Phải làm sao khi nhà chồng không ủng hộ cơ hội thăng tiến sự nghiệp
Phunuduongthoi.vn – Tôi 31 tuổi, kết hôn được 3 năm, có bé trai 13 tháng. Vợ chồng sống tại TP HCM, nhờ bà ngoại chăm bé các ngày trong tuần, cuối tuần vợ chồng tự lo.
Tôi làm trong chuỗi cung ứng (supply chain) được 8 năm, công việc áp lực và không có nhiều thời gian cho con. Lương của tôi là 30 triệu mỗi tháng, chồng viết phần mềm, lương tháng 40 triệu.
Với tính cách của bản thân, tôi không thể tiến xa hơn trong sự nghiệp, dự định sẽ chuyển sang giảng dạy ngành đang làm sau tuổi 35, hiện tôi có kinh nghiệm làm trợ giảng được 3 năm rồi, thấy hợp với con đường này. Tôi đã nộp hồ sơ xin học bổng toàn phần (tài trợ tiền học phí và phí sinh hoạt), vào được vòng phỏng vấn cuối cùng. Tôi rất hy vọng vào cơ hội lần này. Nếu đậu tôi sẽ đi học vào mùa xuân năm sau. Lộ trình tôi xây dựng cho bản thân là học thạc sĩ xong về lại Việt Nam, vẫn đi làm song song tìm cơ hội dạy học. Sau 35 tuổi tôi tìm kiếm học bổng tiến sĩ ngành này tại nước ngoài.
Trước khi nộp hồ sơ tôi đã thống nhất với chồng nếu đậu cả gia đình sẽ ra nước ngoài, anh làm IT nên xin việc làm từ xa không quá khó, bé cũng đủ tuổi có thể gửi nhà trẻ ở nước ngoài. Tuy nhiên vấn đề tôi vướng phải là sự phản đối của gia đình chồng. Chồng tôi là con trai một, con tôi là cháu đích tôn; ba mẹ chồng trên 60 tuổi ở quê, cách nhà riêng chúng tôi 40km, sống cùng gia đình chị chồng.
Lý do gia đình chồng phản đối vì muốn được ở gần con cái, hàng tuần đều có thể được gặp cháu nội. Mẹ chồng còn hối thúc tôi sinh thêm bé nữa, sợ đi du học năm rưỡi về thì lớn tuổi khó sinh. Ba chồng và chị chồng phản đối tôi học cao, cho rằng phụ nữ học cao hơn chồng sẽ xem thường chồng. Chồng tôi rát thương ba mẹ, sự phản đối của gia đình làm anh lung lay. Sau một thời gian tôi thuyết phục, nhà chồng đưa ra hai lựa chọn: Tôi từ bỏ cơ hội này hoặc tôi đi học một mình, con phải gửi về cho ba mẹ chồng nuôi, cuối tuần chồng về thăm con.
Phương án thứ nhất: Nếu học thạc sĩ chương trình nước ngoài tại Việt Nam hiện chỉ có một cơ sở khá uy tín, chi phí toàn khóa học 18 tháng khoảng 320 triệu, không có học bổng. Với khối lượng công việc như hiện tại và sức khỏe của bản thân, tôi không thể kham nổi ngày đi làm, tối đi học, cuối tuần lo cho gia đình và lo bài vở. Lựa chọn học tại Việt Nam thì khả năng cao tôi phải nghỉ việc hiện tại hoặc tìm công việc khác nhẹ hơn.
Trong ngành của tôi, không phải vị trí thấp lương thấp thì sẽ ít việc hơn. Giả sử có vị trí thấp hơn thì công việc nhẹ hơn, tuy nhiên rất khó để thuyết phục nhà tuyển dụng khi tôi đang làm trưởng phòng nhưng lại nộp đơn làm nhân viên. Ngoài ra, lộ trình phát triển sự nghiệp cũng bị đứt gãy, sau này tốt nghiệp làm sao thuyết phục nhà tuyển dụng đồng ý ứng viên từng làm trưởng phòng rồi xuống nhân viên và giờ lại xin ứng tuyển trưởng phòng. Nếu lựa chọn nghỉ làm, chỉ tập trung vào việc học thì tôi cần thêm vài năm để tích lũy học phí. Tôi không muốn bị nhà chồng nói ăn bám chồng trong thời gian học.
Phương án thứ hai: Mẹ không nỡ xa con và không yên tâm để ông bà nội chăm cháu. Nhìn hai đứa bé con chị chồng tôi hình dung được viễn cảnh con trai mình sẽ trở nên bướng bỉnh như thế nào nếu để ông bà nội chăm. Nói thêm, tôi vô tình nghe được chị chồng nói riêng với ba mẹ chồng: “Cứ để cho nó đi nước ngoài, mình cản lại mang tiếng ác. Cháu mình giữ, nó cà chớn thì kiếm vợ khác cho thằng út. Chắc gì nó ra nước ngoài một mình rồi không léng phéng này nọ. Đàn bà học cao rồi ra vẻ khinh thường chồng là không được rồi. Ba má phải nói với thằng út, vợ muốn học gì thì tự kiếm tiền mà học, nhà này không nuôi đâu”. Tôi rất sốc với lời nói của chị chồng, càng buồn hơn khi ba mẹ chồng cũng đồng tình với quan điểm đó. Cùng là phận đàn bà, cũng có ăn học nhưng tôi không ngờ chị ấy có thể thốt ra những lời đó.
Chồng đang tôn trọng quyết định của tôi, anh có vẻ nghiêng về phương án tôi học tại Việt Nam hơn vì không muốn gia đình nhỏ chia tách, còn tôi vẫn giữ quan điểm ban đầu là cả gia đình cùng ra nước ngoài. Nếu lần này tôi chấp nhận phương án học tại Việt Nam thì sau 4-5 năm nữa vẫn phải lựa chọn khi học lên tiến sĩ. Xin các bạn hãy cho tôi lời khuyên.
Theo VNE
Xem thêm: