Bạn có chấp nhận lấy một người tuy nghèo nhưng rất yêu bạn không?
Phunuduongthoi.vn – Thà ngồi khóc trên BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp liệu có phải chân lý đúng đắn?
Hai ngày trước, tôi tìm thấy một topic trên mạng: “Bạn có chấp nhận lấy một người tuy nghèo nhưng rất yêu bạn không?”.
Một bên là cuộc sống vật chất không thể đạt đến một tiêu chuẩn nhất định, và bạn có thể sẽ phải đối mặt với áp lực từ cuộc sống của cả đại gia đình có lớn có bé ấy. Một bên còn lại là đời sống tinh thần được thỏa mãn, so với những người phải lấy người mình không yêu thì bạn may mắn hơn vạn phần. Như thể bạn đứng nơi ngã ba đường, một bên là tình, một bên là tiền, bạn sẽ chọn thế nào?
Rõ ràng, đây là topic nhắm đến đối tượng chính là những cô gái. Bản thân tôi cũng rất tò mò không biết lựa chọn của số đông ra sao. Những bình luận được nhiều like nhất khá đồng quan điểm với nhau, tất cả đều bất ngờ nhất trí: Tất nhiên là không lấy, tôi có bị ngốc đâu.
“Nếu ở bên một người mà chất lượng cuộc sống khi ấy còn tệ hơn cả hồi còn độc thân thì có yêu hơn nữa tôi cũng không lấy đâu. Lấy nhau về để nhìn nhau mà sống à? Lấy nhau về để làm osin à? Không chỉ tôi không muốn mà đảm bảo là bố mẹ tôi cũng không đồng ý.”
“Tuy gặp được một người yêu mình là điều rất đáng trân quý, nhưng nếu tình huống này xảy ra đối với tôi, sự lựa chọn của tôi là sẽ yêu, nhưng sẽ không cưới.”
“Tôi chỉ muốn nói một câu thôi: Đừng lấy!”
Sau khi đọc những bình luận trên, đang tự hỏi về tầm quan trọng của tình yêu, tôi bất chợt bắt gặp một cô gái với quan điểm trái ngược hoàn toàn:
“Lấy chứ! Bạn trai hiện tại của tôi nhà nghèo lắm. Hai đứa tôi vừa ra trường, không có nhiều tiền nhưng chỉ cần anh ấy yêu tôi là đủ rồi. Kết hôn nhất định phải vì tình yêu mới được”.
Click vào trang cá nhân của cô gái, tôi có thể bắt gặp hình ảnh cô ấy và bạn trai ở mọi nơi. Qua màn hình, tôi còn cảm nhận được sự hạnh phúc của hai người. Nhưng sự cảm động của tôi chưa kịp nóng lên đã bị những bình luận bên dưới làm nguội lạnh.
“Yêu có ăn được không?”
“Vẫn còn non và xanh lắm em gái ạ!”
“Bây giờ chia tay vẫn kịp đấy, chứ lấy rồi thì có khóc cũng đã muộn…”
Tôi tin những người đề nghị cô gái chia tay đều là những người từng chịu tổn thương, họ đặt mình vào vị trí của cô gái mà khuyên, nói chung là vì mục đích tốt. Thế nhưng bạn không biết rằng tạt chậu nước đá vào mặt người khác trong lúc người ta đang ngọt ngào mặn nồng là chuyện gây tổn thương, thậm chí là tàn nhẫn như thế nào ư?
Hay thực sự là những cô gái không ghét bỏ bạn trai mình nghèo sau này sẽ phải trải qua cuộc sống khốn khổ như lời thiên hạ nói?
Lấy một chút ví dụ thực tế để chứng minh đi vậy. Tôi từng quen một cô gái. Cô gái này và bạn trai đã yêu nhau 8 năm, thế nhưng gia đình cô gái nhất định không chịu đồng ý cho cả hai lấy nhau. Lý do âu cũng bởi gia cảnh chàng trai không được tốt lắm, lại đông anh chị em, mọi người đều lo cô gái sau này sẽ khổ.
Nhưng cô gái yêu chàng trai rất nhiều, thậm chí sẵn sàng cãi nhau với gia đình, cắt đứt liên lạc, chấp nhận bị từ mặt để chuyển ra ngoài bắt đầu cuộc sống mới bên nhau.
Ảo mộng lúc nào cũng đẹp còn hiện thực thì không. Sau khi ra ở riêng phải lo đủ thứ tiền, đóng xong tiền nhà, tiền ăn, sinh hoạt phí của cả hai chẳng còn bao nhiêu. Ngay cả muốn mua một cái váy mới, cô gái cũng phải đắn đo rất lâu. Còn chàng trai thì vẫn như xưa, tan làm, về nhà, cắm mặt vào máy tính chơi game…
Cô gái dần thấy khó chịu và bắt đầu đặt ra những yêu cầu mới cho bạn trai của mình, chẳng hạn như phải chăm chỉ làm việc, chẳng hạn như phải được tăng lương, chẳng hạn như phải được thăng chức… Miệng thì nói vậy nhưng cô chưa bao giờ nhắc đến từ chia tay, cô chỉ mong bạn trai mình tiến bộ hơn.
Chàng trai thuộc tuýp nóng tính, thành ra hai người thường xuyên cãi nhau vì chuyện này. Có một lần, cô gái đột ngột tắt máy tính trong khi chàng trai đang chơi dở ván game. Chàng trai xô ngã cô rồi chỉ tay mà mắng: “Cô chê tôi nghèo chứ gì? Cô chê tôi vô dụng chứ gì? Không thích thì cô cứ biến đi!”.
Cô gái nói rằng khi ấy, cô rất muốn đóng sầm cửa mà bỏ đi nhưng rồi nghĩ lại mình chẳng còn nơi nào để đi, và cả hai cũng ở bên nhau rất lâu rồi. Vì vậy, sau khi được dỗ dành, cả hai làm hòa. Nhưng vấn đề thì vẫn ở đó, các tật xấu của chàng trai chẳng hề thay đổi, hai người vẫn thường xuyên cãi vã.
Khoảng một năm sau, sự nghiệp của chàng trai cuối cùng cũng khởi sắc hơn. Anh ta nhận được một khoản hoa hồng hậu hĩnh cho một dự án và còn được thăng chức. Ngày thăng chức, anh ta cùng bạn ăn mừng ở ngoài đến nửa đêm. Về đến nhà, câu đầu tiên anh ta nói với cô gái là: “Bây giờ tôi có tiền rồi, cô có thể biến đi rồi đấy!”.
Nhưng thật may vì tình yêu chân thành vẫn tồn tại.
Một cư dân mạng khác đã chia sẻ về câu chuyện của mình. Cô ấy lỡ có bầu trước khi kết hôn và từng có thời gian bị trầm cảm nhẹ sau khi kết hôn. Khoảng thời gian khó khăn nhất là khi mang thai, trong nhà gặp chuyện bất ngờ phải tiêu một khoản tiền lớn, thành ra cả gia sản của cô ấy khi đó chỉ còn vỏn vẹn 500k mà còn hơn nửa tháng nữa, chồng cô ấy mới nhận lương.
Một tối nọ, cô ấy cực kì thèm ăn trái cây. Cô ấy cùng chồng đi đến siêu thị gần nhà dạo một vòng nhưng phát hiện giá cả quá đắt, chồng cô ấy nói: “Hay em cố nhịn một chút?”.
Cô ấy có chút không vui nhưng biết nhà mình đang khó khăn nên lặng lẽ đi về, không nói câu nào.
Hôm sau, chồng cô ấy xách cả túi trái cây to đùng về. Cô ấy mừng như đứa trẻ, hỏi han mới biết chồng cô tranh thủ đi bốc vác 4 xe hàng cho người ta, lấy tiền mua hết đống trái cây vợ thích.
Quãng thời gian dưỡng thai, khám thai rồi vượt cạn sau đó, anh chồng luôn ân cần ở bên cô, chăm sóc từng li từng tí. Cô gái biết mình không lấy nhầm người, hai vợ chồng tuy không giàu nhưng hạnh phúc thì có thừa.
Bạn thấy đấy, những cô gái kết hôn với những chàng trai nghèo cũng có thể rất hạnh phúc.
Mặc dù đôi khi miệng họ nói bạn kém cỏi, bạn không biết cố gắng nhưng thực tế không phải họ chê bạn nghèo, mà họ sợ bạn sẽ mãi nghèo như thế. Họ sợ bạn coi sự nghèo ấy là đương nhiên, là không có gì phải bàn cãi, lại càng sợ sau khi bạn phát đạt rồi sẽ quên mất người vợ từng kề vai sát cánh bên mình.
So với chuyện giàu nghèo, họ càng sẵn sàng lấy một người đáng để yêu và yêu mình hơn, không đúng hay sao?
Cái gọi là tình yêu, cái gọi là hôn nhân, chính là tìm một người cùng mình trải qua quãng đời còn lại, để phần đời còn lại của mình bớt cô đơn, có một người để chia sẻ, để cùng phấn đấu, cùng vượt qua khó khăn và cùng nhau tìm ra cảm giác tổ ấm thực sự.
Khi bạn sử dụng trạng thái kinh tế hiện tại của người kia làm thước đo duy nhất cho mối quan hệ, thì giữa bạn và tình yêu đích thực đã có một khoảng cách rất lớn không thể vượt qua. Vì vậy, hãy ngừng dùng tiêu chí nghèo để định nghĩa con trai, quan trọng hơn việc nghèo hay không nghèo là người ấy có yêu bạn hay không và người ấy có luôn yêu bạn hay không.
Theo Tri thức trẻ
Xem thêm: