Hiện tại, ngoài việc thần kinh có vấn đề thì ông Hiến hoàn toàn khỏe mạnh. Theo lời bà Thuận thì ông ăn uống tốt, không bị ốm vặt.
Ngọc Thi