Các loại rau quen thuộc có thể gây sảy thai, mẹ bầu nhớ tránh xa
Khi bầu bí mẹ bầu phải luôn thận trọng với những thực phẩm mà mình ăn uống hằng ngày. Sau đây là một loại rau và thực phẩm dễ gây sảy thai mà mẹ bầu cần chú ý và tránh sử dụng.
Rau ngót
Rau ngót có tính lạnh, vị ngọt có công dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ máu, nhuận tràng… Trong rau ngót có chứa vitamin K, một loại vitamin hiếm trong giới thực vật. Đồng thời trong rau ngót còn có một lượng đạm thực vật, sắt, mangan và vitamin A.Tuy nhiên trong rau ngót có chứa Papaverin là một chất được tìm thấy trong cây thuốc phiện, có tác dụng giãn cơ trơn của mạch máu để giảm đau, hạ huyết áp. Nếu sử dụng một lượng rau ngót tươi hơn 30mg thì có thể gây co thắt tử cung và dễ dẫn đến sảy thai. Dược thư Việt Nam 2002 ghi rõ khuyến cáo: “Không dùng papaverin cho người có thai”.
Mướp đắng
Mướp đắng rất giàu hàm lượng dinh dưỡng như vitamin B, kali, sắt, magie, axit,… có nhiều lợi ích cho thai kỳ. Hàm lượng vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, đào thải chất độc, axit floic có tác dụng thúc đẩy phát triển hệ thần kinh, phòng ngừa dị tật khiếm khuyết cho thai nhi.
Có thể nói, lợi ích từ mướp đắng rất nhiều nhưng nếu việc sử dụng quá thường xuyên hoặc lạm dụng thì lại không tốt chút nào. Vị đắng của quả gây kích thích mạnh dẫn đến co bóp tử cung và dạ dày, hậu quả có thể gây sảy thai ở những người có tử cung ngả sau, tử cung có sẹo hoặc đã qua nạo phá nhiều lần. Ngoài ra, ăn quá nhiều mướp đắng cũng gây ra tiêu chảy, đau bụng và rối loạn tiêu hoá.
Rau sam
Rau sam là loại thực phẩm lành tính, tốt cho sức khỏe. Món canh rau sam bình dị, có tính mát được dùng để giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra, rau sam cũng được biết là loại thảo dược rẻ tiền nhưng có nhiều tác dụng trị bệnh. Không thể phủ nhận lợi ích của loại rau quen thuộc ở vùng quê này. Tuy nhiên, riêng với phụ nữ mang thai nên hạn chế hoặc không ăn vì có thể làm tăng nguy cơ gây co thắt tử, dẫn đến nhiều biến chứng thai kỳ không mong muốn.
Ngải cứu
Ngải cứu có vị đắng, cay, mùi thơm, tính hơi ấm nên có tác dụng tốt trong việc điều hoà tuần hoàn máu, làm dịu thần kinh, giúp giảm đau cơ và các cơn đau ở vùng bụng.
Tuy ngải cứu được dùng trong một số bài thuốc nam nhằm an thai dành cho người bị động thai hoặc sảy thai liên tiếp, thế nhưng nhiều người lầm tưởng ngải cứu là một vị thuốc an thai thì điều này không hoàn toàn đúng.Việc sử dụng hợp lý ngải cứu sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người mang thai nhưng nếu lạm dụng ngải cứu trong vòng 3 tháng đầu thai kì có thể dẫn đến ra máu nhiều, co tử cung và sảy thai.
Rau chùm ngây
Trong Đông y, chùm ngây được biết đến là loại thảo dược giàu hàm lượng dinh dưỡng. Hàm lượng canxi, vitamin C, sắt, kali C rất cao. Tuy nhiên, rau chùm ngây không phải là thực phẩm an toàn với mẹ bầu. Theo nghiên cứu, chùm ngây có thành phần alpha-sitosterol, chất này có tác dụng ngừa thai tương tự như estrogen. Dung nạp vào cơ thể một lượng ít rau chùm ngây cũng có thể làm tử cung bị co bóp, gây thiếu máu, tăng nguy cơ sảy thai. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, bầu nhớ tránh xa lúc mang thai.
Rau răm
Là loại rau dễ trồng và thường được dùng kèm trong nhiều món ăn của người Việt Nam, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Tác dụng của rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, giúp tiêu thực, tán hàn.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều rau răm trong 3 tháng đầu thai kì khiến người mẹ dễ bị mất máu, đặc biệt trong rau răm còn có chất khiến tử cung co bóp dẫn đến sảy thai. Vậy nên hãy tránh ăn quá nhiều rau răm khi mang thai.
Theo Eva.vn