Trung Quốc: Chồng phải bồi thường tiền làm việc nội trợ cho vợ sau khi ly hôn
Phunuduongthoi.vn – Tòa án ly hôn Trung Quốc đưa ra phán quyết người chồng phải bồi thường 7.700 USD (hơn 180 triệu đồng) cho vợ trong nhiều năm làm việc nhà. Vụ việc dẫn đến một làn sóng tranh luận lớn ở Trung Quốc về vai trò của người phụ nữ nội trợ.
Một tòa án ly hôn ở Trung Quốc đã ra phán quyết buộc người chồng phải bồi thường tiền cho vợ vì lượng việc nhà người vợ đã làm trong cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm. Đây là lần đầu tiên một tòa án đưa ra phán quyết như vậy sau khi Trung Quốc có luật hôn nhân mới
Phán quyết pháp lý đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi về việc đặt giá trị của đồng tiền so sánh với công việc vốn không được trả công như việc phụ làm nội trợ. Tính đến hôm thứ Hai (22/2), chủ đề này đã thu hút gần 400 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Theo hồ sơ tòa án, người vợ có họ Wang gặp chồng mình, người mang họ Chen vào năm 2010. Cả hai kết hôn vào năm 2015 nhưng bắt đầu sống ly thân vào năm 2018. Hai người có chung một người con trai, cậu bé này sống với mẹ.
Năm 2020, anh Chen đệ đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân quận Phòng Sơn, Bắc Kinh. Cô Wang ban đầu miễn cưỡng đồng ý ly hôn, nhưng sau đó yêu cầu phân chia tài sản và bồi thường tài chính vì anh Chen đã không tham gia các công việc nội trợ cũng như chăm sóc con cái. Ngoài ra, cô Wang còn tố chồng có mối quan hệ ngoài luồng với một người khác.
Khi đưa ra phán quyết ly hôn, tòa trao quyền nuôi con trai cho cô Wang, và yêu cầu anh Chen phải chu cấp 2.000 NDT (khoảng 7,1 triệu đồng) tiền cấp dưỡng cho cô Wang mỗi tháng. Đồng thời, tòa yêu cầu anh bồi thường cho vợ cũ 50.000 NDT (hơn 178 triệu đồng) cho lượng công việc nhà mà cô Wang đã làm trong khoảng thời gian 5 năm.
Một cư dân mạng cho rằng: “Đúng là cần có tiền bồi thường, nhưng 50.000 NDT là quá ít. Nếu phụ nữ ra ngoài và làm việc trong nửa năm thì sẽ kiếm được nhiều hơn thế”. Tuy nhiên, một người khác bình luận: “Tại sao lại đề cập đến việc nhà trong khi bản thân cô ấy cũng được hưởng thành quả trong công việc nội trợ của mình”.
Ông Zhong Wen, một luật sư về ly hôn tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc nói rằng phán quyết này dựa trên luật hôn nhân mới của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1.
Ông nói: “Có một điều khoản quy định rằng bên nào đảm nhận nhiều công việc hơn trong việc nuôi dạy con cái, chăm sóc người già và hỗ trợ công việc của vợ/chồng thì có quyền yêu cầu bồi thường khi ly hôn. Hai bên nên thương lượng các giải pháp, nếu thương lượng không thành công, tòa án sẽ ra phán quyết.”
Ông Zhong cho biết rằng phán quyết này có lợi vì các lý do xã hội và pháp lý. Nó công nhận giá trị của việc chia sẻ công việc nhà.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh: “Những người làm nội trợ bị mất giá trong cuộc hôn nhân, với ảnh hưởng rõ ràng nhất là kỹ năng sinh tồn trong xã hội và kỹ năng nghề nghiệp của họ có thể sẽ giảm sút”. Nói về số tiền bồi thường, ông cho biết như vậy là quá ít.
Ở một số quốc gia khác trên thế giới, phán quyết bồi thường tương tự cũng đã được áp dụng. Chẳng hạn như ở Anh, khi phân chia tài sản trong một vụ kiện ly hôn, tòa án sẽ xem xét đến sự đóng góp của cả hai bên cho gia đình của họ, bao gồm cả việc nhà hoặc chăm sóc gia đình, và đó không chỉ là “bồi thường tài chính” cho một bên, ông Zhong nói thêm.
Vụ việc dẫn đến một cuộc tranh luận lớn hơn ở Trung Quốc về vai trò của những phụ nữ nội trợ cùng với phong trào nữ quyền đang đi lên của đất nước. Theo các cuộc khảo sát được thực hiện bởi Phụ nữ Liên hợp quốc, tổ chức của Liên hợp quốc dành riêng cho bình đẳng giới, phụ nữ vẫn thực hiện nhiều hơn ít nhất hai lần rưỡi công việc chăm sóc trong gia đình và không được trả lương cao hơn nam giới.
Một tài khoản Weibo chia sẻ: “Trường hợp này cảnh báo chúng ta về công việc của những người nội trợ. Bạn sẽ tụt hậu so với xã hội, không có chuyên môn hay sự nghiệp và công việc của bạn bị coi là vô nghĩa vì nó không có giá trị về mặt tài chính. Và tệ nhất là bạn sẽ chỉ biết phụ thuộc vào chồng mình”.
Hồi tháng 10, Zhang Guimei, người sáng lập và là hiệu trưởng của trường trung học nữ sinh được tài trợ công khai đầu tiên ở Trung Quốc đã gây ra cuộc tranh luận công khai về việc phụ nữ lựa chọn làm nội trợ khi cô chỉ trích họ thiếu độc lập và dựa dẫm vào chồng. Cô cho biết cô không ủng hộ việc học sinh của mình trở thành những người nội trợ.
Trước đây, Zhang đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi như một nhà giáo dục nổi tiếng vì đã đóng góp vào việc thay đổi sinh kế của phụ nữ ở một trong những khu vực nghèo nhất Trung Quốc.
Theo đó, trường trung học dành cho nữ sinh ở quận Hoa Bình của Lệ Giang, tỉnh Vân Nam được thành lập vào năm 2008, giúp cho 1.800 nữ sinh từ các gia đình nghèo khó có cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách hỗ trợ các em vào đại học.
Một bình luận gọi bài phát biểu trên của bà Zhang là thiếu tôn trọng phụ nữ, trong khi những người khác cho rằng bài phát biểu này nên được nói trong bối cảnh liên quan đến các công việc hỗ trợ giúp phụ nữ thoát nghèo.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: