Người mẹ khóc suốt 3 tháng trời khi biết con trai là người đồng tính
Từng nghĩ đồng tính là một căn bệnh và khuyên con thử yêu con gái, người mẹ này đã trải qua một hành trình dài để thấu hiểu và đồng hành cùng con trai đồng tính của mình.
“Come out” với gia đình là một trong những khó khăn lớn nhất mà một người LGBT phải đối mặt. Bởi dù có được cả xã hội công nhận, thì điều họ cần nhất là sự thấu hiểu đến từ những người thân trong gia đình.
Nhưng đôi khi vì khoảng cách thế hệ, vì thiếu những kiến thức cần thiết về LGBT hay vì những kỳ vọng vào con cái mà nhiều cha mẹ không thể chấp nhận được khi nghe con mình công khai xu hướng khác biệt của bản thân.
Đối với cô Hiền cũng vậy. Hành trình hiểu về con của cô cũng trải qua nhiều cung bậc thăng trầm như nhiều cha mẹ có con là người LGBT khác. Dù có kể lại hành trình ấy cả chục lần trong nhiều sự kiện của cộng đồng LGBT, nhưng lần nào cô Hiền cũng xúc động rơi nước mắt.
Con trai của cô Hiền là Sơn, sinh năm 1994 và là người đồng tính. Kể về lần đầu tiên Sơn công khai với gia đình, cô Hiền nói: “Đến năm thứ 2 đại học, Sơn mới công khai với gia đình. Trước đó con không có bất kỳ sự khác biệt nào với bạn bè cùng trang lứa.
Vào một buổi tối khi cả nhà ăn cơm xong, tôi đang định dọn dẹp thì Sơn bảo rằng có chuyện quan trọng muốn nói với bố mẹ. Cả nhà chú ý lắng nghe còn bạn ấy cứ ngập ngừng lúng túng mãi. Một hồi lâu, Sơn mới nói: “Con không phải là người bình thường”. Tôi giật mình hỏi lại: “Tại sao con lại nói mình không bình thường?”. “Con không thích các bạn nữ”.
Hai vợ chồng tôi ngồi lặng đi không biết nói gì, còn Sơn thì nước mắt chảy ròng ròng. Đêm hôm đó tôi khóc nhiều, và buồn lắm, đầu óc tôi cứ như thế nào ấy, không thể ngủ được. Đến khi đi ngủ, quay sang thì thấy chồng tôi cũng đang đặt tay lên trán, thở dài, trằn trọc suốt.
Tôi nghĩ bụng không hiểu mình ăn ở như thế nào, hay lúc chửa mình ăn cái gì, thiếu chất gì mà lại thành ra thế này. Tôi cũng nghĩ mình có hại ai cái gì bao giờ đâu, mà giờ con mình lại khổ thế.”
Ngày đó chưa biết đồng tính là gì, cô Hiền chỉ nghĩ đó là một căn bệnh, còn bố của Sơn thì nghĩ rằng cậu học đòi, bắt chước trên mạng xã hội. Thậm chí họ còn bàn bạc với nhau cho con trai mình đi khám nam khoa xem có bị bệnh gì không.
“Sơn từ nhỏ đã mạnh mẽ, to cao, thích chơi bóng đá nên khi con nói thế tôi không thể tin được. Nhiều lần tôi cũng khuyên con thử yêu con gái xem thế nào, thì con hỏi lại tôi: “Mẹ sợ chuột vậy mẹ có muốn thử cầm nó trên tay không?”
Suốt 3 tháng trời, cô Hiền đêm nào cũng khóc vì thương con và vì cả nỗi sợ hãi trong lòng cô. Cô cố gắng giấu nỗi buồn của mình vào trong vì sợ Sơn sẽ tổn thương.
Cho đến khi Sơn đưa cho cô Hiền một cuốn sách có tên “Hành trình tìm hiểu về con”, mọi hoài nghi trong cô đã được hóa giải. Mỗi câu chuyện trong cuốn sách là một hoàn cảnh, một mảnh đời của những người con LGBT trong hành trình “come out” đầy chông gai, trắc trở và cả nước mắt để được sống thật với con người mình.
“Đứa thì bị bố mẹ đánh, đứa thì bị chửi mắng là đồ bệnh hoạn… Chính những người thân ruột thịt mà còn hắt hủi ruồng bỏ với chúng như thế thì người ngoài sẽ đối xử với nó như thế nào đây…”, cô Hiền tâm sự.
hờ có cuốn sách mà cô Hiền hiểu hơn về LGBT và về con trai mình. Cô bắt đầu tự tìm hiểu về cộng đồng và nhận ra rằng con mình không cô đơn, cả cô cũng vậy khi biết nhiều phụ huynh khác cũng có con là người LGBT. Cô bắt đầu đi dự các hội thảo để tìm hiểu các kiến thức về cộng đồng LGBT.
“Dần dần, đọc được nhiều tài liệu thì tôi cũng vỡ dần ra, việc con như thế không phải là bắt chước bạn bè, không phải do phong trào, con cũng không phải dạng hư hỏng, nên tôi tin tưởng nó.
“Giờ đây tôi tự hào và hãnh diện về mọi thứ ở con kể cả xu hướng tính dục khác biệt. Suy cho cùng bố mẹ có vất vả đến mấy, làm tất cả cũng chỉ muốn con no ấm. Vậy tại sao lại phải lấy cái sĩ diện của bản thân để đánh đổi hạnh phúc của con”, cô Hiền chia sẻ.
Nút thắt được gỡ bỏ, Sơn vui mừng nhận ra rằng sự chấp nhận và đồng hành từ gia đình là điều tuyệt vời nhất mà một người LGBT xứng đáng có được, để dù xã hội ngoài kia có nhiều giông gió và bất công, vẫn có một mái ấm chờ đợi những người con khác biệt quay trở về.
Theo Gia Đình Mới