Phụ nữ trầm cảm sau sinh, xin đừng cho rằng họ đang “làm mình làm mẩy”
Phunuduongthoi.vn – Trầm cảm sau sinh sẽ khiến phụ nữ rơi vào trạng thái buồn bã, đau khổ, u uất. Khi kéo dài khiến phụ nữ có xu hướng ghét con, ghét chồng…. tệ hơn là có những ý nghĩ muốn tự sát.
Thử search cụm từ “trầm cảm sau sinh” trên google, bạn sẽ nhận được 33,9 triệu kết quả chỉ trong 0,57 giây. Điều đó cho thấy mức độ phổ biến căn bệnh này nhưng nhận thức gần như ít ỏi và có phần hơi chủ quan từ những người xung quanh khiến cho các bà mẹ bỉm sữa phải tự chống chọi và gồng gánh để vượt qua.
Sát thủ thầm lặng mang tên “trầm cảm sau sinh”
Vài năm trở lại đây, không khó để nhận ra mỗi ngày đều có những tin tức về việc sản phụ ra tay sát hại con mình hay tệ hơn là tự kết thúc mạng sống của mình. Phần lớn nguyên nhân đều được cho là mắc trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý và thể chất của phụ nữ. Trải qua quá trình sinh nở, cơ thể phụ nữ bắt đầu có những thay đổi rõ rệt về thể chất lẫn tinh thần. Việc thay đổi nội tiết tố như thiếu hụt estrogen và progesterone, thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa,… sẽ dẫn đến tình trạng trí nhớ kém, mất tập trung và dễ thay đổi cảm xúc thường thấy ở phụ nữ sau sinh.
Bên cạnh đó là tâm lý chưa chuẩn bị sẵn sàng làm mẹ. Những đêm thức trắng vì con quấy khóc nhưng dỗ mãi chẳng nín. Áp lực về khó khăn kinh tế chồng chất xen lẫn trách nhiệm chăm sóc gia đình chồng sẽ khiến phụ nữ dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, u uất, bồn chồn, bất an. Đôi lúc lại khóc nức nở chỉ vì những lý do nhỏ nhặt. Và luôn có cảm giác khó thở như bị đè chặt, chán ăn, buồn bã hầu như cả ngày.
Khi tình trạng này kéo dài, thể chất của họ trở nên yếu ớt, sụt cân, suy dinh dưỡng. Tinh thần kiệt quệ, suy nhược và không ý thức được bản thân sẽ gây ra những hành vi nguy hiểm cho con. Ở mức độ nặng hơn, họ sẽ thu mình lại, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai, dẫn đến ý định tự kết thúc mạng sống của mình để được giải thoát.
Làm thế nào để vượt qua trầm cảm sau sinh ?
Nhiều người cho rằng trầm cảm sau sinh thực ra không phải bệnh, mà chỉ là một kiểu “làm mình làm mẩy” của các mẹ bỉm sữa. Nhưng xin đừng thờ ơ và có những suy nghĩ chủ quan như thế. Phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu thì sâu trong lòng vẫn họ yếu đuối. Bên cạnh niềm vui chào đón con yêu thì họ vẫn có những vất vả, những nhọc nhằn về thể xác lẫn tinh thần khi bước vào giai đoạn “mẹ bỉm sữa”.
Để phụ nữ có thể vượt qua trầm cảm sau sinh, điều đầu tiên cần nhất chính là sự quan tâm và thấu hiểu từ chồng và những người thân trong gia đình. Hãy san sẻ những vất vả khi chăm con, đừng bỏ mặc và cho rằng đó là nghĩa vụ và bổn phận của riêng phụ nữ. Hãy yêu thương và bao dung nhiều hơn để họ không cảm thấy bản thân trở nên kém hấp dẫn trong mắt bạn đời. Bởi lẽ, luôn có một người ở bên cạnh chia sẻ và đồng hành có ý nghĩa rất lớn trong quá trình hồi phục tâm lý họ.
Trong cuộc chiến chống lại trầm cảm sau sinh, bên cạnh sự đồng hành từ phía người thân thì bản thân người phụ nữ cũng phải cố gắng tự động viên chính mình. Nếu gặp căng thẳng, hãy tâm sự và tìm cách nói ra những cảm xúc để gánh nặng trong lòng sẽ vơi dần đi một ít. Để cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề dễ dàng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cũng phải quan tâm đến sức khỏe và chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Cố gắng dành thời gian cho bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn thay vì cuống vào guồng quay tã sữa chăm con.
Nếu những biểu hiện ngày càng nặng hơn mà không có cách nào vượt qua, đừng ngần ngại tìm đến sự tư vấn và hỗ trợ của các bác sĩ tâm lý. Cũng đừng mặc cảm bởi đó là một bệnh tâm lý lặng lẽ và âm thầm mà không ai có thể lường trước được. Việc chúng ta có thể làm chỉ là lựa chọn vượt qua hay là không.
Thục Đoan
Tổng hợp
Xem thêm: