Đừng tìm đúng người, hãy tìm ai đó bớt sai

Phunuduongthoi.vn – Nền văn hóa của chúng ta ám ảnh với việc tìm ra câu trả lời đúng của chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng đời bạn sẽ dễ thở nếu bạn chọn trường phái “Bớt sai”.

Luận về sự thất bại của giáo dục (hay sự trẻ trâu của dân trí), Neil Postman từng có một góc nhìn lộn ngược thế này: Sở dĩ các thể chế như bệnh viện, tòa án, giao thông hoạt động khá hiệu quả vì nó dựa trên giả định đưa con người từ xấu, lệch chuẩn, sai về bình thường (đưa từ A – về A).

Anh này cúm thì chữa cho hết hắt hơi. Cô kia què thì chữa cho đi lại được. Ông này đi ngược làn thì phạt cho biết đi đúng chiều. Bà kia phạm tội thì cải tạo để trở thành công dân đúng chuẩn.

Mục tiêu của bệnh viện không phải là khiến con người khỏe hơn (vì định nghĩa thế nào là khỏe: đi 10km mỗi ngày, chỉ ăn rau xanh…). Mục tiêu của tòa án cũng không phải là khiến con người trở nên công chính, yêu mến các phẩm cách tốt đẹp.

Riêng táo giáo dục, lại thích chơi 1 mình 1 kiểu, với mục tiêu cao cả: muốn con người tốt hơn, giỏi hơn, biết nhiều hơn. Nhưng giống như việc “biết cái gì là sai” dễ hơn nhiều “thế nào là đủ đúng”, thật khó để định nghĩa trạng thái A+++…: giỏi Toán hả (Thế nào thì là giỏi, như GS Ngô Bảo Châu hả, khó, nhưng không dốt Toán thì trả lời dễ hơn: biết mấy cái cơ bản là được), đạo đức tốt hả (thế người tốt là như nào, khó, nhưng không làm 1 người xấu thì sao: dễ ợt).

Bởi vậy, giáo dục đại chúng sẽ còn rất vất vả nếu còn theo đuổi triết lý mơ hồ “muốn con người tốt hơn trong vô tận”. Để tư duy tốt rất khó, nhưng dạy làm sao để tránh các lỗi tư duy (như trong cuốn Tư Duy Nhanh và Chậm) thì dễ hơn nhiều.

Cách tư duy “bớt sai” cũng có thể áp dụng trong cuộc sống hàng này như sau:
  • Đừng cố tìm đúng người, hãy tìm người sau bớt sai hơn người trước (thật, tìm đúng thì có mà hết thanh xuân, hoặc bạn quá đỏ).
  • Đừng cố ngày mai tốt hơn, hãy tìm cách loại bỏ bớt những sai lầm của hôm nay (sống tốt rất khó, nhưng bạn biết thừa hôm nay hoặc ngay bây giờ bạn đang làm gì sai: xem Tik Tok, Chat quá nhiều chẳng hạn).
  • Đừng cố quên người yêu cũ (bạn không quên được đâu), hãy tìm cách bớt nghĩ về cô ấy: Hôm qua nghĩ hết giờ làm việc, hôm nay chỉ nghĩ khi đi dạo, tháng sau chỉ nghĩ khi lướt qua quán cafe đó, năm sau chỉ nghĩ khi biết tin nàng cưới…

Nền văn hóa của chúng ta ám ảnh với việc tìm ra câu trả lời đúng của chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng đời bạn sẽ dễ thở (và có lẽ sẽ cải thiện nhanh hơn) nếu bạn chọn trường phái: Bớt sai (less wrong).

Tìm người mới bớt sai hơn người cũ (và bỏ ý định tìm người đúng 100% đi); sống ngày mai bớt lỗi hơn ngày hôm nay; viết, vẽ, sáng tạo… những gì bớt dở hơn các sản phẩm trước. Con người chỉ cần đi từ A – về A đã là thành công lắm rồi (trừ khi bạn muốn thành vĩ nhân).

“Đúng” là 1 tiêu chuẩn quá khắt khe, quá mơ hồ, quá nhiều quan điểm cá nhân; nhưng bớt sai: Okay, chúng ta có thể bắt tay vào việc.

Theo Cafebiz

Nên đọc