Nguyên tắc vàng cứu trẻ hóc kẹo dẻo, dị vật tránh tử vong

Phunuduongthoi.vn – Mới đây, một bé trai 6 tuổi tử vong do bị hóc kẹo dẻo. Trước đó, nhiều trường hợp trẻ qua đời do hóc dị vật cũng đã được ghi nhận, các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý.

Nhiều trẻ tử vong vì hóc dị vật

Gần đây nhất, bé B.H.M, học sinh lớp 1 ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, tử vong sau 2 giờ vào viện cấp cứu vì hóc kẹo dẻo.Thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, tối 25/9, sau khi ăn viên kẹo dẻo, bé M. 6 tuổi có biểu hiện hóc dị vật. Bé được người thân sơ cứu khoảng 15 phút rồi chuyển đến trung tâm y tế huyện, trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, mạch cảnh rời rạc. Sau đó, bệnh nhân được chuyển xuống Khoa Hồi sức cấp cứu.Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Huê, Phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang, cho hay đơn vị huy động 10 thầy thuốc từ khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Liên chuyên khoa (Mắt – Răng hàm mặt – Tai mũi họng) và điều dưỡng chuyên khoa để cấp cứu cho bệnh nhi.Sau khi xác định vị trí dị vật trong đường thở, thầy thuốc mất 2-3 phút để gắp dị vật là kẹo dẻo màu đỏ để khai thông đường thở cho bé. Cùng đó, các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim bệnh nhân được tiến hành.”Khoảng 10 phút, bé có nhịp tim đập trở lại, huyết áp, mạch nhưng bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc”, bác sĩ Huê nói.

 Dị vật cháu M. bị hóc là kẹo dẻo màu đỏ. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống. 

Ngay khi bệnh nhi có tim đập trở lại, các thầy thuốc đã giải thích cho gia đình, đồng thời liên hệ với Bệnh viện Nhi Hải Dương, sẵn sàng phương án chuyển tuyến cho bé. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân nhiều lần xuất hiện ngừng tim. Đến 22h30 cùng ngày, tức là gần 2 giờ từ khi bệnh nhi vào viện, gia đình xin đưa bé về nhà, qua đời tại nhà riêng.Trước đó, vào tháng 6/2023, một cháu bé 9 tháng tuổi ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, tử vong do hóc hạt chôm chôm. Theo báo Tiền Phong, bé gái N.N.A (9 tháng tuổi, trú xóm Hưng Nhân, xã Xuân Lam) nhặt được hạt chôm chôm lúc chơi ở nhà. Cháu bé nuốt hạt chôm chôm vào miệng rồi bị hóc. Khi phát hiện sự việc, người nhà lập tức đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng bé gái không qua khỏi.Vào tháng 2/2019, một bé trai 1 tuổi ở Nghệ An tử vong do hóc thạch rau câu. Báo Người Lao Động dẫn nguồn tin cho hay, vào khoảng 17 giờ ngày 27/2, gia đình đưa bé N.H.Đ (SN 2018, trú tại xã Nghĩa Bình) đến Trạm Y tế xã Nghĩa Bình trong tình trạng toàn thân tím tái, bị sặc không thở được, đồng tử 2 bên dãn, không còn phản xạ thần kinh. Sau khi thăm khám, đội ngũ y, bác sĩ ở trạm cho biết cháu bé đã tử vong trước đó.Người thân cho biết, trước đó cháu Đ. ăn thạch rau câu và bị hóc. Phát hiện sự việc người thân tìm cách đưa dị vật ra ngoài nhưng không có kết quả.Tháng 12/2018, Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi (trú tại Nghi Hòa, Cửa Lò, Nghệ An) bị hóc rau câu.VTV đưa tin, theo người nhà bệnh nhi, bé đang ăn thạch thì bị sặc và tím tái toàn thân. Người nhà lập tức đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở phải hồi sức tim phổi nhưng đồng tử 2 bên dãn, không còn phản xạ thần kinh. Bé được xác định đã tử vong.

Ảnh minh họa: VTV.  
Khi trẻ bị hóc dị vật, nên làm gì?

Việc xử trí dị vật đường thở ở trẻ em đòi hỏi phải nhanh chóng và chính xác.

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nếu trẻ còn hồng hào, ho hoặc khóc thành tiếng có nghĩa là trẻ đang thở, đường hô hấp không bị tắc nghẽn hoàn toàn, bé không bị ngạt trầm trọng. Khi đó:

– Cha mẹ bình tĩnh, đứng bên cạnh cổ vũ, động viên trẻ tiếp tục ho. Phản xạ ho và ọe có thể giúp trẻ tống được vật thể lạ ra ngoài.

– Tuyệt đối không dùng ngón tay mò mẫm tìm vật lạ, không cho trẻ uống bất cứ thứ gì, vì như vậy bạn có thể vô tình đẩy vật này vào sâu hơn. Chỉ móc ra những thứ mà bạn nhìn thấy.

– Nếu sau khi cơn ho dịu đi, bạn vẫn tiếp tục nghe thấy thở ồn ào hay tiếng ho thì hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức, có thể vật lạ đã đi sâu vào phế quản, dễ gây viêm phế quản phổi tái diễn nếu không xử trí triệt để.

– Nếu bé thở khó khăn trong vòng vài phút, đưa đi cấp cứu ngay để gắp dị vật ra.Nếu trẻ xuất hiện tím tái, khó thở, ngưng thở, không khóc được hoặc khóc yếu, không nói được, cha mẹ nhanh chóng gọi cấp cứu, tiến hành sơ cứu kịp thời, đúng cách.

Cách sơ cứu:
– Đối với trẻ dưới 2 tuổi: Thực hiện động tác vỗ lưng, vỗ ngực:

Vỗ lưng:

+ Đặt trẻ nằm sấp trên đùi hoặc trên cánh tay của bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực.

+ Dùng gốc bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa hai xương bả vai.

+ Kiểm tra miệng và lấy bất cứ thứ gì vừa xuất hiện

+ Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực

Ấn ngực:

+ Đặt trẻ nằm ngửa trên đùi hoặc trên cánh tay của bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực.

+ Ấn 5 lần vào nửa dưới xương ức (dùng 2 ngón tay để ấn)

+ Nếu đường thở vẫn tắc thì làm luân phiên 5 lần vỗ lưng/5 lần ấn ngực.

– Đối với trẻ lớn (từ trên 2 tuổi): Thực hiện thủ thuật Heimlich:

Trẻ còn tỉnh:

+ Đứng ra phía sau, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng người trẻ.

Đặt một bàn tay thành nắm đấm ngay vùng thượng vị, dưới mũi ức, phía trên rốn.

+ Bàn tay còn lại ôm lên nắm đấm.

+ Ấn 5 cái dứt khoát vào bụng theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh.

+ Nếu vẫn còn tắc nghẽn thì tiếp tục lặp lại ấn bụng như trên.

Ảnh minh họa: benhvien108.vn.

Trẻ hôn mê:

– Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ.

– Đặt gốc một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.

– Ấn 5 cái đột ngột, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.

– Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục lặp lại các bước như trên cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Chú ý: Nếu trẻ ngưng thở

– Gọi cấp cứu ngay.

– Bắt đầu hồi sức tim phổi (hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực) tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim cứ như vậy đến khi nhân viên y tế đến nơi.

Theo Tri thức và Cuộc sống

Xem thêm:

Nên đọc