Hầu hết cha mẹ đều bỏ qua sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh mà không ngờ hậu quả này!

Do kiểm tra này không bắt buộc, cũng như không được đề xuất tại tất cả các bệnh viện nên nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua bài kiểm tra quan trọng này.

Khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh: bước quan trọng không thể bỏ qua!

Theo Tổ chức Hearing Foundation của Canada (tổ chức chuyên thúc đẩy nghiên cứu về thính giác) việc kiểm tra sàng lọc thính giác rất quan trọng vì nó sẽ giúp bố mẹ biết bé có bị khiếm thính bẩm sinh hay không.

Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp đáng tiếc là bé đến 2,5 – 3 tuổi mới được phát hiện bị khiếm thính. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát âm, giao tiếp và hòa nhập cuộc sống của bé. Tại Canada, trung bình có 2000 bé sơ sinh mắc bệnh khiếm tính mỗi năm. Các bác sĩ cho biết, nếu bố mẹ khám sàng lọc thính giác cho bé từ khi mới sinh thì dị tật này có thể được phát hiện dễ dàng.

Bác sĩ Selvarani Moodley – Chuyên gia thính học và trị liệu ngữ âm tại tổ chức Hi Hopes cho biết việc kiểm tra thính lực cho bé khi mới chào đời là việc cực kì quan trọng mà bố mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua: “Con người phát triển ngôn ngữ bằng cách nghe. Thính giác là cơ sở để xây dựng kĩ năng cảm xúc – xã hội, kĩ năng nhận thức và sau đó là khả năng đọc hiểu và các kĩ năng học tập”.

Đối tượng trẻ em nào có nguy cơ bị khiếm thính?

Trẻ có nguy cơ khiếm thính cao thường thuộc các trường hợp: trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân; trẻ bị bệnh nặng ngay sau sinh; trẻ bị dị dạng ở đầu, tai, mặt; trẻ bị viêm màng não hoặc viêm não; trẻ bị vàng da nặng phải truyền máu; mẹ bị nhiễm một số siêu vi khuẩn trong thời kỳ mang thai (như bị rubella, cúm, sởi…); trong gia đình có người bị giảm thính lực…

PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Đại học Y Hà Nội phân tích, thông thường, trẻ từ 1 đến 3 tháng tuổi đã biết nhìn theo nguồn sáng và giật mình khi có tiếng động lớn, hoặc biết lim dim mắt khi nghe tiếng hát ru của mẹ… Tuy nhiên, nếu trẻ không bộc lộ rõ những phản xạ và dấu hiệu đó thì có thể trẻ đã có nguy cơ khiếm thính. Ngoài ra, khi bé không quay đầu về hướng phát ra âm thanh sau 6 tháng tuổi; không nói được các từ đơn giản như “baba”, “mama” khi được 1 tuổi; bé quay đầu khi thấy người nhưng không trả lời khi được gọi… cũng là một trong những biểu hiện mà bố mẹ nên lưu tâm.

Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện trẻ bị khiếm thính?

Khám sàng lọc và đo thính lực sẽ giúp cha mẹ biết chính xác sức nghe của trẻ, từ đó có phương pháp trị liệu phù hợp. Khi sức nghe giảm trên 90 deciben là điếc – lúc ấy việc đeo máy trợ thính không có tác dụng mà phải cấy điện cực ốc tai điện tử. Trước khi tiến hành cấy ốc tai điện tử, trẻ được dùng máy trợ thính một thời gian để làm quen với việc đeo máy, sau đó chọn thời điểm thích hợp để phẫu thuật và điều chỉnh cường độ âm thanh và sức nghe cho trẻ. Ngoài ra, việc trị liệu ngôn ngữ sau phẫu thuật là hết sức quan trọng cho phát triển ngôn ngữ của trẻ.

“Các bậc phụ huynh lưu ý tuyệt đối không đưa con đi châm cứu, bấm huyệt hay sử dụng thuốc nam vì rất dễ đánh mất cơ hội chữa trị cho con. Nhiều nghiên cứu cho thấy thời điểm tốt nhất để cấy ốc tai điện tử là trẻ từ 12 – 24 tháng hoặc dưới 36 tháng tuổi. Nếu cấy muộn, khả năng phát triển ngôn ngữ sẽ rất chậm”, PGS.TS Thành khẳng định.

Cao Vân

 

Nên đọc