Dấu hiệu trẻ đang nói dối và cách xử lý

Phunuduongthoi.vn – Hầu hết trẻ em đều nói dối vào lúc này hay lúc khác và cha mẹ thường rất khó phát hiện.

Bất cứ ai nói dối đều cảm thấy lo lắng, trẻ em cũng không ngoại lệ. (Ảnh: ITN).

Giới chuyên gia đã tổng hợp một số dấu hiệu trẻ nói dối và giải pháp khắc phục dành cho từng độ tuổi.

Bất cứ ai nói dối đều cảm thấy lo lắng, trẻ em cũng không ngoại lệ. Có một số hành vi, biểu hiện và cử chỉ liên quan đến việc nói dối. Hiểu biết về những phản ứng này có thể cảnh báo cha mẹ khi nào con đang nói dối.

Đột ngột thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện
Khi con cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn bình thường về một điều gì đó, hãy cẩn thận. (Ảnh: ITN).

Nếu con cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của bạn để tránh một cuộc thảo luận, điều đó sẽ khiến bạn băn khoăn. Trẻ em thường có những hành vi như vậy để tránh bị phát hiện nói dối hoặc rơi vào tình huống khó chịu buộc chúng phải nói dối.

Tránh giao tiếp bằng mắt

Thông thường, trẻ lớn hơn tránh nhìn vào mắt cha mẹ khi giao tiếp, đặc biệt là khi chúng đang nói dối. Tuy nhiên, điều đó có thể không xảy ra với trẻ nhỏ vì chúng gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa thực tế và hư cấu.

Vì vậy, nếu con bạn đang ở độ tuổi mẫu giáo, chúng vẫn có thể nhìn thẳng vào mắt bạn và ba hoa về một điều gì đó.

Đối với trẻ lớn hơn, theo thời gian và luyện tập, trẻ có thể học cách nhìn thẳng vào mắt người đối diện ngay cả khi nói dối. Cha mẹ cần hết sức tinh ý mới có thể phát hiện sự việc.

Thay đổi trọng tâm cơ thể

Nếu con liên tục chuyển trọng tâm từ chân này sang chân kia trong khi nói chuyện với bạn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy con không thoải mái với những gì mình đang nói và có thể không đưa ra được bức tranh chân thực về sự việc.

Cử chỉ khác thường

Bồn chồn, chớp mắt quá mức hoặc không chớp mắt, các phản ứng phòng thủ như cử động tay mạnh mẽ, chạm vào mặt hoặc mũi hoặc gãi tai đều là những dấu hiệu tinh vi của việc nói dối.

Giải thích quá chi tiết

Khi con cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn bình thường về một điều gì đó, hãy cẩn thận! Nếu con thường không phải là người nói nhiều nhưng không thể ngừng nói về điều gì đó, chứng tỏ con đang cố gắng hết sức để thể hiện quan điểm của mình.

Trì hoãn trả lời

Việc lặp lại câu hỏi trước khi trả lời hoặc trì hoãn câu trả lời thường có nghĩa là con đang cố câu giờ để đưa ra câu trả lời phù hợp, điều này có thể không phản ánh đúng sự thật.

Ngoài ra, nếu con không trả lời trực tiếp câu hỏi của bạn, điều đó có nghĩa là mặc dù lương tâm không cho phép con nói dối nhưng con vẫn cần phải nói dối vì một lý do nào đó.

Ví dụ, nếu bạn hỏi, “Hôm nay con bỏ tiết toán phải không?” trong khi con cố gắng đánh lạc hướng bằng câu trả lời, “Mẹ ơi, con biết bỏ học là không tốt.”

Không nhất quán

Khi phiên bản câu chuyện của con nghe có vẻ không nhất quán và thiếu liên kết, có thể con chưa có cơ hội diễn tập lại lời nói dối mà mình nghĩ ra.

Nếu con thông minh hơn bình thường và các câu trả lời của con có vẻ như đã được luyện tập kỹ lưỡng thì đó cũng có thể là một dấu hiệu khác của việc nói dối.

Giọng nói bị thay đổi
Đừng gán cho con là kẻ nói dối ngay cả khi con đang nói dối bạn. (Ảnh: ITN)

Nếu đột nhiên con nói giọng trầm hoặc giọng cao, điều đó có thể là do con đang cố nói dối. Nói dối làm tăng mức độ lo lắng của con, điều này dẫn đến sự thay đổi cao độ giọng nói.

Ngoài ra, khi nói dối, tốc độ nói bắt đầu thay đổi. Con có thể nói nhanh hơn bình thường, thường xuyên bị ngắt quãng hoặc nói lắp.

Cách xử lý khi phát hiện con nói dối

Trẻ mới biết đi không thể phân biệt được tưởng tượng với thực tế. Vì vậy, khi trẻ kể cho bạn nghe một câu chuyện không thể xảy ra, hãy trả lời nhẹ nhàng và đi theo diễn biến câu chuyện thay vì buộc tội trẻ nói dối.

Đối với trẻ mẫu giáo, nói dối thường có lý do. Vì vậy, thay vì buồn bã khi bị lừa dối và phản ứng gay gắt, hãy hít thở sâu vài hơi để bình tĩnh lại và đáp lại con bằng sự đồng cảm: “Có vẻ như con sợ nói cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra. Hãy để mẹ nắm tay con để giúp con ngừng cảm thấy sợ hãi”.

Đừng gán cho con là kẻ nói dối ngay cả khi con đang nói dối bạn. Đó là thứ nhãn mác hủy hoại lòng tự trọng của trẻ. Thay vào đó, hãy giải quyết lời nói dối trong bối cảnh của nó. Tiếp theo, hãy giúp bé nói chuyện với bạn về những gì thực sự đã xảy ra. Sau đó bạn có thể giúp bé sắp xếp cảm xúc của mình.

Khi con bịa ra một câu chuyện tưởng tượng và cố gắng trình bày nó như một sự việc có thật, hãy đánh giá cao trí tưởng tượng tuyệt vời của con. Sau đó hướng dẫn con hiểu những câu chuyện như vậy có thể khiến người khác hiểu lầm con như thế nào.

Đối với trẻ 6 – 12 tuổi, khi bạn bắt gặp con đang nói dối, việc bạn cảm thấy tức giận là điều đương nhiên. Nhưng hãy bình tĩnh và dành một chút thời gian để ổn định cảm xúc của bạn.

Điều này giúp bạn có lập trường trung lập khi lắng nghe câu chuyện của con và kết nối với cảm xúc của con. Cách tiếp cận này khuyến khích con nói sự thật với bạn.

Con càng tin tưởng rằng bạn sẽ hỗ trợ và hướng dẫn thay vì trừng phạt khi phạm lỗi hoặc làm sai, thì con sẽ càng ít nói dối bạn hơn.

Theo Báo Giáo dục và Thời đại

Xem thêm:

Nên đọc