Đàn bà ơi, bình tâm mà nghĩ, đánh ghen được gì?
Những ngày qua dư luận xôn xao về những vụ đánh ghe nghiêm trọng xảy ra, từ Quảng Ninh cho đến Cà Mau. Đó là những câu chuyện toát lên nhiều góc khuất của lòng dạ đàn bà.
Đánh ghen có hả dạ được không?
Khi đọc được những dòng thông tin về chuyện của một người vợ mới đánh ghen với người vợ cũ ở Quảng Ninh, tôi lại tự nhiên thấy xót xa. Cho chính người đàn bà đã hùng hổ dùng bạo lực làm công cụ thỏa mãn tính ích kỷ và hiếu thắng của bản thân. “Vợ mới” đánh ghen với vợ cũ, có lẽ là câu chuyện khá ngược đời trong xã hội. Nó giống như việc chúng ta luôn ích kỷ ghen ghét với quá khứ của người đàn ông của mình, mà sau cùng không chịu nổi, dùng bạo lực để thỏa mãn bản thân. Rồi chúng ta được gì từ việc đó? Là sự hả dạ khi nhìn thấy tình địch của mình bị khuất phục bằng những đòn tay chân. Hay là cách để người đàn ông đang là của bạn phải cảnh tỉnh trước “sự hung hãn” của một người đàn bà ở hiện tại.
Sau cùng, tôi nghĩ là tay trắng. Trắng một cách hoàn toàn từ nhân cách cho đến danh dự của chính bản thân. Tôi có nghe được rằng: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”. Ở một vị thế đi giành giật và phải đấu tranh bằng sự giành giật và ích kỷ khi chà đạp danh dự cũng như thân thể của người khác, tôi chưa bao giờ xem đó là kẻ mạnh.
Dù bằng bất cứ hình thái nào, việc đánh ghen từ trước đến nay vẫn được mặc định là những “cơn say” của đàn bà. Người ta say rượu, còn đàn bà thì say tình. Vì “say” mà trở nên mất kiểm soát, vì say mà chỉ nghĩ đến việc tìm cách trút giận cho hành vi nào đó của một người đàn bà khác. Vì say mà đàn bà cuối cùng lại chà đạp đàn bà để cho biết bao nhiêu người lắc đầu ngán ngẩm. Vui hay không? Khi đáng lẽ ra phụ nữ trước hết phải là những người tôn trọng phụ nữ.
Đàn bà giữ chồng không phải bằng bạo lực
Đừng nói rằng tôi đang bảo vệ những kẻ thứ ba, những người phá vỡ hạnh phúc, những người trơ trẽn trong một mối tình vốn dĩ đã chật chội. Người đi đánh ghen, thường họ nghĩ rằng những người đàn bà bị đánh ghen là đối tượng xứng đáng bị đánh. Không hẳn là như vậy, vì nếu họ thực sự là những người phụ nữ xấu xa và ích kỷ, thì liệu chúng ta dùng sự ích kỷ và thỏa mãn của bản thân để đối đáp lại, có khiến chúng ta ở vị trí cao hơn họ được không?
Đánh ghen đối với phụ nữ, được nhiều hơn là mất. Có những câu chuyện cười ra nước mắt đến nỗi mà sau cùng người đàn ông được tranh giành đã đứng ra bảo vệ nhân tình ngay trong lúc bị đánh ghen. Cảm giác đó còn đau hơn ngàn lần sự thỏa mãn khi sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn tình cảm. Và những người phụ nữ của tôi ơi, khi đi đánh ghen mà chẳng giữ được gì trong lòng bàn tay nữa, thì nỗi đau đó, ai hiểu thấu cho đàn bà.
Đàn bà hiện đại, giữ chồng hiện đại. Chúng ta không vì việc đánh thắng ai đó mà trở nên mạnh mẽ. Chúng ta cũng chẳng thể vì dằn mặt nhân tình mà khiến cho người đàn ông của mình hồi tâm chuyển ý. Vốn dĩ từ ngàn đời xưa đã truyền lại rằng lạt mềm buộc chặt mới là dây trói chồng. Khi người ta đã thay đổi, thì bản thân mình cũng cần tìm một cách tiếp cận phù hợp để giữ cho mình được nhiều nhất có thể. Mà tôi nghĩ rằng trước mỗi cơn chếnh choáng hay uất trước vì tình cảm phản bội, thì điều đầu tiên đàn bà cần giữ chính là sự bình tâm đón nhận.
Hà Thủy