Những sai lầm khi giải rượu ngày Tết nhiều người mắc phải
Ngày Tết, đôi khi quá chén là điều không tránh khỏi, đặc biệt là ở cánh mày râu. Để giải rượu nhiều người thường áp dụng các phương pháp được “mách chỉ” hoặc đọc đâu đó trên mạng. Tuy nhiên, việc sử dụng sai các phương pháp giải rượu cho người say không những không có tác dụng mà còn ảnh hưởng đến cả tính mạng. Dưới dây là một số sai lầm hay gặp nhất:
Uống nước chanh
Đa phần mọi người hay cho người say rượu uống nước chanh hoặc các loại nước có vị chua vì cho rằng vị chua sẽ giúp giải rượu nhanh. Nhưng việc này hoàn toàn sai lầm, bởi theo các bác sĩ chuyên khoa, người say đang có một lượng rượu lớn trong người, nếu kết hợp với chất axit có trong chanh và các loại quả chua sẽ gây nôn thêm, tổn thương đến dạ dày. Vì thế, cách tốt nhất là nên cho người say rượu uống các loại nước có đường, muối như nước mật ong, nước đường…
Ép nôn
Chúng ta hay cố ép người say rượu nôn ra vì nghĩ rằng việc đó sẽ giúp họ tỉnh tảo hơn. Tuy nhiên, việc này chỉ có tác dụng với người tuy uống rượu nhưng còn tỉnh và có khả năng nói chuyện bình thường, còn đối với những người trong tình trạng không tỉnh thì nó sẽ gây phản tác dụng, rất nguy hiểm. Vì khi đó, việc ép nôn rất dễ gây sặc, chất nôn dễ trào ngược tràn vào phổi gây viêm phổi, nếu tình trạng đó không cấp cứu kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Sử dụng thực phẩm chức năng
Uống thuốc giải rượu là cách hay được áp dụng nhất chỉ sau việc uống nước chanh. Nhựng thực chất thuốc giải rượu không có tác dụng chống lại việc sau rượu, nó chỉ giúp hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu.
Một số người khác lại dùng những loại thuốc như Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt để làm giảm cơn đau khi say rượu, nhưng không biết rằng những loại thuốc này khi uống với rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.
Lưu ý ở đây cũng không nên lạm dụng thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
Một số lời khuyên cần lưu ý
Để hạn chế tác hại của rượu, khi uống mọi người nên ăn uống đầy đủ. Đặc biệt người có tiền sử bệnh gan, huyết áp, tim…nên thận trọng khi uống rượu.
Nếu người say rượu bị ngộ độc, bị rối loạn ý thức, cần sơ cứu kịp thời bằng cách đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và nằm nghiêng sang một bên. Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải có tác dụng dẫn lưu đờm giãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân nôn. Tư thế này còn gọi là tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng… nhằm tránh hạ đường huyết.
Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng,thở nhanh và thở sâu, người tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị… cần phải đưa tới bệnh viện khám. Với cả hai trường hợp chúng ta phải ủ ấm cho bệnh nhân. Tuyệt đối không cho người bệnh tự điều khiển xe cộ hay lao động… dễ gây ra các tai nạn đáng tiếc
Trên đây là một số những cách giải rượu sai lầm mà mọi người hay mắc phải, lưu ý để tránh những cách dưới đây, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn trong dịp Tết Định Dậu sắp tới nhé.
( Nguồn: Tổng hợp )