TP.HCM: Công bố 5 bệnh viện tốt nhất và tệ nhất năm 2018

PhunuOnline.net  – Hôm nay (10/1), Sở Y tế TP.HCM công bố kết quả đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện trực thuộc Sở trên địa bàn TP.HCM.

Sở Y tế TP.HCM kiểm tra, đánh giá chất lượng của 100 bệnh viện (bao gồm 30 bệnh viện thành phố; 23 bệnh viện quận, huyện; 47 bệnh viện tư nhân) theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam phiên bản 2.0 do Bộ Y tế ban hành. Thời gian kiểm tra và đánh giá diễn ra từ ngày 26/11/2018 đến ngày 24/12/2018.

5 bệnh viện đạt điểm đánh giá cao nhất theo thứ tự gồm: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ.

5 bệnh viện có số điểm thấp nhất: Bệnh viện Chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Á – Âu, Bệnh viện Mắt Việt Hàn, Bệnh viện Thẩm mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Hospital, Bệnh viện Thẩm mỹ AVA Văn Lang.

Top 5 bệnh viện tốt nhất và tệ nhất năm 2018 hầu như không thay đổi so với kết quả công bố năm 2017. Sở Y tế TP.HCM cho rằng, so với năm 2017, các bệnh viện có nhiều nỗ lực, phấn đấu cải tiến chất lượng nhằm đạt các tiêu chí do Bộ Y tế ban hành. Năm 2018 không còn bệnh viện ở mức chất lượng kém và có 12 bệnh viện đạt mức chất lượng tốt.

Đặc biệt, trong năm 2018, các bệnh viện đầu ngành của TP.HCM tiếp tục phấn đấu đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng cung ứng dịch vụ theo chuyên ngành, như: Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện thứ 4 trên cả nước đạt chuẩn quốc tế về hỗ trợ sinh sản (RTAC), Bệnh viện Truyền máu Huyết học phát triển Ngân hàng Máu cuống rốn với sự chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu nuôi cấy tế bào trung mô từ mô của dây rốn hoặc màng ối.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế, Sở Y tế còn ghi nhận rất nhiều mô hình và giải pháp sáng tạo trong cải tiến chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ người bệnh để giới thiệu, nhân rộng trong toàn ngành y tế thành phố, tiêu biểu như: Bệnh viện Nhân dân 115 đầu tư nguồn lực phát triển kỹ thuật điều trị đột quỵ não ngang tầm các nước trong khu vực, rút ngắn thời gian điều trị (năm 2018, bệnh viện điều trị cho 11.787 người bệnh bị đột quỵ não, với tỷ lệ cứu sống gần 90%).

Bệnh viện Nhân dân Gia Định cải tiến công tác quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn theo hướng quản trị thông minh bên cạnh việc triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới triển khai thành công ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng phần mềm cảnh báo tương tác thuốc có hại cho các bác sĩ điều trị dựa trên các chứng cứ khoa học và nhu cầu thực tiễn về sử dụng thuốc…

Bệnh viện Quận Thủ Đức với mô hình “Chuỗi phòng khám” nằm bên ngoài bệnh viện như tại các trạm y tế, các phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện, các phòng khám đa khoa tại các khu dân cư trực thuộc bệnh viện quận. Nhờ đó, bệnh viện kéo giảm số lượt đến khám từ hơn 6.000 lượt/ngày xuống còn khoảng 4.000 lượt/ngày.

Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận vẫn còn một số tồn đọng, đầu tư nguồn lực cho hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện chưa thật đồng đều giữa các bệnh viện.

Ở một số bệnh viện, công tác quản lý chất lượng bệnh viện còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu; hoạt động giám sát chưa có trọng tâm, đánh giá hiệu quả, sơ kết rút kinh nghiệm chưa sâu sắc và thực chất; hoạt động khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh chưa được quan tâm đúng mức, phân tích tìm nguyên nhân không hài lòng của người bệnh chưa cụ thể.

Công tác đảm bảo chất lượng xét nghiệm chưa được quan tâm đồng đều, việc kiểm soát sai số xét nghiệm tại một số bệnh viện quận, huyện chưa được triển khai hiệu quả.

Một số bệnh viện tư nhân, đặc biệt là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ chỉ chú trọng đầu tư nguồn lực cho hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, chưa thật sự quan tâm triển khai các hoạt động quản lý bệnh viện. Nhân sự quản lý của bệnh viện tư nhân thường kiêm nhiệm và chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ quản lý.

Hải Phong

Tổng hợp

Nên đọc