Khổ vì bị chồng coi thường
Phunuduongthoi.vn – Họ là những người phụ nữ ở vào thời điểm yếu đuối nhất, cần sự chia sẻ, quan tâm của người chồng nhất, thì lại chỉ nhận được sự lạnh nhạt, coi thường của người bạn đời, khiến cuộc sống của họ đi vào bế tắc.
Khi chị Phương đang mang thai hay chăm sóc con nhỏ, chồng chị đã chẳng quan tâm giúp đỡ mẹ con chị mà còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” những lúc không hài lòng điều gì đó. Anh luôn miệng nói chị “số hưởng”, được chồng nuôi. Sự coi thường vợ của anh đã khiến chị ngày một mệt mỏi. Khi tốt nghiệp đại học, chị Phương về làm tại một cơ quan Nhà nước. Lương bổng tuy không cao nhưng ổn định, lại được cái gần nhà nên lúc chưa lấy chồng thì thảnh thơi lắm. Kết hôn ở tuổi 27, chị Phương nghĩ mình đã đủ chín chắn và kinh nghiệm nhìn người khi chọn anh làm chồng. Chồng chị không đẹp trai, không khéo miệng nhưng được cái chăm chỉ làm ăn. Anh làm nghề điện lạnh nên sau khi cưới, hai vợ chồng dốc hết vốn liếng ra mở một cửa hàng điện lạnh. Sau 3 năm, cửa hàng hoạt động thuận lợi, thu nhập cũng dần dần tăng lên.
Tuy nhiên, tính tình chồng chị theo đó mà cũng dần thay đổi khiến cuộc sống của 2 vợ chồng ngày càng trở nên ngột ngạt. Anh ỷ thế làm ra tiền, coi thường đồng lương ít ỏi của vợ. Ra dáng ông chủ, mỗi lần đưa tiền cho vợ anh giống như người ban ơn. Vì thế nên hai vợ chồng chị Phương thường xảy ra nhiều mâu thuẫn. Rồi một lần tình cờ chị Phương bắt gặp trên mạng xã hội, cô gái trước đây bán hàng thuê ở cửa hàng gia đình chị đã đăng trạng thái đang hạnh phúc với chồng chị. Khi đó, đứa con của chị Phương mới vào lớp 1, bản thân chị đang mang bầu tháng thứ 6.
Giận chồng, chị ôm con và vác cái bụng bầu về nhà cha mẹ đẻ. Con nhỏ, vợ bụng mang dạ chửa song chẳng mấy khi anh chồng hỏi han, đoái hoài gì đến mẹ con chị. Đến ngày chị Phương trở dạ, anh chồng cũng không thấy bóng dáng đâu. Do nghỉ thai sản, thu nhập ít nên chị đề nghị anh chuyển tiền cho chị hàng tháng để chăm lo cho các con, song anh tháng chuyển, tháng không. Mệt mỏi, chị gắng sức cho con cứng cáp rồi viết đơn ly hôn. Chị dọn toàn bộ đồ đạc của mình dắt theo 2 con nhỏ về ở bên ngoại trong lúc chờ tòa án giải quyết ly hôn.
Cũng như chị Phương, trong thời gian sinh con đầu lòng chị Thu Uyên không nhận được sự quan tâm hay hỏi han, chu cấp nào của chồng và gia đình bên chồng. Không chỉ có vậy, anh còn quan hệ tình cảm với một cô gái làm gần công ty anh làm việc. Nghĩ anh qua lại để “giải tỏa” trong thời gian vợ sinh nở, chị lặng lẽ bỏ qua. Nhưng anh dường như không biết điểm dừng. Khi con được 3 tuổi, anh lại qua lại với một cô gái trẻ đến thực tập tại công ty. Chị bức xúc viết đơn ly hôn, chưa kịp nộp thì phát hiện có thai đứa con thứ hai. Đẻ dày, con lại quấy khóc, chị quay cuồng với hai đứa con. Còn anh vẫn thảnh thơi, đi làm về là la cà bia, rượu rồi về nhà gây gổ với vợ. Mặc chị mới sinh không có người chăm sóc, người mỏng manh như tàu lá anh vẫn xuống tay đánh chị.
Về phía gia đình chồng, chị và mẹ chồng mâu thuẫn từ khi chị về làm dâu. Anh chẳng những không chia sẻ với vợ mà mỗi lần đi làm về, hễ nghe mẹ kêu ca về vợ thế này, thế kia, cho rằng vợ hỗn láo, chẳng cần phân biệt đúng sai, anh đã lao vào cho vợ cái tát. Chán cảnh này, chị Thu Uyên đã sống ly thân với chồng, đưa 2 con ra ngoài ở trọ đã 6 tháng nay nhưng gia đình bên nội hay chồng chị chẳng hỏi han gì đến mẹ con chị.
Chuyện của chị Hòa còn mệt mỏi hơn vì bị chồng thiếu tôn trọng, coi thường chị và gia đình chị. Chị là nhân viên văn phòng, chồng chị làm bác sĩ. Hoàn cảnh gia đình anh khá giả, còn nhà chị chỉ gọi là đủ ăn, không dư dật gì. Lúc yêu nhau chị không nhận ra ở anh có những điều khác lạ, nhưng từ khi về chung một nhà, dần dần anh bộc lộ rõ sự coi thường gia đình bên vợ. Anh luôn tỏ thái độ khó chịu khi cha mẹ vợ đến nhà chơi. Anh rất ít khi về nhà ngoại dù nhà anh chỉ cách nhà chị chưa đầy chục cây số.
Đến khi chị có bầu rồi sinh con, anh ngọt nhạt bảo chị nghỉ hẳn ở nhà chăm con với lý do không ai chăm con tốt hơn mẹ. Mủi lòng và cũng thấy hợp lý, chị đồng ý nghỉ hẳn công việc đã gắn bó hơn 3 năm qua để toàn tâm, toàn ý chăm lo cho chồng, cho con. Cứ nghĩ cuộc sống sẽ êm đềm, song anh ngày càng có thái độ coi thường vợ. Mỗi khi đưa tiền cho vợ, anh luôn tự hào vỗ ngực nói rằng chị là người sướng nhất, chẳng phải đi làm vất vả, chỉ ở nhà mát chăm con. Anh coi thường vợ ngay cả trước mặt người khác khi anh cho rằng anh hơn chị mọi thứ mà quên mất một điều nếu không có chị là hậu phương vững chắc thì anh có thể toàn tâm chăm lo cho sự nghiệp của mình hay không? Sống chung với chồng mà chị cảm thấy thật cô đơn.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều người đàn ông như chồng các nhân vật trên đây lúc nào cũng nghĩ mình tốt, mình hơn vợ một bậc. Ở vào những hoàn cảnh như vậy, người chịu thiệt thòi thường là phụ nữ. Ít người dám mạnh mẽ dứt bỏ như chị Phương, chị Uyên. Họ thường lo sợ đủ thứ, sợ con thiệt thòi không đủ cha mẹ, sợ dư luận đàm tiếu qua một đời chồng, lo cha mẹ sẽ buồn khi vợ chồng chia tay… Phải mạnh mẽ lắm phụ nữ mới quyết tâm dứt bỏ được để có cơ hội được sống bình yên. Ở vào hoàn cảnh như thế, tâm lý những đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu người phụ nữ không mạnh mẽ đứng dậy, hay có những cách ứng xử thông minh để “trị” thói coi thường vợ của người chồng thì khó tránh khỏi những bi kịch gia đình sẽ lại “tái diễn” ở thế hệ sau và mang đến nhiều khổ đau cho người phụ nữ.
Xem thêm: