6 kỹ năng quan trọng trẻ cần thành thạo trước khi vào lớp 1
Phunuduongthoi.vn – Từ 2-5 tuổi là giai đoạn con có những bước phát triển nhảy vọt về cả tâm lý và thể chất, phụ huynh nên nắm bắt thời điểm vàng này để có sự hướng dẫn đúng đắn, giúp con chuẩn bị tốt hơn trước khi vào môi trường tiểu học.
Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoát đứa con bé bỏng của bạn đã bước vào lứa tuổi mẫu giáo. Chẳng bao lâu nữa chúng sẽ bước đến một giai đoạn quan trọng khác với nhiều thử thách hơn ở trường tiểu học.
Đây cũng chính là thời điểm mà phụ huynh nên có sự chuẩn bị sẵn sàng, giúp con rèn luyện một số kỹ năng quan trọng để con có được khả năng thích nghi tốt hơn, học tập hiệu quả hơn ở cấp tiểu học.
Từ 2-5 tuổi, trẻ càng ngày càng phát triển tính tò mò, thích quan sát học hỏi và bắt đầu hình thành sự tự chủ. Dưới đây là 6 kỹ năng thiết yếu trẻ cần được biết, bố mẹ nhớ đừng bỏ qua nhé!
Trẻ nên biết sử dụng thành thạo dụng cụ ăn uống
Trẻ 2 tuổi bắt đầu có khả năng sử dụng thìa. Đến 3 tuổi, khi kỹ năng tay trở nên thuần thục hơn thì sự chủ động ăn uống của con cũng phát triển theo. Đặc biệt sau 4 tuổi, trẻ sẽ hình thành sự hứng thú với việc sử dụng đũa. Lúc này, người lớn, bố mẹ có thể hướng dẫn và cho trẻ làm quen với việc dùng đũa.
Vì việc sử dụng dụng cụ ăn uống đòi hỏi sức mạnh của cơ tay, sự ổn định của cánh tay, sự linh hoạt của cổ tay, các ngón tay, đồng thời có sự phối hợp giữa tay và mắt, những khả năng này sẽ tạo nền tảng tốt cho các kỹ năng cầm bút và sử dụng các dụng cụ cần thiết cho việc học trong tương lai.
Trẻ nên học được cách tự mặc quần áo
Trẻ 2 tuổi có thể hoàn thành những động tác cởi quần áo đơn giản. Đến hai tuổi rưỡi, trẻ sẽ có khả năng cởi quần và cởi những chiếc cúc lớn. Đến 3 tuổi, với một chút trợ giúp, trẻ có thể mặc và cởi quần áo chui đầu, sau đó có thể học kéo quần lên và mở khóa. Lớn hơn một chút, trẻ có thể nhận biết được mặt trước và mặt sau của quần áo, biết cách mang vớ và tiếp tục phát triển sự khéo léo của mình bằng việc mang giày dép. Đến khoảng 5 tuổi, con có thể tự quyết định trong việc ăn mặc của mình, dĩ nhiên bố mẹ cũng có thể góp chút ý kiến nhưng đừng quá gay gắt trong vấn đề này.
Mặc quần áo là một chuỗi các bước đòi hỏi sự phối hợp thể chất, hình ảnh cơ thể, thao tác tay, sử dụng bàn tay, kích thích đầu óc suy nghĩ và một số khả năng khác, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chuẩn bị và hoàn thành các bài học trong quá trình học tập ở cấp tiểu học.
Trẻ nên học được cách dọn dẹp, sắp xếp đồ chơi
Sau một tuổi, trẻ đã có thể học cách thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Từ 2-3 tuổi, sự nhận biết của trẻ phát triển hơn, chúng có khả năng phân loại đồ chơi theo màu sắc, hình dạng, kích thước và các đặc điểm khác… Từ 3-4 tuổi, trẻ bắt đầu có sự tư duy hơn khi sắp xếp đồ theo trình tự hoặc phân loại theo chủ đề. Đến 5 tuổi, trẻ có sự nhận biết về môi trường xung quanh, trẻ sẽ biết món đồ nào cần được để ở vị trí nào mới hợp lý.
Trong quá trình dọn dẹp, bố mẹ có thể trau dồi khả năng của con mình trong việc lập kế hoạch và tổ chức, các khái niệm không gian, giải quyết vấn đề và xây dựng chiến lược, những điều này sẽ rất hữu ích cho việc sắp xếp cuộc sống và rèn luyện tính tự giác khi học tiểu học.
Trẻ nên học đạp xe
3- 4 tuổi là giai đoạn quan trọng để tăng cường khả năng phối hợp và cân bằng của cơ thể. Ở giai đoạn này, trẻ đã có thể sử dụng xe đạp có bánh phụ. Khi được 4- 5 tuổi, trẻ đã có đủ khả năng giữ thăng bằng, phối hợp hoạt động tay chân và mắt, lúc này nhiều trẻ đã có thể đạp xe không cần bánh phụ.
Việc tập đi xe đạp có thể thúc đẩy phản ứng nhanh nhẹn, rèn luyện khả năng cân bằng, phối hợp hoạt động cơ thể, luyện tập các chức năng tim phổi và sức bền của cơ… Tập đạp xe cũng đòi hỏi trẻ vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, từ đó tăng cường sự tự tin, điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình trẻ tương tác xã hội và giao tiếp với các bạn, các thầy cô ở trường học.
Trẻ cần được học sáng tạo với màu sắc
Việc nhận biết màu sắc bắt đầu từ khi trẻ được 2 tuổi. Giai đoạn 2- 3 tuổi, trẻ có thể nhận biết từ 2- 6 màu sắc khác nhau. Trên bốn tuổi, trẻ có thể nhận biết hơn 10 màu, đồng thời có thể phát triển khái niệm về màu sắc liên quan. Hầu hết trẻ ở giai đoạn này đều thích vẽ và tô màu, vì thế phụ huynh nên khuyến khích trẻ nhiều hơn để trẻ có thể tự tin sáng tạo hơn.
Quá trình sáng tạo cùng màu sắc có thể giúp trẻ tăng cường các kỹ năng tưởng tượng, tư duy, phán đoán, phát triển kỹ năng tay khéo léo, đồng thời cũng có thể trau dồi ý thức về cái đẹp. Đến tuổi tiểu học, điều này sẽ giúp trẻ thể hiện giá trị bản thân trong các hoạt động sáng tạo ngoại khóa.
Trẻ nên học kỹ năng kể chuyện
Trẻ 2-3 tuổi bắt đầu biết cách sử dụng hai hoặc ba câu đơn để nói những gì chúng đã hoàn thành. Trẻ 3-4 tuổi có thể hiểu các thuật ngữ về phương hướng, vị trí và thời gian. Càng lớn chúng sẽ càng thích kể chuyện nhiều hơn, dùng các từ ngữ mới lạ, để giao tiếp với bố mẹ. Lúc này trẻ cần có sự hướng dẫn của người lớn để giúp hoàn thiện dần vốn từ, biết gọi tên các cảm xúc và sự vật, sự việc xung quanh.
Học cách kể chuyện có thể giúp trẻ tăng cường các kỹ năng như thính giác, phân tích logic, suy đoán, phát triển khả năng ngôn ngữ nên sẽ có tác dụng rất tốt khi giao tiếp và diễn đạt với mọi người khi bước chân đến trường.
Theo Pháp luật và bạn đọc
Xem thêm: