Nhập viện vì ăn quá nhiều… rau xanh, trái cây
PhunuOnline.net – Các bác sĩ thường khuyến cáo dùng nhiều rau xanh để hỗ trợ hệ tiêu hóa, nhưng không phải lúc nào điều này cũng mang lại lợi ích như mong muốn. Vẫn có một số loại rau quả nếu ăn quá nhiều mà không nhai kỹ dễ có nguy cơ đóng thành khối bã gây tắc ruột, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu không kịp thời chữa trị.
Tắc ruột do… ăn măng và gỏi bắp chuối
Phó giáo sư – tiến sĩ Lê Văn Quang – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP. HCM, chuyên khoa Ngoại tiêu hóa cảnh báo, người cao tuổi và trẻ em là hai đối tượng có nguy cơ cao bị tắc ruột do chất xơ trong rau, trái cây nhất. Lý do là vì chức năng nhai ở hai đối tượng này rất hạn chế.
Mới đây, tiến sĩ Quang ghi nhận trường hợp cụ N.V.D., 78 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú TP. HCM nhập viện với tình trạng nôn ói, bụng phình chướng, sờ có khối u cứng. Sau khi chụp chiếu, nghi bệnh nhân bị tắc ruột, cụ D. đã được phẫu thuật khẩn cấp. “Chúng tôi mổ và lấy ra được một khối bã thức ăn to cỡ nắm tay, xác định là măng”, tiến sĩ Quang nói. Ngoài cụ D., Bệnh viện Thống Nhất cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp người cao tuổi bị tắc ruột do ăn nhiều rau muống và gỏi bắp chuối.

Người già do nhu động ruột chậm, quá trình đào thải bã thức ăn trong hệ tiêu hóa mất nhiều thời gian hơn bình thường vì thế rất dễ bị táo bón. Từ đó, họ hay được khuyên phải ăn nhiều rau xanh và trái cây cho nhuận tràng. Tuy nhiên, do răng không tốt, dẫn tới nhai không kỹ khiến chất xơ đóng khối lại trong ruột. Khi bị tắc ruột, người bệnh có triệu chứng buồn nôn, ói, không thể đại tiện hoặc trung tiện, đau bụng quặn từng cơn, chướng bụng.
Nhập viện do ăn một lúc mười trái hồng giòn
Không chỉ người già và trẻ nhỏ mà người trưởng thành cũng có nguy cơ bị tắc ruột nếu ăn rau, củ với số lượng quá nhiều. Điển hình là trường hợp chị T.A.H., 41 tuổi (TP. HCM) vừa qua đã được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp cứu trong tình trạng bụng chướng, đau quặn từng cơn, nôn ói. Bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện ba ngày đã mua men tiêu hóa uống nhưng không thuyên giảm.
Sau khi siêu âm và làm một số xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được xác định bị tắc ruột nghiêm trọng do bã thức ăn. Sau khi được phẫu thuật khẩn cấp, các bác sĩ đã gắp ra một khối bã của trái hồng giòn (do bệnh nhân ăn liên tiếp mười trái). Hiện chị H. đã hồi phục nhưng được khuyến cáo phải tập vận động, di chuyển để tránh nguy cơ dính ruột. Để không bị tắc ruột tái phát, bệnh nhân cần thận trọng trong chế độ ăn uống về sau.

Thạc sĩ – bác sĩ Trần Đức Huy – Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý: nếu có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường, người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống mà nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh, tránh hậu quả đáng tiếc.
Với người già và trẻ nhỏ khi ăn rau xanh nên xay nhuyễn để hỗ trợ tiêu hóa, không nên ăn quá nhiều một lúc các loại rau quả có chứa nhiều chất tanin như: ổi, mít, sung, xoài, cam, quýt, măng, rau muống, bắp chuối, hồng giòn… Chất này thường nằm ở vỏ trái cây, khi trái cây chín thì tanin sẽ giảm đi. Ngoài ra, uống mỗi ngày hai lít nước và tập thể dục đều đặn cũng giúp kích thích đường ruột; hệ tiêu hóa cũng nhờ thế mà co bóp, lưu thông dễ hơn.
Một số nguyên nhân khác gây tắc ruột: do ruột bị nút, bị bít lại vì sự chèn ép của khối u, búi giun đũa, dính ruột sau mổ… Về lâm sàng, tắc ruột có bốn triệu chứng chính dễ nhận thấy nhất: đau, nôn, bí trung đại tiện và trướng bụng.
Khi bị tắc ruột, phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu khẩn trương và mổ kịp thời. Bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm và tiến hành mổ trong 24 giờ đầu, nếu chậm trễ (sau vài ngày) thì tỷ lệ tử vong thường rất cao. Vì khả năng phục hồi của ruột càng giảm và sốc càng nặng do mất máu, do hấp thụ độc tố qua thành ruột bị hoại tử và viêm màng bụng.